Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ ba, 24/12/2024 6:46

Một nhà khoa học Việt kiều có nhiều đóng góp cho đất nước

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô - một nhà khoa học Việt kiều Nhật Bản, nổi tiếng trên thế giới về lĩnh vực vi mạch - là một người có nhiều đóng góp cho đất nước về đào tạo và tư vấn khoa học công nghệ.

Nhận bằng tiến sỹ khoa học công nghệ tại Nhật Bản từ năm 1968, tiến sỹ Đặng Lương Mô từng là chuyên viên nghiên cứu của Viên nghiên cứu Trung ương Toshiba Nhật Bản.

Giới khoa học trên thế giới biết đến Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô như là tác giả của hơn 300 công trình nghiên cứu và hơn 10 bằng phát minh, sáng chế. Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được trích đăng hoặc trích dẫn trong các sách nghiên cứu xuất bản tại Mỹ, nhất là sách giáo khoa sử dụng tại các đại học Mỹ. 

Ông đã được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học New York từ năm 1992. Ông còn là hội viên thượng cấp của Hội Kỹ sư điện-điện tử-tin học (IEEE) của Mỹ. Tại Nhật Bản, với các cống hiến khoa học tại Viện Nghiên cứu Trung ương Toshiba, Đại học Hosei, Tôkyô, ông đã được 2 nơi này trao bằng khen về những đóng góp xuất sắc.

Năm 1989, khi đang giảng dạy tại trường Đại học Hosei, ông đã vận động các trường đại học, các quỹ ở Nhật tài trợ, giúp các giảng viên của Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh sang Nhật tu nghiệp; thành lập và trang bị phòng thí nghiệm mô phỏng và thiết kế vi mạch tại Khoa Điện-Điện tử, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông còn là cầu nối cho Đại học Hosei, Nhật và Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác có hiệu lực từ năm 1998 với nội dung, hàng năm Đại học Hosei sẽ cung cấp chi phí cư trú, sinh hoạt cho cán bộ giảng dạy của Đại học Bách khoa sang nghiên cứu sinh ở Đại học Hosei trong một năm. Đã có 30 cán bộ giảng dạy của Đại học Bách khoa sang Nhật nghiên cứu trong khuôn khổ hiệp định này.

Về nước năm 2002, ông đã tham gia việc giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu cao học tại Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh; làm Ủy viên Hội đồng Khoa học Phòng Thí nghiệm Công nghệ Nano, cố vấn cho giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Hội đồng Khoa học Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Gần đây, ông nhận chức Trưởng ban vận động thành lập Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật Việt kiều với mong muốn làm cầu nối cho trí thức Việt kiều đóng góp chất xám phục vụ đất nước.

Hiện nay, ông đang xúc tiến xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo vi mạch (ICDREC) tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; thu hút đầu tư về vi mạch cho Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh và gấp rút chuẩn bị cho việc ra mắt Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật Việt kiều Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2005.

Bốn năm qua, ông đã trích một phần lương hưu cấp tổng cộng 8 suất học bổng cho sinh viên giỏi gặp khó khăn, trị giá 16 triệu đồng. Từ năm học 2005-2006, ông đã vận động Tập đoàn Toshiba cấp học bổng sau đại học cho sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tổng cộng 32.000USD/trường/năm.

Với những đóng vào sự nghiệp đào tạo và công nghệ của nước nhà, năm 2003, ông đã được nhận bằng khen Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dành cho kiều bào có công; Huy chương Vì sự nghiệp các hội khoa học kỹ thuật và Giải thưởng Vinh danh nước Việt  năm 2004.

(Theo TTXVN)


Các tin liên quan:
Tạo bởi admin
Cập nhật 27-12-2005
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin