Họa Sỹ Vũ Quốc Chính - một tâm hồn và tài năng
Chiều nay tôi đến Ban biên tập báo Tuần tin mới và sửng sốt trước tin họa sĩ Vũ Quốc Chính đã mất. Ngày trước tôi có làm một bài viết về anh. Thời gian eo hẹp và hối thúc nên bài viết ngắn, chưa chuyển tải hết cảm xúc của tôi đối với tài năng và tấm lòng của anh. Hôm về Hà Nội sang nghe bạn bè kể về buổi triển lãm của anh, tôi chưa tìm đến anh để trò chuyện thì anh đã đi xa.
Hoạ sĩ Vũ Quốc Chính (thứ 2 từ bên phải) tại
cuộc Triển lãm "Ngày trở về" khai mạc 16/1 vừa qua tại Hà Nội
Ngồi viết những dòng chữ về anh nhưng trước mắt tôi luôn hiện lên khuôn mặt thiện đến mức không thể nghĩ khác về con người ấy. Tôi nhớ lại, trước đây anh đã kể cho tôi nghe về cuộc đời anh. Những khi gian khổ trong căn nhà lạnh, chỉ có gió, tuyết, anh đã phải uống nước mắm cho ấm lòng lấy hơi ấm làm việc tiếp. Ấy thế mà khi tranh có người mua mỗi bức vài chục ngàn thì anh đã không ngần ngại đóng góp vào các quỹ từ thiện hoặc giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Bản thân anh qua các năm đã được nhà nước Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc tặng nhiều danh hiệu cao quý vì sự đóng góp cho cộng đồng người Việt Nam tại đây và góp phần đưa đến cho các bạn Séc cái nhìn tốt đẹp hơn về người Việt Nam, có thể nói anh là sứ giả của tình hữu nghị.
Tôi đến lớp học của anh và đứng lặng nhìn anh đang dạy các cháu vẽ. Nhìn những bông hoa úa màu nằm trong chiếc lọ sứ, tôi biết anh đang có giờ dạy trẻ em vẽ tĩnh vật. Dưới ánh nhìn thân thiện của người họa sĩ, trẻ em và cảnh vật dường như là một cái gì cao quý và thiêng liêng lắm. Anh kể chuyện có một cậu bé muốn nghỉ học vì mẹ cháu bảo không có tiền cho cháu nộp học; nhưng anh bảo cháu cứ đến đây học, bác không lấy tiền của cháu và cháu cũng không phải mua bút giấy gì. Anh yêu thiên cảnh và con người ở đây, nhất là vẻ thánh thiện của trẻ em phù hợp với sự trong sáng của tâm hồn anh.
Tranh của anh đã được nhiều nhà phê bình, nhà văn, nhà báo ngợi ca, nhưng với riêng tôi, tôi tâm đắc nhất là bức tranh anh vẽ cảnh sông quê và một bức tranh vẽ ngôi nhà nhỏ nằm trong rừng vắng; bức tranh này tôi không nhớ tên. Tranh của anh vẽ người, vẽ cảnh. Bao giờ trong mỗi bức tranh đều có màu xanh, màu vàng... lung linh như cuộc sống vốn muôn màu. Có một hôm đi đến phòng tranh của anh, một người bạn của tôi đã nói: Tranh của anh sao màu sắc vui quá! Anh chỉ cười, nụ cười hiền lành và không nói gì. Riêng tôi lại cho rằng: màu nhộn nhưng tôi cảm nhận tranh của anh buồn, lặng lẽ và tình cảm thầm lặng chứ không vui. Tôi mến nhất là hình ảnh con đò nhỏ, bến nước xưa và những người trên bến vừa quen thuộc, vừa mang vẻ ngóng chờ; bức tranh này cho ta tất cả cảm giác về quê hương mình ở nơi xa. Ở bức thích nhất của tôi và tâm đắc nhất của anh là một ngôi nhà nhỏ như tôi đã nói ở trên lại là hình ảnh của một cái gì mong manh, cô đơn giữa cái trĩu nặng của không gian; cạnh con đường mòn, một bóng người cô độc như oằn đi dưới sức nặng của cuộc đời. Tôi nghĩ: cuộc đời mấy ai được vui và mấy ai có thể cùng gánh chung nỗi niềm của cuộc sống, con người chỉ có thể tự mình mang lấy nỗi cô đơn của chính mình mà thôi.
Anh ra đi vào ngày 7/3/2006 tại quê nhà. Chúng tôi đến viếng anh tại phòng tranh của anh ở Trung tâm Thương mại Sapa-CH Séc, sáng nay trời xanh, nắng vàng rực rỡ giữa mùa đông, đến giờ làm lễ bỗng đổ ập xuống những bông tuyết trắng to, xoay xoay như lốc vụ, như những đóa hoa của đất trời châu Âu cùng chúng tôi tiễn đưa anh. Khung cảnh, tranh của anh, những nhánh cây xanh trong phòng vẫn im lìm trên giá nhưng anh đã đi xa. Người họa sĩ chân chính và dù tuổi đã qua 60 nhưng tâm hồn vẫn thánh thiện như những gánh nặng thời gian và cuộc đời chưa đụng đến được. Bạn bè đến tiễn anh, còn nỗi đau nào hơn nỗi buồn này!
Thùy Dung- TTM
Viếng họa sỹ Vũ Quốc Chính
Đoàn Cát & các bạn ở CH Séc thân viếng
Anh Chính ơi !!!
Sáng nay anh Tiến* nhắn cho tôi
Một hung tin … Vũ Quốc Chính mất rồi
Tôi choáng váng ! ….Trời ơi! Sao lại vậy ?
Cây bút vẽ, ai nhẫn tâm bẻ gẫy
Vậy thì thơ tôi biết chảy về đâu ?
Lúc đương thời bọn mình hứa với nhau.
“Dù giá nào, dù bất cứ nơi đâu
Không để khó khăn ngăn trái tim giàu
Thơ vẫn chảy quanh cây bút vẽ”
Vậy mà sao Chính vội vàng đến thế ?
Bỏ bọn mình đi chẳng dặn được gì
Trước Vánoce Chính bảo Chính về
Làm triển lãm ở ngoài Hà Nội,
Mình thương Chính lúc nào cũng vội
Cả một đời cứ lật đật long đong
Hạnh phúc vợ chồng mới chỉ có một con
Thì tổ ấm đã chia làm đôi ngả.
Gà trống nuôi con bên xứ Tây vất vả
Để mưu sinh như tất cả mọi người
Anh vẫn yêu cây bút vẽ nhất đời.
Trong gian khó tranh vẫn tươi màu mực
Như ong dâng cho đời mật ngọt
Tuổi về già Chính có được sướng đâu ,
Bao gian truân còn phải đội trên đầu
Đâu tổ ấm, đâu xum vầy đoàn tụ
Con còn nhỏ đang theo nghề học vẽ
Nối nghiệp cha, nào đâu biết bể dâu
Con lớn lên, ai nâng giúp về sau
Cho nó được có cha có mẹ
Đời sao cứ éo le là thế
Gánh nặng này biết để cho ai?
Mình sợ con không gánh nổi Chính ơi!
Ngày mai là Chính đã đi rồi
Ở Hà Nội hay về quê Vĩnh Trụ**
Nhớ mang theo cả cây bút vẽ tài hoa
Về dưới kia vẽ thế giới không màu
Dù ở đâu, hay bất cứ ở đâu
Chính thanh thản, thôi đừng buồn Chính nhé!
Hỡi nhà tang hãy nâng đòn nhè nhẹ,
Đừng làm cho bạn tôi bị giật mình
Trong điếu văn xin đừng có kể
Cảnh bể dâu với năm tháng điêu linh
Đời cho vậy, số cho là… có vậy
Vĩnh biệt… Vĩnh biệt… Chính đi … đi.
… Trên đây có bọn mình .
Praha, 8/3/2006
Đoàn Cát
* Nguyễn Quyết Tiến – Trung tâm giáo dục Dân chí Praha
** Vĩnh Trụ - Hà
Related news:
- "Gia đình Heritage Việt Nam” ở Berlin (05-01-2009)
- Cô gái trẻ người Việt trong nhóm vận động của ông Obama (26-12-2008)
- Người Việt đứng đầu top các nhà kinh doanh trẻ châu Á (25-12-2008)
- Sinh viên Đan Mạch gốc Việt tốt nghiệp xuất sắc Thạc sỹ Luật tại Copenhagen (23-12-2008)
- Việt kiều trẻ tìm đường về nguồn cội (16-12-2008)
- Hai tài năng bóng đá châu Âu mang dòng máu Việt (15-12-2008)
- Nữ sinh gốc Việt nhận học bổng 200.000 USD (12-12-2008)
- Việt kiều với việc đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới (02-12-2008)
- Nghị lực Việt nơi xứ Lào (17-11-2008)
- Đại hội Hội Phụ Nữ Việt Nam tại Leipzig CHLB Đức (14-11-2008)
Last modified 13-03-2006