Tại Praha gặp người đầu bếp Việt Nam trên đất Mỹ
Thủ đô Praha - CH Séc
Theo chân anh Trần Quang Hùng, Trung tâm Thương mại Sapa (CH Séc) và anh Trần Việt Hùng, cộng tác viên VTV4, chúng tôi làm một cuộc phỏng vấn nhanh anh Bao Michael Huynh, một người Việt ở Mỹ. Được biết, anh Bảo đến châu Âu theo lời mời của chính phủ Đức để tổ chức một buổi chiêu đãi nhân ngày Lập quốc của Cộng hòa liên bang Đức - ngày 3/10, với số khách mời lên đến 1500 người. Huỳnh Bảo vinh dự là một trong bốn người đã thắng giải toàn cầu, trong đó có ba người châu Âu và một người Mỹ gốc Việt.
Trong những năm làm đầu bếp, anh đã từng nấu ăn vào dịp lễ Quốc khánh 2/9, ngày Việt Nam tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc, phục vụ nguyên Tổng thống Nga Goocbachov, Tổng thống và Thủ tướng một số nước.
Micheal Bảo Huỳnh với thương hiệu nhà hàng Bao111 được tạp chí chuyên ẩm thực New York bình chọn là “Đầu bếp xuất sắc nhất New York” năm 2003. Đây là Giải thưởng tổ chức định kỳ hằng năm trao cho chín đầu bếp xuất sắc nhất toàn New York.
Món ăn thuần túy Việt Nam của anh được biến tấu một cách độc đáo và đầy sáng tạo đã trở thành món khoái khẩu của không ít nhân vật nổi tiếng: Naomi Campell, Mick Jagger, Usher, Rachel Weisz, Marcosp, Petra Nemcova (siêu mẫu người Séc), Josie Marar...
Bảo là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng này với phong cách nấu những món ăn thuần Việt nhưng được chế biến hợp khẩu vị châu Âu. Khi thuyết trình trước hội đồng giám khảo, anh rất ghét dùng chữ “fusion” (pha trộn) vì “món Việt Nam không bắt chước món ăn của bất kỳ nước nào, đó là món ăn Việt Nam nhưng được chọn lọc nguyên vật liệu, hương vị, cách chế biến sáng tạo hơn, và nó phù hợp với trào lưu mới của những người sành ăn Mỹ”.
Có thể nói New York là trung tâm ẩm thực lớn nhất nước Mỹ, tập trung nhiều nhà hàng, đầu bếp tài giỏi từ khắp nơi đổ về lập nghiệp.
Bảo tự nhận mình là “tay mơ” trong làng ẩm thực. Nghề nghiệp chính của anh là kiến trúc sư. Bố anh là kiến trúc sư, mẹ là đầu bếp khá nổi tiếng của Sài Gòn trước năm 1975. Đứng giữa đôi đàng nên khi cả nhà sang định cư ở Mỹ năm 1986, Bảo chọn nối nghiệp cha, đồng thời “đầu quân” học làm đầu bếp ở nhà hàng bán thức ăn Ý của cha mẹ nuôi. Và việc đầu tiên khi tốt nghiệp ngành kiến trúc là Bảo bắt tay thiết kế... nhà hàng và nhận luôn tư vấn các món ăn cho nhà hàng vừa thiết kế. Đến tận bây giờ anh vẫn không biết mình có “chức vụ” gì: kiến trúc sư hay đầu bếp? “Thôi thì kết hợp luôn hai cái lại với nhau” như Bảo nói.
Nhà hàng Bao111 cũng là nhà riêng của gia đình đặt tại số 111 Avenue C (New York, Mỹ), vừa trùng với ngày sinh (1-11-1968) nên Bảo chọn luôn “111” làm thương hiệu cho mình. “Nhà hàng Bao111 nhỏ nhắn, ấm cúng, chỉ 48 chỗ nên thường khách phải đặt chỗ trước 3-4 ngày đến một tuần, thứ bảy, chủ nhật có khi kín chỗ hai ba tuần. Tôi rất mừng vì về khoản nấu ăn tôi được xếp ngang hàng với những đầu bếp nổi tiếng nhất New York”.
Khi được hỏi cảm nghĩ của mình về Cộng hòa Séc- Praha, anh nói: Tôi thấy rất lạ. Ở đây có núi, đồi, cảnh quan thanh bình, thành phố Praha cổ kính và cộng đồng người Việt chúng ta sinh sống ngay trong lòng Praha. Tôi như đang sống ở quê nhà, trong một khu chợ của người Việt Nam và nơi đây có thức ăn của Việt Nam rất tươi mới, hàng hóa phong phú đa dạng.
Hiện nay anh có một cô công chúa nhỏ 9 tuổi và khi chúng tôi hỏi về người nấu ăn ở nhà và cảm nhận về món ăn, anh nói: tôi nấu cho người ta ăn rồi nên về nhà luôn ăn món ăn của vợ. Những món đó không trùng với các món của tôi nấu và ngon.
Được biết, trong dịp lễ của CHLB Đức, anh sẽ trình diễn hai món, đó là thịt bò file nướng cắt mỏng, cuốn khóm (quả dứa), lá chanh, lá quế chấm nước mắm me trộn rượu sakê và món sườn bò cắt mỏng cuốn sả. Khi chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân chọn hai món đó, anh cười: vì làm nhanh, dễ làm, ngon và không béo, vì phục vụ cho 1500 người thì đâu có thể làm chậm được.
Chúng tôi tìm hiểu về tình hình chuẩn bị cho an ninh, họ có yêu cầu gì về thức ăn không, anh cười: tôi chỉ foto cái Pasport đưa cho họ để kiểm tra xem có đúng người vào nấu không, còn về món ăn thì nấu xong tôi thử trước một miếng là được chứ gì.
Khi anh Quang Hùng tìm hiểu về các món ăn của mình, anh Huỳnh Bảo cho biết anh có thể nấu 50 món ăn không trùng với ai và các món ăn đó vẫn mang hương vị Việt Nam.
Thời gian của anh ở CH.Séc không nhiều, kết thúc phỏng vấn chúng tôi muốn hỏi ý kiến của anh trong việc nhận xét về ẩm thực Việt Nam, anh nói: thức ăn của chúng ta ngon, độc đáo, nhưng đã mấy mươi năm vẫn thế, không cải tiến, không sáng tạo mới. Người Nhật, Singapore, Hồng Kông người ta cải tiến để phát triển ngay cả trong món ăn, điện ảnh, kiến trúc… Chúng ta phải học hỏi để tiến lên, giữ bản sắc, hương vị Việt, đồng thời đổi mới không ngừng.
Có người đã mời anh làm đầu bếp ở khách sạn 5 sao tại Praha nhưng do lúc đó chưa biết về CH. Séc nên anh chưa nhận lời. Nay đến đây, anh nói có lẽ sẽ chấp nhận lời đề nghị này, bởi anh cho rằng: khi mình làm việc, đưa món ăn của người Việt đến với thế giới, đến với mọi người chính là quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Chúc Huỳnh Bảo, người mang hương vị Việt đến với thế giới làm tiếp những điều mà mình ước muốn. Mong gặp lại anh ở Praha để một ngày nào đó chúng tôi được thưởng thức hương vị Việt ngay trên chính mảnh đất này.
Thùy Dung (từ CH Séc)
Related news:
- Một tài năng âm nhạc gốc Việt tại Úc (12-07-2006)
- Tiếng "chát, tom" gọi hồn viễn xứ (07-07-2006)
- Giọng hát soprano nổi tiếng Alain Vũ biểu diễn tại Việt Nam (06-07-2006)
- Họa sĩ Văn Dương Thành và “những cánh cổng cổ xưa” (05-07-2006)
- Dấu ấn Việt trong thành tựu của NASA (29-06-2006)
- Joycelyn Nguyễn - tốt nghiệp cao đẳng trước khi học xong phổ thông! (26-06-2006)
- Một thiếu niên Mỹ gốc Việt 14 tuổi vào đại học (20-06-2006)
- Mối dây nguồn cội (19-06-2006)
- Joy Mỹ Liên và hành trình 14 năm tìm về nguồn cội (12-06-2006)
- Nữ luật sư gốc Việt tranh cử ghế Thượng nghị sĩ Mỹ (08-06-2006)
Last modified 27-04-2006