“Mẹ Cil”
Chị Cil (giữa) nhận bằng khen của
Bộ LĐ-TB&XH vì những đóng góp cho trẻ
mồ côi và người tàn tật VN
Người Việt trên đất Pháp
Mang trong người hai dòng máu, cha Pháp, mẹ Việt, ngay khi được sinh ra, Lê Phạm Cecile (tên thân mật Cil) đã không biết cha mình là ai. Người mẹ gửi Cil vào cô nhi viện và bươn chải khắp nơi kiếm tiền chu cấp cho con. Cil đã sống như một đứa trẻ Tây suốt thời thơ ấu trong cô nhi viện.
20 tuổi, Cil mang theo 5.000 franc mà người hàng xóm của mẹ cho mượn đặt chân lên đất Pháp. Cil xúc động: “Khi còn ở VN, thấy mình khác biệt với mọi người, buồn và cô đơn. Lớn lên ở VN mà như một người nước ngoài, học trường Tây, cả đời không biết đến một tấm áo dài... Nhưng khi đặt chân lên đất Pháp xa lạ mới vỡ òa ra: VN mới là quê hương, là máu thịt của mình. Vậy là lao đi tìm người Việt để được che chở”.
May mắn được học hành đầy đủ, Cil xin vào làm việc ở phòng mạch của một bác sĩ người Việt ở Paris. Duyên trời sắp đặt, chị đã trở thành vợ của người bác sĩ đó.
Duyên nợ với quê hương bắt đầu từ 5.000 franc của người hàng xóm những ngày đầu xa quê hương. Chị Cil nhớ lại: “Năm 1990, khi các con đã ổn định việc học hành, tôi tìm đến với những tổ chức người Việt ở Pháp. Lúc đó, tôi mới biết có rất nhiều người Việt đang sống ở đây mà tấm lòng canh cánh hướng về VN như mình. Tôi và gần 30 người cả Việt kiều và người Pháp tham gia trong một hội từ thiện hướng về Tổ quốc mang tên Assorv. Chúng tôi đi khắp nơi trên đất Pháp, sang cả Úc, Chicago, Mỹ tổ chức biểu diễn các chương trình văn hóa nghệ thuật của VN, trình diễn áo dài, trang phục các dân tộc VN để lấy tiền về VN hoạt động xã hội”. Có những buổi biểu diễn của hội ở Úc có đến 20.000 người tới xem. Nhiều Việt kiều đã khóc, nhiều người nghẹn ngào hai tiếng VN...
Tháng 4-1991, Cil đặt bước chân đầu tiên về lại quê hương và đích đến đầu tiên của chị là người hàng xóm của mẹ với món nợ đầu tiên của cuộc đời: 5.000 franc.
Người Pháp trên đất Việt
Trả xong món nợ thấm đầy ân nghĩa, chị Cil lao vào các hoạt động xã hội, từ thiện.
Một lần, tại một vùng sâu của Cần Thơ, chị Cil đã gặp một em bé, nhân vật đưa chị đến với gần 200 trẻ mồ côi sau này. Chị bồi hồi nhớ lại: “Hôm đó, tôi đang đứng với người dân làng nơi cánh đồng họ đang trồng cấy, bỗng tôi thấy có ai đó khẽ nắm lấy tay mình. Tôi cúi xuống và bắt gặp một đôi mắt tròn to, trong sáng đang ngước nhìn tôi đầy thân thiện và tin cậy. Cả thân hình đứa nhỏ toàn bùn lầy lem luốc. Đứa trẻ đó là một em bé mồ côi, đi chăn trâu thuê và sống một mình nơi túp lều cuối làng trong sự cưu mang của làng xóm. Sau buổi đó, hình ảnh đứa nhỏ luôn hiển hiện trong lòng tôi, tôi quyết định phải làm một điều gì đó”.
Trở về Pháp, chị Cil bàn với các thành viên của Assorv và nhanh chóng quay trở lại VN với “đích” đã nhắm: xây một cô nhi viện. Rất nhiều tổ chức, cá nhân trong nước đã chung tay với chị. Những tình nguyện viên ở Bệnh viện Cần Thơ, Hội Chữ thập đỏ đã hết lòng ủng hộ chị.
Cô nhi viện Hoa Mai đầu tiên đã được hoàn thành tại Cần Thơ cuối năm 1992. 50 trẻ mồ côi đầu tiên đã được sống trong ngôi nhà tình nghĩa đó. Chị Cil lại cùng các thành viên Assorv đi tìm bố mẹ đỡ đầu cho các cháu. Mỗi cháu được một gia đình Việt kiều hoặc gia đình Pháp nhận bảo trợ, nuôi nấng ăn học tới 18 tuổi.
Có gia đình Việt kiều làm nghề bán chả giò rong ngoài phố cũng sẵn lòng nhận bảo trợ cho các bé mồ côi. Rồi Hoa Mai Vị Thanh (Hậu Giang), Hoa Mai Đà Nẵng lần lượt ra đời vào những năm 1995, 2000.
Ông Nguyễn Văn Nam, phó giám đốc Hoa Mai Vị Thanh, cho biết: “Chị Cil là phó chủ tịch Hội Assorv và là người trực tiếp lăn lộn làm việc với Hoa Mai từ khi thành lập tới nay. Xa chồng, con đến làm “mẹ” của hàng trăm cháu mồ côi, tấm lòng của chị thật khó nói hết. Giờ các cháu được học kiến thức, học nghề vi tính, học tiếng Anh, học nghề cơ khí. Có bốn cháu đã và đang chuẩn bị tốt nghiệp đại học”.
Cả ba viện mồ côi Hoa Mai luôn duy trì ở mức 150 trẻ mồ côi. Các em trưởng thành được lo công ăn việc làm. Mỗi Hoa Mai đều có phòng khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ và bà con lân cận; có nơi dạy nghề cho trẻ. Toàn bộ tiền chi phí cho trẻ, cán bộ công nhân viên và các khoản chi phí khác mỗi tháng khoảng gần 20 triệu đồng cho mỗi Hoa Mai đều do Hội Assorv tài trợ.
Không chỉ hết lòng với Hoa Mai, với trẻ mồ côi, chị Cil còn mang đến VN những người bạn Pháp. Hai ca sĩ Alain và Laura trong chương trình nghệ thuật từ thiện “Một trái tim - một thế giới” nhân ngày người khuyết tật VN vừa qua là những người bạn có cùng tấm lòng với chị. Alain nói: “Tôi đến VN vì cảm phục Cil và khâm phục tình yêu quê hương của bà. Tôi muốn được cùng bà chia sẻ tình yêu thương đó”.
Trước khi chia tay, chị Cil bùi ngùi: “Còn nhiều lắm những mảnh đời kém may mắn. Chị sẽ làm hết những gì có thể...”. Đôi mắt thoáng buồn, chị tiếp: “Chị rất nhớ gia đình, các con song công việc ở đây cần chị. Chồng và các con chị rất hiểu và chia sẻ”. Chị khoe: “Một cháu đã làm bác sĩ tại Chicago, hai cháu đang học đại học. Mai mốt các cháu về VN hết. Từ nhỏ các cháu đã nói tiếng mẹ đẻ và sống như người VN mà”.
Hoàng Mai
(Tuổi trẻ)
Related news:
- "Gia đình Heritage Việt Nam” ở Berlin (05-01-2009)
- Cô gái trẻ người Việt trong nhóm vận động của ông Obama (26-12-2008)
- Người Việt đứng đầu top các nhà kinh doanh trẻ châu Á (25-12-2008)
- Sinh viên Đan Mạch gốc Việt tốt nghiệp xuất sắc Thạc sỹ Luật tại Copenhagen (23-12-2008)
- Việt kiều trẻ tìm đường về nguồn cội (16-12-2008)
- Hai tài năng bóng đá châu Âu mang dòng máu Việt (15-12-2008)
- Nữ sinh gốc Việt nhận học bổng 200.000 USD (12-12-2008)
- Việt kiều với việc đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới (02-12-2008)
- Nghị lực Việt nơi xứ Lào (17-11-2008)
- Đại hội Hội Phụ Nữ Việt Nam tại Leipzig CHLB Đức (14-11-2008)
Last modified 18-05-2006