Jonathan Quan: Gợi giấc mơ xưa
Jonathan Ke Quan hay Ke Huy Quan ngày trước hay Jonathan Quan bây giờ thực ra chỉ là một người. Liệu nhóc tì có nét diễn tiếu lâm thuở ấy có trở về tái ngộ với đoàn làm phim Indiana Jones lần này? Năm nay, kỷ niệm 25 loạt phim này ra đời, tất cả các diễn viên chính phụ và ê-kíp làm phim qua 3 tập phim trước đều được nhắc đến trong loạt chuyên đề đặc biệt gồm 30 trang của tạp chí Empire. Và thật ngạc nhiên, nhiều fan vẫn còn nhớ đến cái tên Jonathan Ke Quan. Cảm động hơn, vào ngày 20.8 năm nay đã có những lời chúc mừng sinh nhật tràn đầy mến yêu gửi đến cựu diễn viên người Mỹ gốc Việt này trên mạng IMDb. Năm 2005, tên anh nằm ở vị trí 67 trong danh sách 100 Greatest Kid Stars dành cho những ngôi sao nhí được yêu thích nhất mọi thời.
Xuất thân từ một gia đình người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn, Jonathan đến Mỹ khi mới 5 tuổi. Ngay từ nhỏ cậu đã bộc lộ tư chất thông minh khi biết nhiều thứ tiếng bao gồm tiếng Việt, Anh, Quảng Đông và Quan Thoại. Tuy lớn lên ở Mỹ nhưng Jonathan vẫn giỏi giao tiếp bằng tiếng Việt bởi gia đình cậu không muốn cậu quên đi nơi mình đã được sinh ra. Có đến 6 chị em gái và 2 anh trai, từ nhỏ Jonathan đã tỏ ra hiếu động với đủ trò nghịch ngợm trẻ con. Cậu có khiếu làm trò và bắt chước người khác. Đây chính là yếu tố đưa đẩy cậu bắt được duyên may với điện ảnh.
Steven Spielberg - ông râu xồm may mắn
Năm 1983, lúc chỉ mới 12 tuổi, ngôi sao may mắn đã chiếu xuống Jonathan khi đoàn làm phim Indiana Jones and The Temple of Doom sục sạo khắp khu Phố Tàu ở Los Angeles, nơi gia đình Jonathan sinh sống. Đạo diễn Steven Spielberg tìm kiếm một cậu bé Á châu cho nhân vật Short Round trong kịch bản của George Lucas. Mẹ của Jonathan quyết định cho con trai mình thử vận may. Nhưng thay vì nghĩ đến Jonathan, người mẹ lại nghĩ đến anh của cậu. Được mẹ biệt phái đi theo cổ vũ cho anh trai trong buổi thử vai, Jonathan cố làm mọi điều có thể để giúp anh mình giành chiến thắng trước một rừng nhóc tì. Cậu đọc lời thoại, hoa chân múa tay đủ kiểu hòng "chỉ đạo diễn xuất" cho ông anh. Trong khi ông anh ngẩn người nhìn cậu em, đôi mắt nhà nghề của đạo diễn Steven Spielberg đã quyết định ai là sự lựa chọn cuối cùng. Jonathan được trao cho vai diễn đầu đời một cách đầy bất ngờ.
Lần đầu tiên phải xa nhà đi đóng phim, Jonathan thường xuyên gọi về nhà vì nhớ mẹ. Cậu thường dùng biệt danh "ông râu xồm 1" và "ông râu xồm 2" để lần lượt ám chỉ Lucas và Spielberg khi kể với mẹ những việc xảy ra ở trường quay. "Người hùng" Harrison Ford nhận nhiệm vụ "chăm sóc" cậu bé. Anh cùng ăn, cùng ngủ và cùng tập thoại với cậu. Để rèn luyện tốt kỹ năng thực hiện những pha hành động, Jonathan trở thành đệ tử của 2 sư phụ võ lâm ở Hollywood nổi tiếng bấy giờ là Philip Tan và Tao-liang Tan.
Diễn xuất ấn tượng của Jonathan Ke Quan trong Indiana Jones and The Temple of Doom mang về cho cậu bé Việt giải Diễn viên phụ xuất sắc tại Young Artist Award 1985. Cậu cũng được đề cử giải Diễn viên trẻ xuất sắc nhất tại Saturn Award cùng năm. Steven Spielberg tiếp tục làm "ông thần may mắn" khi giao cho Jonathan vai Data trong bộ phim phiêu lưu thiếu nhi rất ăn khách vào năm 1985, The Goonies. Trong phim này, Jonathan cũng có cơ hội dùng lời thoại tiếng Việt.
Duyên nợ với nghề cascadeur
Nhưng kể từ đó trở đi, Jonathan chỉ tham gia những vai nhỏ trên một số phim truyền hình như Together We Stand, Head of the Class, Tales from The Crypts... Vai chính trong phim điện ảnh thuộc thể loại hành động Breathing Fire (1991) không đem đến cho anh thành công. Qua thời đóng các vai anh hùng nhí, Jonathan vẫn chăm chỉ luyện tập võ thuật với 2 món sở trường là kungfu và karate. Năm 21 tuổi, Jonathan hợp tác với Brendan Fraser trong một bộ phim hài viễn tưởng Encino Man. Do vẫn giữ quan hệ tốt với Brendan Fraser nên khi ngôi sao này nhận vai chính trong The Mummy, Jonathan được mời làm phụ tá huấn luyện hành động cho anh. Nghề cascadeur trở nên gắn bó với anh từ đấy.
Năm 28 tuổi, Jonathan hoàn thành khóa đạo diễn hình ảnh ở Trường Điện ảnh truyền hình thuộc Đại học Nam Cali. Cộng tác với đạo diễn sinh viên Gregg Bishop, Jonathan làm bộ phim tốt nghiệp Voodoo. Phim này đoạt giải thưởng của Ban giám khảo tại LHP Atlanta và giải thưởng do khán giả bình chọn tại LHP Slamdance. Riêng với nghề đóng thế và chỉ đạo võ thuật, Jonathan cũng trở thành một cái tên đáng tin cậy ở Hollywood khi tham gia tích cực vào 2 dự án lớn là X-Men và The One của Lý Liên Kiệt.
22 năm trôi qua, những người trong đoàn làm phim Indiana Jones năm nào vẫn chưa thể quên khuôn mặt láu lỉnh của cậu bé đến từ Việt Nam xa xôi. Như một lời chúc cho Jonathan từ những khán giả từng mê nhân vật Short Round năm xưa, hy vọng anh sẽ có cơ hội tái xuất trong tập 4 được dự kiến khởi quay vào giữa năm sau.
(Thanh niên)
Các tin liên quan:
- "Cửa sổ thông tin" của Việt Nam (23-08-2005)
- Người phiên dịch... bất đắc dĩ (04-08-2005)
- Anh sinh viên vô địch thuật toán thế giới (03-08-2005)
- "Nạp" tri thức để cống hiến (29-07-2005)
- Ông Việt kiều về nước dọn... rác! (15-07-2005)
- Người đẹp Nguyễn Tường Vân: Em thích đương đầu với thách thức (12-07-2005)
- Đầu tư ở quê nhà với cả tấm lòng (06-07-2005)
- Tiếng nước mình trên đất khách (05-07-2005)
- Người đưa hàng Việt tới năm châu (04-07-2005)
- Một người Thái gốc Việt làm Tổng Biên tập tờ Indochina (01-07-2005)
Cập nhật 28-11-2006