Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ ba, 24/12/2024 0:7

Mối lương duyên giữa gốm Bát Tràng và hoa Nhật Bản

Một Việt kiều trên xứ sở hoa Anh Đào đã biết kết hợp giữa vẻ đẹp của gốm Bát Tràng và hoa Nhật Bản, làm mê lòng những người khách nơi đây…


 


Núi Phú Sĩ và hoa anh đào

Tôi đến tỉnh Chiba đúng vào dịp mùa anh đào đang nở. Cả con đường Chiba nhuộm sắc hồng nhạt tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Trong một khung cảnh nên thơ như vậy tôi nhìn thấy một lá cờ Việt Nam bay phấp phới trên vườn hoa rực rỡ. Đó chính là cửa hàng hoa của Anh Ngô Hùng Lâm, một Việt kiều sống tại tỉnh Chiba đã hơn hai mươi năm nay.

Anh Ngô Hùng Lâm đặt chân tới tỉnh Chiba (Nhật Bản) vào năm 1980. Lúc đó anh là một người thợ xây dựng. Anh phải trải qua nhiều năm vất vả để kiếm sống. Năm 1995, anh trở lại quê hương sau nhiều năm xa cách. Nhân một dịp tới thăm Bát Tràng quê hương gốm sứ của đất Bắc, anh quyết định mang linh hồn gốm sứ Việt Nam sang giới thiệu tại Nhật Bản.

Sau hai năm bán gốm sứ Bát Tràng tại Chiba, anh nảy ra ý định kinh doanh hoa Nhật Bản được trồng trong chậu sứ Bát Tràng.

Hoa ở Nhật Bản gần như có quanh năm, phong phú cả về chủng loại và màu sắc. Người Nhật Bản vô cùng yêu hoa. Trong nhà của người Nhật, ở mỗi góc vườn hay trên bậu cửa sổ đều có một chậu hoa nho nhỏ, tô điểm thêm nét đẹp của cuộc sống. Nắm bắt một cách nhanh nhạy thị hiếu của người Nhật, đặc biệt do sống ở Nhật lâu năm anh Lâm hiểu biết sâu sắc nghệ thuật cắm hoa Ikebana của người dân nước này.

Sau khi cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng, anh tự thiết kế các hoa văn vẽ trên chậu sau đó anh gửi về tận Bát Tràng để đặt hàng. Sau 10 năm kinh doanh hoa và cây cảnh tại
Chiba, anh đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm của người trồng hoa, bán hoa và thiết kế chậu hoa. Cửa hàng hoa của anh từ đó cứ mở rộng dần và tới nay đã thành cửa hàng lớn và nổi tiếng nhất vùng Chiba.

Bà Watanabe, một khách hàng thường lui tới cửa hàng hoa anh Lâm nói: “Đây là một cửa hàng hoa lớn nhất trong vùng. Ở đây có rất nhiều loại hoa để lựa chọn, giá cả lại phải chăng. Đặc biệt hoa lại được trồng trong chậu gốm Bát Tràng của Việt
Nam được người Nhật chúng tôi rất ưa chuộng”.

Khi tôi kể lại cho anh sự yêu mến của khách hàng đối với cửa hàng hoa này trên gương mặt anh sáng lên nụ cười hiền hậu. Anh Lâm tâm sự: “Lúc đầu, tôi gặp nhiều gian nan trong kinh doanh. Mình là người Việt
Nam định cư ở nước ngoài muốn tìm vị trí đất đẹp thì hơi khó, do đất đai đắt đỏ; nên khi bắt đầu mở cửa hàng hoa này tôi thuê mảnh đất rẻ nhất, xung quanh rất vắng vẻ. Theo thời gian, do sự cố gắng của bản thân, dần dần cửa hàng của tôi chiếm được cảm tình và tín nhiệm của khách hàng Nhật. Trong vòng 10 năm qua, cửa hàng của tôi đã phát triển lên gấp 20 lần”.

Quả thật, đứng giữa một rừng hoa lộng lẫy rộng tới gần 6000m vuông của anh Lâm, tôi không thể tưởng tượng được khi mà 10 năm trước đây trên mảnh đất này chỉ là một cửa hàng nhỏ xíu khoảng 12m vuông và thầm cảm phục sức mạnh lạ kỳ của doanh nhân này trên đất Nhật. Đó là chưa kể tới những đóng góp đầy ý nghĩa của anh đối với tỉnh Chiba. Trong công viên của tỉnh này có rất nhiều công trình công cộng từ chiếc đá đến những bức tượng, vườn hoa mang hình ảnh của đất nước Việt
Nam qua bàn tay và sự hỗ trợ về tài chính của anh.

Người Nhật tại tỉnh Chiba đã trìu mến gọi anh là Fuzi kun, có nghĩa là cậu bé Phú Sĩ. Đó là tên của ngọn núi nổi tiếng Nhật Bản.

Và… ước vọng của anh Lâm không dừng tại đó. Trong tương lai anh muốn mở một ngôi làng Việt
Nam tại vùng Chiba, nơi anh Lâm coi là quê hương thứ hai của mình. Anh Lâm tâm sự: “Tôi muốn tại mảnh đất mà tôi đang sống xuất hiện một ngôi làng thực sự của quê hương mình. Ngôi làng này sẽ tập trung những người Việt Nam định cư tại Nhật đã nghỉ hưu hoặc cơ nhỡ cùng nhau chia sẻ nỗi buồn niềm vui nỗi nhớ quê hương đất nước. Điều này sẽ tạo ra một khung cảnh mang đậm nét văn hoá Việt Nam trên vùng đất Nhật”.

Chia tay anh, tôi vẫn bị cuốn hút bởi sắc đẹp lộng lẫy của một vườn hoa mà tôi đã đi qua, và cả về một tấm lòng yêu quê hương tha thiết của một Việt kiều trên đất Nhật.

 

Nguyễn Thu Hà (từ Tokyo)


Các tin liên quan:
Tạo bởi phuongthuan
Cập nhật 12-07-2007
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin