Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Thursday, 26/12/2024 8:23

Tommy Trần: 'Quay về là bất ngờ của chính tôi'

Trần Quốc Bảo Quân theo gia đình sang Mỹ định cư năm 12 tuổi. Từng theo ngành luật, kinh doanh nhưng cuối cùng đã “chung thuỷ” với nghề người mẫu được hơn 4 năm với cái tên Tommy Trần.

 


Tommy Trần

Chưa hề sải bước trên sàn catwalk Việt Nam, dù đã “mòn gót” ở các trung tâm thời trang thế giới, Tommy Trần, thoạt tiên được biết đến ở trong nước như một anh chàng đẹp trai “lăng xăng” phụ trách dàn dựng chương trình Vietnam Idol.

Rồi xuất hiện trên các trang bìa tạp chí, các bộ ảnh thời trang bằng một phong cách ấn tượng khác lạ. Và lộ diện, người mẫu quốc tế Tommy Trần.

7 ngày ăn phở không chán...

Tommy Trần đã làm việc với nhiều agency ở Mỹ, châu Âu và châu Á, trình diễn nhiều nơi trên thế giới. Đến 2007, trong lần đầu tiên trở lại quê hương, Tommy đã quyết định chọn quê nhà làm “địa bàn” hoạt động chính của mình.

Bắt đầu bằng công việc tư vấn cho chương trình Vietnam Idol, đóng phim Nụ hôn thần chết, hiện anh đang xúc tiến mở công ty đào tạo người mẫu…

Cảm nhận cá nhân “người mẫu quốc tế” khi lần đầu về quê hương là…?

Là được ăn phở, thích lắm anh ơi. Bốn năm làm người mẫu, tôi đã đi khắp nơi nhưng không được ăn phở. Về đây, bảy ngày liền chỉ ăn phở mà không chán. Sự thoải mái nảy sinh rất nhiều ý tưởng, dự định ngay trong lần trở về quê này, cả những kế hoạch làm ăn mà trước đó chưa từng nghĩ tới.

Nhưng công việc người mẫu, mà lại là mẫu nam thì có thể tốt được không, khi mà thời trang trong nước chẳng cần nói cũng biết?

Thì tôi cũng rõ thị trường ấy nên mới nảy sinh ra những dự định cho công việc ở đây. Việc làm người mẫu cũng tốt đấy chứ, các lời mời vẫn tới. Thực sự thì việc tôi sống ở Mỹ hay Việt Nam không còn ảnh hưởng nhiều tới việc đi diễn trên khắp thế giới. Tôi đã xác định sẽ tạo dựng một sự nghiệp ở Việt Nam, vì thế sẽ ưu tiên ở đây. Cho tới giờ, mình vẫn còn thèm ăn phở, thì không có lý do gì để rời sớm nơi này.

Có những cơ hội nào đã đến khi một người mẫu đẳng cấp quốc tế trở về một nơi luôn “khát” các gương mặt nam cho thị trường giải trí?

Đó là được đóng phim. Trước giờ tôi chỉ đóng phim quảng cáo, không hình dung được đóng phim truyện sẽ như thế nào. Nhà thiết kế Công Trí xúi tôi đi casting, không ngờ được vào vai Thần chết Đan trong phim Nụ hôn thần chết.

Những ngày đầu mới quay cũng khớp lắm, vì chưa quen mọi thứ, nhất là khó thuộc thoại. Cũng may, tôi và anh Johnny Trí Nguyễn có quen biết từ trước, khi cùng đóng quảng cáo bên Thái Lan nên trao đổi với nhau dễ dàng.

Rồi cũng được mọi người khen. Gần đây, hãng phim của chú Chánh Tín cũng mời tôi qua bàn thảo vài kế hoạch, nhưng chưa có gì cụ thể cả. Khởi đầu như vậy là cũng đã vui lắm rồi!

Với nhiều người, thế giới thời trang quốc tế dường như chỉ toàn màu hồng, hào nhoáng và đầy những cơ hội trở thành ngôi sao quốc tế. Là người trong cuộc, anh thấy sự thực đằng sau những hào nhoáng bề ngoài ra sao?

Vẫn hào nhoáng và đầy hấp lực. Những hợp đồng giá trị, danh vọng đỉnh cao, ai mà không mơ ước?

Nhưng ngay ở Việt Nam, đằng sau những hào nhoáng, giới thời trang cũng có đầy những mặt trái mà mỗi khi nhắc đến người ta đều cảm thấy sợ, thấy xấu và phải tránh.

Ở nước ngoài cũng thế, có điều người ta không chịu, hay không muốn nhìn thẳng vào sự thật thôi. Thời trang là thế giới khắc nghiệt, ai muốn tham gia vào đó thì phải chấp nhận vượt qua. Với tôi, đó lại là thử thách thú vị với bản thân.

Với tất cả những kinh nghiệm đó trong hậu trường thời trang quốc tế, anh thử làm phép so sánh với phía sau sàn catwalk ở Việt Nam?

Cái này tôi không rành, vì chưa thực sự tham gia vào nó. Nhưng điều dễ nhận ra là người mẫu Việt Nam rất yêu nghề. Dù khó khăn, dù nhiều tai tiếng, nhưng họ vẫn rất gắn bó với nghề. Đáng quý lắm chứ.

Muốn đi xa tới đâu, cứ phải nổi tiếng trong nước đã!

Còn bạn gái anh, cô ấy rất đẹp?

Cô ấy cũng là siêu mẫu đấy, người Brazil, tên là Isabelli. Tụi tôi quen nhau, đi diễn cùng nhau khắp nơi từ hơn 3 năm nay rồi. Tới đây, khi Công ty T.square Media của tôi hoạt động, có đào tạo người mẫu, Isabelli sẽ là “giảng viên” chính.

Lớp học của “siêu mẫu quốc tế” sẽ có gì khác biệt?

Tôi nhắm tới việc đào tạo người mẫu trong nước, rồi qua quan hệ có sẵn, đưa họ đi đào tạo thêm, thực tập tại các trung tâm thời trang quốc tế để đem kinh nghiệm đó trở về Việt Nam.

Có thể ai đó thắc mắc, sao không lăng xê thành siêu mẫu quốc tế luôn nhưng việc này không đơn giản. Thị trường trong nước còn rất nhiều cơ hội cho người mẫu, quan trọng là phải nâng cao trình độ, gần với quốc tế, và nổi tiếng ở trong nước đã. Khi đó, việc ra với thế giới sẽ không quá xa vời.

Anh nghiên cứu thị trường này từ bao giờ?

Mục đích chính của tôi về nước lần này không phải để hoạt động nghệ thuật, mà chỉ muốn thành lập công ty giải trí để thoả ước muốn được làm những gì mình thích, bằng chính kinh nghiệm của mình.

Vì thế, việc được tham gia những hoạt động nghệ thuật trong nước là điều bất ngờ ngoài chủ ý, nhưng lại giúp tôi tìm hiểu và nắm bắt thị trường trong nước.

Vậy gia đình anh, những người đã đưa anh đi nay thấy anh trở về?

Việc tôi trở thành người mẫu từng là sự bất ngờ của cả gia đình. Nay việc về nước và tìm thấy cơ hội làm việc là bất ngờ với chính tôi. Thật may, tôi có một gia đình… thích bất ngờ!

Cảm ơn và chúc anh thành công.

Theo Hứa Minh
Sài gòn Tiếp thị

Created by phuongthuan
Last modified 30-10-2007
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin