Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 15:41

Đóa Thục Quyên Việt "nở" trên đất Mỹ

Một cô gái VN nói không nổi một câu tiếng Anh trong những ngày đầu sang Mỹ, đã từng làm công việc rửa cốc chén tại phòng thí nghiệm sinh vật của trường Đại học, vừa đoạt giải thưởng dành cho giáo sư đạt thành tích đặc biệt trong nghiên cứu, giảng dạy.



Đó là giải Plous Award, một trong hai giải thưởng uy tín nhất của trường Đại học California, Santa Barbara California (University of California, Santa Barbara - UCSB).

Cô là tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên, giáo sư khoa Hóa - Sinh của trường đại học nêu trên. Đây là lần đầu tiên sau 17 năm, một giáo sư của khoa Hóa - Sinh lại giành được vinh dự này.

“Cô hãy về nước của cô đi”

Sinh ra ở Ban Mê Thuột, tuổi ấu thơ học trường làng, do đó khi theo gia đình sang Mỹ năm 1991, Nguyễn Thục Quyên bắt đầu cuộc sống nơi đất khách quê người với vốn tiếng Anh... bằng không.

 

Đi đâu, làm gì cũng phải nhờ người bà con làm thông dịch. Những người anh, chị em của Quyên chán nản cứ đòi về lại Việt Nam, còn Quyên quyết tâm học tiếng Anh thật nhanh bằng cách đăng ký đi học ở ba trường trung học ở ba thành phố cùng một lúc. Sáng học một trường, chiều học một trường và tối lại học ở một trường khác.

 

Nhớ lại vốn tiếng Anh của mình những ngày đầu sang Mỹ, Thục Quyên vẫn không thể nào quên những kỷ niệm buồn, những cảm giác tủi hổ khi bị khinh rẻ. Có những giáo viên thấy Quyên nói tiếng Anh kém thường chế nhạo tiếng Anh của Quyên trước cả lớp để cho mọi người cười.

 

Một số thầy giáo còn khuyên cô nên học lại tiếng Anh rồi hãy tiếp tục theo học đại học. Thậm chí, có người bạn Mỹ còn nói thẳng vào mặt cô rằng: “Cô hãy về nước của cô đi”.

 

Không chỉ bị cười chê vì vốn tiếng Anh nghèo nàn, mà những sự hiểu lầm về tiếng Anh cũng đã nhiều lần làm Quyên mắc cỡ. Trong một lần đọc báo để xin việc làm, cô thấy có một quảng cáo cần người lái xe tải (truck).

 

Lúc đó, Quyên có một xe tải nhỏ vì cô làm việc từ thiện cho một trung tâm Việt Nam và thường chở đồ cho những người Việt mới sang Mỹ. Thế là cô tự tin tới đó xin việc. Khi tới nơi, cô thấy toàn đàn ông to cao, bặm trợn, xăm trổ đầy mình... Mọi người cười ồ lên khi biết rằng cô đã nhầm lẫn truck (xe tải cỡ lớn 18 bánh) với chiếc xe tải nhỏ mà cô vẫn lái. Còn Quyên thì xấu hổ quá, bỏ đi thật nhanh.

 

Rồi một lần khác, một người bạn học rủ Quyên đi trượt băng. Trước khi đi, anh ta gọi điện thoại nhắn Quyên nhớ mang theo tất (socks) vì lúc đó trời mùa đông rất lạnh. Quyên lại tưởng anh bạn dặn mặc quần đùi (shorts). Khi tới nơi, Quyên cởi áo khoác ra và chỉ còn độc... chiếc quần đùi bên trong khiến anh bạn cười phá lên vì sự hiểu nhầm này. Cuối cùng, cô đành phải mặc cả áo khoác để trượt băng.

 

“Hãy tin vào bản thân mình”

 

Đầu tiên, Quyên xin học ở Đại học Santa Monica, nhưng do làm bài thi tiếng Anh dở quá, cô không được theo học. Quyên đã năn nỉ nhà trường cho cô được học thử một học kỳ. Để được nhận vào học chính thức như các sinh viên khác, cô đã học suốt ngày, rồi tối lại tới học thêm ở những trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí cho sinh viên trong trường. Sau một năm, Quyên được nhận vào học chính thức.

Nhà nghèo, kiến thức bắt đầu từ con số không, nên Quyên phải nỗ lực gấp nhiều lần so với bạn bè. Cô xin làm thêm trong thư viện của trường từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối vào các ngày trong tuần. Ấy vậy mà vẫn không đủ tiền học, do đó cô phải vay thêm tiền của chính phủ (Education Loan) để có thể tiếp tục theo học.

 

Năm 1995, Thục Quyên xin chuyển lên Đại học California, Los Angeles (UCLA). Trong hai năm cuối đại học, Quyên xin làm ở một phòng thí nghiệm của ngành sinh vật, nhưng công việc chính chỉ là... rửa cốc chén thí nghiệm.

 

Sau một năm, Quyên thấy công việc nghiên cứu rất thú vị, cô xin làm thí nghiệm với mấy sinh viên học tiến sĩ và một tiến sĩ trong phòng thí nghiệm đó, nhưng họ không chấp thuận vì họ thấy cô nói tiếng Anh dở. Quyên rất buồn vì bị coi thường.

 

Nhưng chính nhờ vậy mà cô cố gắng nhiều hơn. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1997, Quyên nộp đơn xin học cao học và chỉ trong vòng một năm, cô đã có bằng cao học ngành Lý - Hóa và quyết định học tiếp để lấy bằng tiến sĩ.

 

Với nỗ lực vượt bậc, năm cuối của chương trình tiến sĩ, Quyên là một trong 7 nghiên cứu sinh xuất sắc nhất được trao học bổng. Năm 2000, cô được thêm hai giải thưởng quốc tế cho những nhà khoa học trẻ tuổi: Graduate Student Award của Mỹ và Outstanding Innovative Research Award của Áo.

 

Tháng 6.2001, Quyên đã ra trường trước những sinh viên trong phòng thí nghiệm sinh vật mà cô đã từng rửa chén cho họ. Thục Quyên tâm sự: “Nếu lúc đầu, mọi người nghĩ rằng Quyên không đủ trình độ làm nghiên cứu, mà Quyên có nói gì hay thuyết phục bằng cách nào thì họ cũng không tin. Chỉ có cách là chứng minh bằng hành động”.

 

Khi ra trường, Quyên được giải thưởng xuất sắc của phân ngành Lý - Hóa. Sau đó, cô cộng tác nghiên cứu với giáo sư Louis Brus và Colin Nuckolls ở trường ColumbiaNew York trong ba năm. Trong thời gian ở trường Columbia, Quyên hợp tác với hai nhà khoa học nổi tiếng ở IBM về công nghệ nano.

Quyên chia sẻ: “Hãy tin vào bản thân mình và khi bạn có ước mơ, hãy biến nó thành sự thật, đừng để mọi người làm bạn thay đổi ý định đó. Và đặc biệt, đổ lỗi cho người khác sẽ không bao giờ giúp mình tiến lên được”.

 

“Làm giáo sư ngành khoa học bên Mỹ rất vất vả. Đây là lý do không có nhiều phụ nữ làm giáo sư” - Thục Quyên tâm sự. Cô liệt kê hơn 12 công việc mà một giáo sư khoa học ở Mỹ như cô phải đảm nhiệm như: giảng dạy sinh viên đại học, cao học và tiến sĩ; làm nghiên cứu khoa học; xin tiền để làm nghiên cứu; kiểm duyệt bài báo đăng cho các tờ báo khoa học; kiểm duyệt kế hoạch khoa học đề xuất cho nhà nước; làm trong ban tuyển sinh đại học; làm cố vấn cho sinh viên học tiến sĩ; phục vụ cho phân ngành, trường đại học và cộng đồng; giúp đỡ giáo viên và học sinh cấp 1,2,3 học hỏi khoa học; phát triển những lớp học mới... Ngoài ra còn biết bao công việc không tên nữa.

 

Cho đến nay, TS Thục Quyên đã về Việt Nam bốn lần. Lần đầu tiên là năm 1999 về thăm gia đình, năm 2004 về thuyết trình về Du học ở Mỹ cho sinh viên Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, năm 2005 về tham dự và thuyết trình tại Viện khoa học công nghệ Hà Nội và bàn về tổ chức Đại hội khoa học ở Hạ Long, tháng 12.2006 về tham dự Hội thảo khoa học ở Hạ Long cùng 8 giáo sư Mỹ và Canada.

 

Năm 2008, Quyên sẽ lại được trở về quê hương để tham dự một hội thảo khoa học. Chị mong muốn trong tương lai sẽ trở về Việt Nam nhiều hơn, thường xuyên hơn để truyền đạt những kỹ thuật mới nhất cho các sinh viên Việt Nam.

 

Lan Anh - Báo Tiền Phong


Các tin liên quan:
Tạo bởi phuongthuan
Cập nhật 22-01-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin