Chàng trai Việt tại Grinnell
ngoại khoá cùng bạn bè bên Mỹ
Hà Hải chỉ mới 21 tuổi và sang Mỹ chưa được ba năm.
Phấn đấu không mệt mỏi
Thời học phổ thông ở Việt Nam, Trần Hà Hải có thành tích học tập cũng thuộc dạng "top" trong khối chuyên ngữ toàn TP.HCM: Á khoa đầu vào Trường chuyên Lê Hồng Phong, HCV Olympic môn Anh lớp 10 và 11, giải 2 tiếng Anh toàn quốc lớp 12, một trong những thí sinh đạt TOEIC cao nhất VN (970/990)…
Đó là nền tảng để Hà Hải trở thành một trong hai sinh viên của khu vực Đông Nam Á được Trường ĐH Grinnell (top 15 trường ĐH tốt nhất nước Mỹ, theo đánh giá của tờ US News) trao học bổng khóa thường niên (trị giá gần 150.000 USD).
Cuối năm 2005, cậu bé 18 tuổi ham chơi ngang ham học với tên gọi mới (Hải Trần) hăm hở lên đường du học để thực hiện giấc mơ trở thành một luật sư quốc tế nổi tiếng ngày nào.
Vào trường chưa được bao lâu, những tưởng anh chàng còn loay hoay để tập thích nghi với cuộc sống độc lập, cặm cụi bài vở để đạt điểm số 3,5/4 (mức điểm qui định để duy trì học bổng), ai nấy rất bất ngờ khi thấy cậu xuất hiện trong hầu hết những hoạt động ngoại khóa, tình nguyện của trường.
Vậy mà, kết thúc học kỳ đầu tiên, Hải vẫn trở thành một trong hai sinh viên của trường nhận được giải thưởng Obermiller (dành cho SV có thành tích học tập xuất sắc nhất trường).
Thừa thắng xông lên, những học kỳ sau, anh chàng phát huy hết tất cả năng lực của mình trong hai lĩnh vực: học tập và hoạt động xã hội. Chút ít thời gian rảnh rỗi còn lại được anh chàng tận dụng để… học tiếp các lớp ngoại ngữ, nấu ăn, bơi lội và ca đoàn! (Hải hiện có thể sử dụng lưu loát tiếng Đức, Tây Ban Nha, khá tốt tiếng Pháp).
Giải thích lý do tại sao lại có hai món "nấu ăn" và” ca đoàn" trong lịch trình của mình, Hải chỉ tinh nghịch cho biết: "Tôi vốn... ham vui mà”!
Và anh chàng "ham vui" ấy đã hoàn thành năm học đầu tiên với những kết quả hết sức đáng nể: được chọn vào thực tập tại Corporate Executive Board ở Washington D.C (bộ phận quản lý nhân sự), trở thành SV năm 1 duy nhất được nhà trường chọn vào đội nghiên cứu sinh của khoa Khoa học máy tính cùng với các SV năm cuối nghiên cứu về graphics design và multimedia programming, được mời thuyết trình ở ĐH St.Louis (Washington) trong "Hội thảo những công trình nghiên cứu danh dự của SV đại học". Hải là thành viên đội debate (tranh luận) của trường mỗi lần đi thi thố cùng các trường bạn…
Và chỉ mới qua một năm, cái tên Hải Trần dần trở nên rất đỗi quen thuộc với không chỉ giới SV toàn trường và còn lan tỏa sang một số trường ĐH lân cận.
Năm 2, với kết quả học tập vẫn thuộc loại ưu toàn diện, Hải tiếp tục được chọn vào thực tập tại Amnesty International (Tổ chức Ân xá quốc tế, trụ sở tại New York) và tiếp đó là học bổng Pre-law fellowship từ Hội Những trường luật trao tặng để vào học tại Trường University of Lowa Law School.
Ngoài ra, cậu còn được nhà trường tin tưởng giao trọng trách nhiệm vụ dạy kèm môn Toán cho SV năm 1. Bận rộn là thế nhưng trong hè anh chàng cũng đã tranh thủ được một suất Wilson Grant để về Việt
Khi đang là SV năm 3 thì Hải chính thức được chọn vào thực tập tại TIAA-CREF (Quỹ bảo trợ và bảo hiểm lớn nhất ở Mỹ), đồng thời đoạt luôn học bổng du lịch vòng quanh 14 tiểu bang lớn nhất nước Mỹ vào hè năm 2008 dành cho SV quốc tế đang theo học tại Grinnell (sau khi xuất sắc vượt qua hàng trăm ứng viên khác).
Đầu tháng Tư vừa qua, Hải chính thức trở thành một trong 30 SV tốt nghiệp xuất sắc nhất trường, đồng thời trở thành thành viên của Mortar Board National Honors Society (Tổ chức quốc gia cho những sinh viên ưu tú)… Một kết quả mà theo Hải là "vượt quá sức mong đợi"! Và càng hạnh phúc hơn mỗi khi bước lên bục cao, Hải lại nghe ai đó nói về mình: "Anh ấy là người Việt!".
Đừng nên chỉ biết học!
Để đạt được những thành tích đó, Hải cho biết trí tuệ thật ra chỉ là một phần rất nhỏ. Cậu giải thích: "Thật ra đơn giản tôi chỉ hơn người khác ở chỗ đã quyết tâm làm gì thì sẽ theo đuổi điều đó tới cùng, và dám chấp nhận trở thành người thua cuộc còn hơn là bỏ cuộc".
Anh chàng cũng cho biết thêm: "Đối với tôi kiến thức từ sách vở chỉ cho mình 1/10 của sự thành công, những phần còn lại là do cọ xát với thực tế mà có được".
Hải cho biết, một ngày của mình cũng không khác bạn bè trong trường là mấy vì "SV nước ngoài ai nấy cũng đều học và tham gia hoạt động xã hội rất hăng say".
Tuy thế, do tính cầu toàn nên nhiều khi anh chàng phải thức tới khuya để hoàn thành những thứ mình đã đề ra trong ngày. Chính vì vậy mà Hải cho biết mình thường đi bơi và học khiêu vũ để giữ gìn sức khỏe bản thân.
Ngoài ra, tuy đã 21 tuổi nhưng anh chàng thừa nhận mình có những sở thích vẫn rất là "teen" như: ca hát, nấu ăn và viết blog! Đừng tưởng những thú giải trí trên là vô bổ, Hải cho biết khi được khen hát hay, nấu ăn giỏi từ bè bạn (có thể không là... sự thật) tưởng chỉ là những điều nhỏ nhặt nhưng cũng khiến bạn tự tin, lạc quan hơn trong mọi việc.
Và dẫu là một chàng trai rất bản lĩnh, tự tin trong đời thường nhưng Hà Hải vẫn bẽn lẽn khi thừa nhận mình rất yếu đuối mỗi khi nhớ nhà hay giọng nói quê hương.
"Trường tôi chỉ có hai SV người Việt nên tôi nhớ tiếng Việt kinh khủng. Nhiều khi biết đã nửa đêm nhưng tôi vẫn đánh liều điện thoại về nhà để nghe từ đầu kia tiếng alô quen thuộc của gia đình. Tôi hư quá phải không?
Tôi đang tham gia Tổ chức tư vấn du học Vietabroader để có thể giới thiệu thêm nữa nhiều SV Việt qua trường Grinnell theo dạng học bổng, vừa tạo cơ hội cho các bạn được học trong một môi trường tốt, vừa là cách để vơi bớt nỗi nhớ nhà, để không còn hư nữa…!" - đó là dòng chữ cuối cùng trong email Hải gửi cho chúng tôi, hài hước mà cảm động làm sao
Theo Công Nhật
Tuổi Trẻ
Các tin liên quan:
- Thầy hiệu trưởng người Việt trên đất Bỉ (09-08-2006)
- Có những người Việt như thế ở Cadan (07-08-2006)
- Linh Phượng Frazier: Hoa hậu Virginia Globe 2006 (02-08-2006)
- Katie Lương: Vẻ đẹp mong manh (31-07-2006)
- Hai đóa hồng Việt trên truyền hình Mỹ (25-07-2006)
- Nhà điêu khắc Hori Yasushi và dòng máu Việt (21-07-2006)
- "Nối mạng" với khoa học gia NASA (20-07-2006)
- Về lại quê nhà (18-07-2006)
- Họa sĩ trẻ gốc Việt có tranh triển lãm trong tòa nhà Quốc hội (17-07-2006)
- Một tài năng âm nhạc gốc Việt tại Úc (12-07-2006)
Cập nhật 14-04-2008