Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ ba, 24/12/2024 0:20

Việt kiều với việc đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Mang trong mình dòng máu của người con đất Việt, từ sâu thẳm trong tiềm thức của những Việt kiều sống xa quê hương vẫn luôn đau đáu một nỗi nhớ quê nhà da diết. Nỗi nhớ thương ấy đã trở thành động lực thúc đẩy họ phải làm được điều gì đó có ý nghĩa cho nơi đã sinh ra mình.

Từ khát khao bảo tồn bản sắc văn hóa Việt

Xa quê hương hàng bao nhiêu năm, nhưng trong sâu thẳm trái tim mình, hình ảnh của quê hương vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người VN xa Tổ quốc. Bước chân sang một đất nước mới, được gắn thêm một cái tên nước ngoài, và đi kèm theo đó là biết bao lo toan bộn bề cho cuộc mưu sinh nơi xứ người, nhưng tấm lòng họ vẫn đau đáu hướng về quê mẹ. Ước mơ lớn nhất của những Việt kiều này là làm sao để có thể giữ gìn tốt nhất văn hóa VN nơi đất khách quê người. Làm sao để bạn bè thế giới khi nhắc đến VN là nghĩ ngay đến một dân tộc có nền văn hóa truyền thống lâu đời, có những nét đặc trưng không thể trộn lẫn với bất kỳ quốc gia nào.


Chị Nguyễn Nga - người phụ nữ đam mê bắc những nhịp cầu

Chị Nguyễn Nga sang Pháp khi mới hơn 10 tuổi nhưng vẫn mang trong mình bản sắc VN. Chị quan niệm rằng, “Đã là người VN thì dù sống ở bất cứ nơi đâu cũng cần phải khẳng định được bản sắc văn hóa của mình”. Vì thế mà ngay từ khi còn là sinh viên, chị đã rất năng nổ trong công tác tổ chức các hoạt động giới thiệu văn hóa VN. Cứ vào dịp lễ tết hàng năm, chị lại cùng bạn bè tổ chức một chương trình văn nghệ với những tiết mục múa cổ truyền, quan họ, kịch nói… Mỗi tiết mục lại gắn với một nét văn hóa đặc trưng của VN. Rồi chị còn sáng tác cả một bộ truyện tranh cổ tích song ngữ Việt - Pháp để giới thiệu văn hóa Việt. Bộ truyện của chị là một thế giới cổ tích thu nhỏ, giúp những trẻ em gốc Việt dù không sinh ra và lớn lên ở VN vẫn có thể hiểu về quê hương gốc gác của chúng. Các em được nhìn thấy các con vật thân quen với nhà nông hoặc trang phục của người VN qua những bức tranh. Hơn nữa, các em còn được học tiếng Việt qua từng câu chuyện.


Một góc “Ngôi nhà nghệ thuật” của chị Nguyễn Nga ở Hà Nội

Năm 2007, một phóng viên của Đài truyền hình Pháp mời chị Nguyễn Nga đến phỏng vấn và chính nữ phóng viên này đã thành thật tâm sự với chị rằng: “Mẹ tôi là người Pháp, bố tôi là người VN nhưng chưa bao giờ ông nói với tôi một câu tiếng Việt. Chỉ một lần duy nhất tôi được nghe ông nói tiếng Việt là khi ông cầm bộ truyện cổ tích của bà về và kể cho tôi”.

Sau nhiều năm xa quê, nay trở lại VN, chị đã xây dựng được một công trình nghệ thuật nhỏ bé ngay trong lòng thành phố Hà Nội mang tên “Maison des Arts” (Ngôi nhà nghệ thuật), nằm ở sát Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đây có thể coi là một thành công của chị Nguyễn Nga trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Việt. Ngôi nhà nghệ thuật của chị giống như một bảo tàng nghệ thuật thu nhỏ, trưng bày đủ các loại hình nghệ thuật VN từ cổ chí kim. Chị cho biết: “Ngôi nhà nghệ thuật là tâm huyết rất lớn của tôi. Tôi muốn gom về đây tất cả những gì là bản sắc nhất, tiêu biểu nhất của văn hóa VN, để có thể giữ gìn và bảo tồn nó một cách tốt nhất”.

Với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo cũng lại một nỗi niềm đau đáu như vậy. Ông sang Pháp học tập, làm việc và sinh sống đã được hơn 50 năm nhưng trong suốt quãng thời gian đó, chưa một lúc nào tâm trí ông thôi hướng về Tổ quốc. Niềm khát khao được góp sức mình vào việc gìn giữ văn hóa Việt luôn cháy bỏng trong con người ông, thôi thúc ông sáng tạo nên những tác phẩm âm nhạc làm lay động hàng triệu trái tim. Những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đều in đậm hình bóng quê nhà. Đa số các tác phẩm trong kho tàng 64 tác phẩm khí nhạc của nhà soạn nhạc tài ba này đều được đặt những cái tên Việt Nam rất tự tin. Từ tác phẩm đầu tay được viết năm 1967 mang tên "Thành đồng Tổ Quốc" cho đến tác phẩm "Sóng Hồn" được viết dành cho dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, đều vừa mang chất sử thi lại vừa đậm chất trữ tình trong hơi thở bi tráng của dân tộc. Ông tâm sự: “Tôi viết là vì quê hương yêu dấu và những tác phẩm tôi viết ra cũng là để hòa chung vào bản anh hùng ca của dân tộc Việt. Tôi muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, để nền văn hóa VN sẽ không bị mài mòn đi theo năm tháng.”


Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo chỉ huy dàn hợp xướng tại buổi tổng duyệt
cho Đại lễ nhạc Đại lễ Phật Đản VESAK 2008

Đến những cuộc hành trình quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Khát khao bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đã trở thành nguồn động lực to lớn thúc đẩy những nghệ sĩ Việt kiều thực hiện cuộc hành trình đưa VN ra thế giới. Phải làm sao cho thế giới biết đến VN qua văn hóa chứ không phải chỉ dừng lại ở nón lá, áo dài hay những cuộc chiến tranh đẫm máu. Phải làm sao cho thế giới nhìn nhận VN là một cái nôi văn hóa, là một đất nước giàu truyền thống lịch sử.


Họa sĩ Đoàn Thanh giới thiệu tranh của mình tại cuộc triển lãm
“Bản làng trong thung lũng” đang diễn ra tại Hà Nội


Tác phẩm "Nắng vàng trên thung lũng xanh"
của hoạ sĩ Đoàn Thanh

Nữ họa sĩ Phạm Thị Đoàn Thanh (Việt kiều Đức) đã sống gần 20 năm ở xứ người, nỗi nhớ quê hương cứ từ từ, nhè nhẹ len vào tâm thức chị, trở thành một phần trong cuộc sống nhiều bận rộn, lo toan của chị. Để rồi khi nỗi nhớ ấy đong đầy, trào dâng, chị lại tìm đến với khung vải, đến với những gam màu yêu thích của mình. Hình ảnh quê hương với dòng sông, con suối, với những gương mặt bé thơ, bước chân trần thiếu nữ… cứ hiện lên đầy tươi tắn, trẻ trung và ngọt ngào như dòng sữa mẹ đã nuôi chị khôn lớn năm xưa…

Chị đã dựng lại cả một vùng miền núi phía Bắc VN bằng những nét vẽ tinh tế, với những gam màu xanh trong, tươi sáng. Chị mang VN sang nước Đức qua những cuộc triển lãm tranh về bản làng VN, về những con người hiền hậu chất phác nơi thung lũng yên bình. Người Đức đón nhận tranh của chị và họ biết đến VN với cái nhìn tươi mới hơn. Tranh của chị đã được đem đi triển lãm ở rất nhiều thành phố của Đức và ở một số nước châu Âu. Qua mỗi cuộc triển lãm, chị lại nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những hoạ sĩ nổi tiếng người Đức. Họ giúp chị tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh cá nhân hoặc chung với các họa sỹ Đức khác. Những bức tranh lụa, tranh khắc gỗ của chị đã được các họa sĩ Đức thán phục, say mê. Phong cảnh vùng cao với những cô gái dân tộc ít người, núi rừng Tây Bắc lãng đãng trong sương… đã mang đến cho họ một cái nhìn mới về Việt Nam. Chị cho biết: “Tất cả các cuộc triển lãm của tôi đều không nằm ngoài mục đích giới thiệu hình ảnh VN ra thế giới. Tôi yêu những con người cùng chung dòng máu với mình và tôi muốn người nước ngoài cũng sẽ yêu mến con người và đất nước VN khi họ xem tranh của tôi”.


Bộ truyện cổ tích song ngữ Việt - Pháp của chị Nguyễn Nga
được nhiều bạn trẻ yêu thích

Bộ truyện cổ tích song ngữ của chị Nguyễn Nga đã được không ít em nhỏ VN yêu thích. Thậm chí, ngay cả những em nhỏ Pháp cũng rất thích xem bộ truyện ấy. Bởi lẽ, khi các em đọc những câu chuyện cổ tích VN bằng tiếng Pháp, các em được tiếp xúc với một nền văn hoá mới, được biết đến một đất nước có con trâu, con bò, có những bộ trang phục váy yếm mà chưa một lần xuất hiện ở Pháp. Cho đến nay, bộ truyện của chị đã được xuất bản ở tất cả các nước nói tiếng Pháp.

Bảo tàng thu nhỏ của chị tại 31A Văn Miếu đã thu hút không ít lượng khách nước ngoài đến tham quan. Chị Nga không thu vé vào cửa, tất cả khách tham quan đều có thể tự do đi lại, thưởng ngoạn những giá trị văn hóa Việt trong ngôi nhà này. Thậm chí, chị còn thuê cả một đội ngũ phiên dịch, có thể giới thiệu lại những nét văn hóa trong Ngôi nhà nghệ thuật với khách nước ngoài, để họ có thể hiểu thêm về văn hóa VN. Đây là một cách rất hiệu quả để quảng bá hình ảnh VN ra thế giới.

Khi được hỏi về kinh nghiệm quảng bá hình ảnh VN ra nước ngoài, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã tâm sự: “Kĩ nghệ để quảng bá hình ảnh VN ra thế giới chính là quảng bá những gì là bản sắc của riêng đất nước mình mà những quốc gia khác không có. Đó không chỉ đơn thuần là áo dài, nón lá mà cao hơn nó là cả một nền nghệ thuật truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta phải biết tận dụng điện ảnh, hội họa, âm nhạc… để tạo dựng hình ảnh đất nước mình”.  Những cuộc biểu diễn âm nhạc khắp nơi trên thế giới của nhạc sĩ chính là một minh chứng điển hình cho những nỗ lực của người nghệ sĩ gốc Việt mang văn hóa đất nước mình ra giới thiệu với bạn bè quốc tế. Đi qua mỗi một vùng đất, một quốc gia, ông lại không ngừng ngợi ca quê hương, đất nước mình bằng những tác phẩm viết riêng cho Tổ quốc. Ngày nay, tên tuổi và các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã được nhắc đến trong hơn 70 cuốn sách nổi tiếng trên thế giới. Điều này có tác động rất tích cực tới việc tạo dựng hình ảnh VN.

Hành trình khẳng định vị thế của VN trên trường quốc tế là một cuộc hành trình dài không bao giờ dừng lại. Trên đoạn đường ấy đã, đang và sẽ có sự chung tay góp sức của không ít kiều bào – những người VN yêu nước vẫn luôn hướng mình quay trở về với cội nguồn, dân tộc.

Hoàng Lan


Các tin liên quan:
Tạo bởi phuongthuan
Cập nhật 02-12-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin