Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 14:15

Câu Chuyện Thầy Lang: Bệnh Lao-Kháng-Nhiều-Thuốc

Ngày 26 tháng 2 năm 2008 vừa qua, Cơ quan Y Tế Thế Giới (WHO) đã báo động là tình trạng bệnh lao kháng với nhiều thuốc tại các quốc gia đã lên rất cao, khoảng nửa triệu trường hợp mỗi năm.

Theo chuyên gia Y tế Cộng đồng Mark Harrington: “Lao kháng nhiều thuốc là mối đe dọa lớn cho mọi người. Khác với bệnh HIV trong đó bệnh lây lan qua một đường riêng biệt, lao là mối đe dọa cho mọi người khi tiếp xúc lâu dài với bệnh nhân như ngồi chung trên máy bay, xe lửa.”

Mario Raviglione, Giám Đốc chương trình Ngăn Chặn Lao của WHO báo động: “Lao kháng nhiều thuốc cần một sự can thiệp mạnh mẽ. Nếu các quốc gia không cương quyết đối phó, chúng ta sẽ thua trận chiến này”.

 Thế nào là “bệnh lao-kháng-nhiều-thuốc”? 

Bình thường, bệnh lao có thể chữa hết với 4 loại thuốc căn bản hàng đầu. Khi các thuốc này bị lạm dụng hoặc dùng không đúng chỉ định, vi khuẩn lao trở nên quen nhờn với thuốc.

Năm 2006, Cơ quan Y tế Thế  giới định nghĩa lao- kháng- nhiều- thuốc (MDR-TB Multidrug-Resistant -TB), là bệnh lao trong đó vi khuẩn chống lại được với hầu hết các thuốc trị lao hàng đầu, đặc biệt với hai loại công hiệu nhất là isoniazid và rifampicin

Ở mức độ trầm trọng hơn, lao-cực-kháng-thuốc (XDR-TB -Extensively Drug-Resistant-TB) là lao-kháng-nhiều-thuốc cộng thêm chống lại cả với một trong các thuốc uống nhóm fluoroquinolone và ít nhất là với một trong ba loại thuốc chích hàng thứ nhì là capreomycin, kanamycin và amikacin.

 Nguyên nhân gây ra lao kháng thuốc

 Sự kháng nhờn với thuốc xảy ra khi:

-          Bệnh nhân không dùng thuốc theo đúng liều lượng và thời gian do bác sĩ chỉ định

-          Bác sĩ không cho đúng thuốc với tình trạng bệnh.

-          Bác sĩ không cho thuốc đủ mạnh và  thời gian dùng thuốc quá ngắn

-          Cơ thể bệnh nhân không hấp thụ được thuốc

-          Có tương tác giữa các loại thuốc

-          Khi thuốc có ít công hiệu trị liệu

Trong các trường hợp này, thuốc chỉ khống chế một phần sự tăng trưởng của vi khuẩn và tạo ra các vi khuẩn kháng với thuốc.Chúng tăng sinh rất mau và ngự trị toàn bộ cơ thể

Ngoài ra, kháng thuốc có thể vì:

-          Cung cấp thuốc bị gián đoạn

-          Không kiểm soát được sự lây lan bệnh

-          Không có phương tiện, kế hoạch để xác nhận và điều trị lao kháng thuốc

-          Bệnh tái phát sau khi đã được chữa lao trong quá khứ

-          Tiếp xúc, sống chung với bệnh nhân bị lao kháng thuốc.

 Sự lây lan của lao-kháng-thuốc 

Lây lan của lao kháng nhiều thuốc cũng tương tự như lây lan bệnh lao bình thường.

Khi bệnh nhân ho, hắt hơi, cười nói hoặc ca hát, vi khuẩn lao từ phổi phân tán trong không khí và sống ở đó trong nhiều giờ. Hít thở không khí này sẽ bị lây bệnh.

Lao không lây lan qua bắt tay, chung nhau món ăn nước uống, đụng chạm vào chăn  mùng quần áo, bàn cầu vệ sinh, chung nhau bàn chải đánh răng.

 Rủi ro lây lan tăng khi: 

- Có nhiều bệnh nhân tại cùng địa điểm

- Bệnh ở giai đoạn trầm trọng

- Thời gian tiếp xúc với bệnh nhân lâu

- Không gian nơi tiếp xúc chật hẹp

- Không khí trong phòng bệnh nhân không thông thoáng

- Cùng khối lượng không khí trong phòng luân lưu ra vào liên tục.

- Khả năng đề kháng của người tiếp xúc yếu, chẳng hạn với bệnh nhân suy miễn dịch vì HIV.

- Không khử trùng các vật dụng và dụng cụ y tế. 

Lao kháng thuốc rất hay lây, điều trị cực kỳ khó khăn và tốn kém và tỷ lệ tử vong lại rất cao.

Tại sao lao kháng thuốc lại nguy hiểm

Sự xuất hiện của lao kháng nhiều thuốc là mối đe dọa lớn cho sức khỏe dân chúng. Lý do là bệnh lao điều trị được bằng các dược phẩm hiện có sẽ được thay thế bởi lao với vi khuẩn kháng cự với nhiều dược phẩm. Sự điều trị các lao này khó khăn giới hạn hơn, chẳng khác chi trị lao vào thời điểm chưa có thuốc kháng sinh cách đây trên nửa thế kỷ.

Hậu quả xấu sẽ rất lớn đối với nền kinh tế quốc gia, nếp sống gia đình.Vì vi khuẩn lao cứng đầu với hầu hết các thuốc trị lao, người bệnh không được điều trị hữu hiệu và bệnh tình trở nên trầm trọng hơn. 

Làm sao để khỏi trở thành lao kháng thuốc

            Điều quan trọng nhất là phải uống thuốc trị lao đúng như chỉ định của bác sĩ, không bỏ sót một liều nào và không ngưng thuốc quá sớm.

Nếu có tác dụng phụ hoặc trở ngại khi uống thuốc, nên cho bác sĩ hoặc điều dưỡng viên hay ngay để điều chỉnh thuốc. 

            Lao kháng thuốc có thể chữa được không?     

      Lao kháng nhiều thuốc có thể điều trị được tuy nhiên sự điều trị khó khăn hơn, cần các nhà chuyên môn cao, khoa xét nghiệm tốt để thử nhạy cảm thuốc và cần có tất cả các nhóm thuốc để lựa chọn. Thời gian điều trị có thể kéo dài tới hai năm và giá thành của thuốc đắt gấp 100 lần thuốc trị lao không kháng. Sự thành công tùy thuộc ở mức độ kháng thuốc của vi khuẩn, bệnh nặng hay nhẹ, sức đề kháng của người bệnh và sự tuân thủ của bệnh nhân.

            Đối phó với lao-kháng-nhiều-thuốc

Lao kháng nhiều thuốc là một đe dọa trầm trọng cho sức khỏe dân chúng toàn cầu.

Ý thức được vấn đề, Cơ quan Y tế Thế giới đã hoạch định một kế hoạch quy mô để đối phó. Sự thành công của kế hoạch tùy thuộc vào sự hợp tác của các quốc gia thành viên cũng như khả năng tài chánh. Trong năm 2008,WHO dự trù cần một ngân khoản là 4.8 tỷ mỹ kim để kiểm soát bệnh lao tại các quốc gia nghèo khó, trong đó 1 tỷ dành cho lao kháng nhiều thuốc. Hiện nay còn thiếu 2.5 tỷ mỹ kim.

Riêng tại Việt Nam, lao kháng thuốc đang là vấn đề nan giải vì theo WHO, tỷ lệ lao kháng thuốc tại Sài Gòn nhiều gấp 4 lần tỷ lệ trung bình trên thế giới và gấp 3 lần so với Hoa Kỳ.

Việt Nam còn tình trạng thiếu thuốc đặc trị cho lao kháng nhiều thuốc.  Bệnh nhân lao bình thường được chữa miễn phí, nhưng khi bị lao kháng thuốc thì họ phải tự túc, tìm mua thuốc với giá thành rất cao, quá khả năng tài chánh của người bệnh.

            Ngoài ra, các phương thức phòng chống bệnh nơi đây cũng chưa được tận lực phổ biến, áp dụng rộng rãi cho nên số bệnh nhân lao các loại có tỷ lệ khá cao.

Uu tư hàng đầu là làm sao tránh được sự lây lan bệnh, như ý kiến của một cư dân trong nước:

“...Chiều tối nay con chở cô Ngọc đến thăm em Thi. Trong căn phòng nhỏ có tất cả 3 bệnh nhân, đều là trường hợp bị lao kháng thuốc. Con thấy những người thân nuôi bệnh cứ ngồi chung giường gần gũi với bệnh nhân, họ trò chuyện khá thoải mái, chỉ đeo khẩu trang rất mỏng hoặc có khi không đeo khẩu trang, thật nguy hiểm và đáng lo ngại cho họ!

Em Thi có Ba của em lên trông nom từ trưa nay, vì thương con nên cứ nằng nặc ở lại bệnh viện vài hôm mặc dù Thi cố thuyết phục Ba về nghỉ tại ký túc xá Trường Y Dược cùng các bạn nam sinh viên thân quen của em và thỉnh thoảng vô thăm cũng được. Phòng bệnh chật hẹp và không khí trong bệnh viện khá ngột ngạt nên sẽ khó khăn cho Thi trong thời gian "làm quen" với môi trường mới này”.

Vì vậy, việc cần làm ngay là áp dụng các phương thức ít tốn kém, sẵn có để phòng ngừa lây lan bệnh lao kháng nhiều thuốc.

-Dân chúng cần được hướng dẫn các kiến thức căn bản về cách thức lây truyền của vi khuẩn gây bệnh trong không khí.

-Người thăm viếng chăm sóc cần được nhắc nhở đề phòng khi hít thở chung môi trường với bệnh nhân.

-Nên mang khẩu trang đặc biệt hoặc một miếng vải khá dày đủ sức ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập mũi, miệng khi tiếp xúc với bệnh nhân.  

-Phòng ốc cho bệnh nhân lao kháng thuốc cần được thông thoáng.

-Nên có một nơi riêng biệt để bệnh nhân tiếp xúc với thân nhân bạn bè tới thăm.

-Giúp đỡ về đời sống để bệnh nhân lao kháng nhiều thuốc có thể an tâm tiếp tục điều trị nan bệnh trong thời gian lâu dài và giới hạn sự chung đụng của họ với quần chúng.

-Trực tiếp theo dõi việc uống thuốc của bệnh nhân để tránh tự ngưng thuốc, gây ra sự đề kháng.

-Người nghi bị nhiễm lao các loại cần được nhắc nhở, khuyến khích tới bác sĩ, bệnh viện để thử lao trên da và thử đàm tìm vi khuẩn lao. Bệnh cần được xác đinh sớm. và áp dụng trị liệu ngay.

Theo các chuyên gia dịch tễ, sự xuất hiện của lao-cực-kháng-thuốc và lao-kháng-nhiều-thuốc là dấu hiệu của sự yếu kém trong việc quản lý điều trị và lơ là, thiếu thành tâm khi áp dụng các chương trình phòng chống, kiểm soát bệnh lao.

 

Tiến sĩ Y Khoa Nguyễn Ý-Đức

Texas-Hoa Kỳ.

 

 

 


Các tin liên quan:
Tạo bởi hongnt
Cập nhật 07-03-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin