Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 22:59

Con đường di sản miền Trung – nơi hội tụ văn hóa

Dải đất miền Trung nhiều nắng gió lại là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa kiệt xuất của thiên nhiên và con người tạo dựng. Trên dải đất hẹp, từ Quảng Bình tới Quảng Nam đã hình thành nên con đường du lịch di sản miền Trung. Nó là kết quả tự nhiên của sự thừa nhận quốc tế với giá trị văn hóa của thiên nhiên và con người Việt Nam.


Ma_Con-duong-di-san-mien-Tr.jpg
Thạch nhũ - Động Phong Nha

Quảng Bình nằm ở phía Bắc miền Trung. Đây là nơi hội tụ nhiều tiềm năng du lịch từ sinh thái, tắm biển, nghỉ dưỡng đến văn hóa lịch sử... Ngày 5-7-2003, UNESCO công nhận Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản Thiên nhiên thế giới.

 

Động Phong Nha, một trong những hang động kỳ thú có tầm cỡ quốc tế dài 13.000 mét, gồm 14 hang do con sông ngầm chảy trong lòng núi đá vôi tạo ra. Đây là dòng sông ngầm dài nhất thế giới, chúng tạo ra trong lòng hang những thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo. Khách du lịch thường tới thăm động Phong Nha và động Tiên Sơn là những kỳ quan của tạo hóa. Mới đây nhóm chuyên gia thám hiểm của Hoàng gia Anh đã phát hiện ra thêm một hang động với vô số nhũ đá tuyệt đẹp. Hang này được đánh giá là một trong những hang động đẹp nhất thế giới và được đặt tên là Thiên Đường. Trong khu Phong Nha – Kẻ Bàng còn có rừng nguyên sinh rộng 41.132 ha với hệ động thực vật phong phú và đa dạng. Các loài bò tót, báo vằn, voọc đen và các loài gỗ quý có tuổi thọ hàng ngàn năm... tạo màu sắc hấp dẫn thực sự cho một vùng đất quyến rũ.

 

M_Con-duong-di-san-mien-Tru.jpg
Vạn chài trên Hương Giang (Huế)

Từ Quảng Bình vào Huế thăm cố đô cũ giúp khách du lịch hình dung ra một thời kỳ lịch sử phong kiến ở Việt Nam. Hơn một trăm năm ngai vàng của triều Nguyễn (1802-1945) đã tạo ra một nền văn hóa đặc sắc, thể hiện sự kết hợp giữa quyền lực của các vương triều cũ và sự sáng tạo của nhiều thế hệ các nghệ nhân tài hoa. Huế lưu giữ hàng trăm di tích lịch sử được xếp hạng, nổi bật nhất là các cung điện, lăng tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Văn hóa dân gian và văn hóa cung đình kết hợp với nhau tạo ra những di sản vật chất và tinh thần đặc sắc. Nghệ thuật nhã nhạc cung đình Huế cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới. Những lễ hội được tổ chức liên tục tại Huế gần đây càng thu hút sự chú ý của du khách bốn phương.

 

Con-duong-di-san-mien-Trung.jpg
Phố cổ Hội An

Khu di tích đô thị cổ Hội An và khu thánh địa Mỹ Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1999.

Hội An được biết đến như một thương cảng cổ đại của vương quốc Chăm Pa và là một thương cảng lớn, sầm uất vào những thế kỷ XV-XVI. Cho đến nay, Hội An vẫn giữ được hàng trăm di tích của một khu phố cảng thương mại ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau, trong đó có đặc sắc nhất là văn hóa Trung Hoa và văn hóa Nhật được Việt hóa cho phù hợp với lối sống của dân bản địa. Vùng đất này như một bảo tàng sống với cư dân hiếu khách và hiền hòa. Người dân ở đây đã hình thành được lối sống mới giữ được bản sắc văn hóa của mình và hòa nhập nhanh với thế giới.

 

 

Mai_Con-duong-di-san-mien-T.jpg
Thánh địa Mỹ Sơn

Trên con đường di sản miền Trung, thánh địa Mỹ Sơn được biết tới như một di chỉ đặc biệt. Với khoảng 70 công trình kiến trúc được xây dựng từ thế kỷ VII đến thế kỷ VIII, Mỹ Sơn là thánh địa giáo quan trọng nhất của vương quốc Chăm Pa. Sau năm 1975, ở Mỹ Sơn còn lại khoảng chừng 20 đền, tháp còn giữ nguyên vẹn. Đây là khu di tích Chăm Pa duy nhất trong 691 Di sản thế giới của nhân loại. Ấn tượng của tất cả những ai lần đầu tiên mới tới Mỹ Sơn đều rất sâu đậm. Con đường bộ dẫn vào thánh địa đi dọc theo một con sông nhỏ được bao bọc xung quanh bởi những dãy núi tự nhiên làm khu vực thánh địa thêm huyền bí. Cuối con đường lại là những sáng tạo văn hóa có một không hai của một dân tộc nổi tiếng, hòa nhập tạo thành một mảng quan trọng của văn hóa Việt.

 

Con đường di sản miền Trung hội tụ nhiều nền văn hóa với sáng tạo đặc sắc của con người. Sự đậm đặc của các di tích nổi tiếng đã mang lại cho tuyến đường du lịch này vẻ đẹp văn hóa khác lạ. Trên mỗi bước đi, du khách có thể khá phá cho mình những điều bổ ích cho hành trang kiến thức và hiểu biết mới về đất nước – con người Việt Nam.

Vũ Đức Tân

Tạo bởi admin
Cập nhật 20-01-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin