Lên núi Cấm-An Giang
Núi Cấm hay Thiên Cẩm sơn cao 716m so với mặt biển, là ngọn núi cao nhất, đẹp nhất trong vùng Thất Sơn (An Giang). Cái tên Cấm theo truyền tụng có nguồn gốc như sau: ngày trước, trên núi là rừng già hiểm trở, thú dữ ngày đêm thường rình rập giết hại người qua lại nên quan chức địa phương đã nghiêm cấm dân trong vùng lên núi hái lượm, săn bắn...
Cũng có truyền thuyết: lúc Nguyễn Ánh bôn tẩu, bị quân Tây Sơn truy bắt phải lên núi lánh nạn, nên truyền lệnh không cho dân bản xứ lai vãng. Bây giờ không còn ai cấm leo lên núi Cấm, nhưng du khách lại không khỏi dao động khi nghe anh chàng lái xe ôm dưới chân núi đeo bám mời chào pha chút “khủng bố”: Chặng đường lên đỉnh dài hơn 10km, dù người khỏe mạnh cũng mất đứt 3 giờ đồng hồ leo trèo vất vả, còn thuê xe ôm chỉ đi mất 30 phút với giá “khuyến mãi” 70.000 đồng cả đi lẫn về. Giá cả hoàn toàn hợp lý nhưng đã mang tiếng thăm thú núi non mà lại bỏ lỡ cơ hội thử thách sức lực và đôi chân của mình thì còn tìm đâu cảm giác của kẻ chinh phục thiên nhiên. Vậy là chúng tôi cứ dấn bước... Có hai con đường lên núi Cấm, một đang được phá núi để mở rộng cho ôtô và một lối nhỏ dọc theo rừng với nhiều ngả rẽ vào chùa chiền, miếu mạo, thắng cảnh... chung quanh.
Hầu hết khách mộ đạo, hành hương thường chọn con đường ven rừng gập ghềnh, chật hẹp nhưng dốc không cao, lại thêm không gian lúc nào cũng yên tĩnh và khí hậu quanh năm mát mẻ. Cây cối thưa dần, chẳng bao lâu chúng tôi thoát khỏi đường mòn, đặt chân đến độ cao 535m. Rồi đột nhiên xuất hiện trước mắt chúng tôi ở hướng đông sừng sững tượng đài đức Phật Di Lặc cao vút tưởng chừng vươn tới tận trời xanh. Thật khó tin nổi giữa chốn thâm sơn cùng cốc, địa hình phức tạp như vậy mà người ta có thể xây dựng một tượng đài cao đến 33,60m và khá nghệ thuật. Nghe kể để hoàn thành bức tượng Phật sinh động này các nghệ nhân đã thi công suốt ba năm. Quay sang phía tây, kề bên vách núi là chùa Vạn Linh nổi tiếng cổ xưa, năm 1927 chỉ là một am thất đơn sơ, cho đến năm 2000 chùa được xây mới trên diện tích 1ha với sự góp công, góp sức của các kiến trúc sư, nghệ nhân... tài giỏi, nay là một quần thể kiến trúc tôn giáo đồ sộ nhưng hài hòa với cảnh quan chốn núi rừng, mà gây ấn tượng mạnh với khách tham quan là ngôi bảo tháp cao 40m gồm bảy tầng, mỗi tầng trưng bày một tượng Phật cưỡi mãnh thú cao trên 2m bằng đá Thanh Hóa được điêu khắc cực kỳ tinh xảo. Sau chặng đường tương đối dễ đi, đoạn còn lại khá hiểm trở khiến chúng tôi lúc phải bò toài trên dốc đứng, lúc phải bám chặt dây rừng, trườn mình từng chút bên vách đá. Cuối cùng thì vồ Bò Hong, mỏm đá lớn trên đỉnh cao 716m đã lộ ra. Từ đó, phóng tầm mắt nhìn xuống toàn cảnh khu vực sườn núi là thung lũng được bao bọc bởi những vồ (mỏm đá) và mỗi vồ đều gắn với bao truyền thuyết, nhân vật, sự kiện trong ông cha ta Nam tiến thời kỳ khai hoang, mở đất.
Đến núi Cấm rồi mới thấy tiếc: bấy lâu nay vì thiếu thông tin hay vì ngại đường xa trắc trở mà một vùng du lịch sinh thái tuyệt đẹp như vậy chưa bao giờ có mặt trong các tour du lịch đến với đồng bằng sông Cửu Long?
(Tuổi Trẻ)
Các tin liên quan:
- Huyền thoại Dray Sap (01-02-2007)
- Miền cổ tích Cù Lao Chàm (01-02-2007)
- Dòng nước thiên nhiên thác Giang Điền (29-01-2007)
- Khu du lịch sinh thái Phù Sa (23-01-2007)
- Thăm cố đô Hoa Lư (19-01-2007)
- Hòn Khoai, hoang sơ và kỳ thú (15-01-2007)
- Suối Tiên Sa - Điểm du lịch hấp dẫn (08-01-2007)
- Khám phá Vĩnh Hy (05-01-2007)
- Kỳ vĩ Hà Giang (07-12-2006)
- Hoang sơ đồi cát Nam Cương (04-12-2006)
Cập nhật 26-06-2006