Du ngoạn giữa Tháp Mười một chuyến du lịch xanh thú vị
Đồng Tháp Mười là một khu lòng chảo nổi tiếng với diện tích rộng 697.000 ha, trải rộng giữa ba tỉnh Long An - Tiền Giang và Đồng Tháp. Tuy nhiên, khai thác du lịch ở khu vực này vẫn còn rất sơ sài, trong khi tiềm năng về du lịch xanh ở Đồng Tháp Mười lại rất lớn. Nếu đi từ Tp.HCM, điểm đến gần nhất là Long An. Tỉnh này có đến 6 huyện nằm trong vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) với diện tích chiếm non nửa tổng diện tích của ĐTM.
Tìm lại dấu ấn Đồng Tháp Mười hoang vu
Giờ đây, đường vào ĐTM từ Long An đang được khẩn trương xây dựng. Con lộ 62 xưa kia chỉ cần một chiếc ô tô chạy qua là nhuốm đầy bụi đỏ. Đến nay nó đã trở nên khang trang và sạch sẽ hơn rất nhiều do được tráng beton nhựa một đoạn khá dài, từ Long An đến Tân Thạnh. Khi tiến vào cánh đồng mênh mông này, đây là một cánh đồng bao la có hình lòng chảo, xung quanh cao và ở giữa thấp trũng giống như một cái hồ lớn. Cái hồ này cùng với Biển Hồ Tonlesap của Campuchia chuyên làm nhiệm vụ điều hòa mực nước lũ cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nơi này xưa là một vịnh biển ăn sâu vào địa phận Tây Ninh, vịnh biển này tiếp nối với một cái đầm lớn là nơi thoát nước của sông Mekong. Dần dà, trong quá trình bồi đắp phù sa đã biến vịnh biển - đầm lầy này thành một cánh đồng ngập nước lớn. Chính những đặc điểm này đã biến Đồng Tháp Mười trở thành một nơi độc đáo nhất VN, khi mùa lũ đến người ta chỉ thấy nước là nước.
Nơi đây là vương quốc của các loài trăn, rắn, rùa, gà đãi, sếu đầu đỏ, nhan sen, le le, chằng nghịt, ốc cao, cuốc cùng nhiều loại chim muông khác... Khắp nơi có tràm gió, sen, súng, bàng. Chưa kể đến các khu vực đầy ắp lúa ma, mồm mốc, mồm vàng, đưng, sậy. Hình ảnh người nông dân đi xuồng gặt lúa nổi hay tay cầm chắc cây phảng phát hoang tiêu biểu cho công cuộc lao động giữa xứ sở này. Chúng tôi khó lòng tìm thấy lại cảnh tượng nào về hình ảnh xa xưa của Đồng Tháp Mười. Giờ đây, khắp nơi chỉ nhìn thấy màu xanh ngắt của lúa, của tràm và màu sắc hoa sen. Và rất nhiều những dòng kênh xanh biếc.
Xe dừng lại ở thị trấn Tân Thạnh, rồi theo đường đến xã Nhơn Hòa. Một trong những xã của huyện Tân Thạnh nằm ven dòng kênh Dương Văn Dương. Đường liên huyện và liên xã có thể đưa vào sâu hơn. Nhưng đến với Đồng Tháp Mười mà không đi trên kênh thì thật là uổng phí.
Kênh rạch, sông nước gắn với chiến tích
Những dòng kênh và dòng sông chính là nét hấp dẫn độc nhất vô nhị của vùng đất mênh mông này. Du khách có thể đi trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, kênh 12, kênh Dương Văn Dương, Rạch Chanh... Kênh Dương Văn Dương rộng đến 20 m, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Trên dòng kênh, có thể tìm lại những dấu tích oai hùng của Đồng Tháp Mười. Vào thời kháng Pháp, Đồng Tháp Mười là nơi trú ngụ của nghĩa quân Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều. Chiến khu Dương Văn Dương là chiến khu thời kháng chiến 9 năm với các xã Nhơn Hòa, Tân Lập, Hậu Thạnh, Tân Hòa, Nhơn Ninh và Tân Ninh nằm dọc hai bờ kênh. Chính nơi này, nhạc sĩ Ngô Huỳnh đã viết bài ca bất hủ “Con kênh xanh xanh”...
Kênh Dương Văn Dương giờ đây thật hiền hòa với những làng xóm và nhà cửa chạy dài hai bên. Nhà nào cũng có một cây cầu ván bắc ra sông, bên cạnh cột chiếc xuồng đong đưa theo nhịp nước. Ngay trước nhà, người ta thường chặt cây vây lại một góc lớn, thả lá và cành xây xuống làm chỗ trú cho cá. Khi nào cần, chỉ cần quăng lưới hay thả câu là có cá ăn liền. Vỏ lãi ghé vào một dòng kênh nhánh. Hai bên bờ mọc toàn cây tràm mát rượi. Rất nhiều cò, chim bay lượn trên đầu. Nhiều chú cò thảnh thơi đi lại trên những nhánh cây bên sông. Cảnh vật ở đây thật thanh bình, không khí trong lành.
Những người dân Nam Bộ chân chất, mộc mạc
Những người nông dân ở đây rất thiệt tình. Họ có thể mời khách nghỉ ngơi và làm cơm đãi khách bằng các sản vật quê hương. Nào là cá tôm bắt dưới kênh, gà vịt nuôi trong vườn, rau là bầu bí, gỏi làm từ ngó sen. Với những người sống bon chen trong thành phố, khung cảnh thanh bình ở một vùng quê Đồng Tháp Mười thật là bình yên.
Nếu nghỉ qua đêm trong nhà của nông dân ở Đồng Tháp Mười, sáng mai bạn có thể đi thăm những rừng tràm ngập nước ven sông. Đây là những cây tràm có thể chịu nước rất giỏi. ở thành phố, người ta thường dùng chúng làm cừ đóng móng nhà cho chắc chắn. Bạn cũng có thể chống xuồng ra ruộng hái sen. Hoa sen thường được trồng để lấy hạt và nhiều nhất là lấy ngó sen bán cho các chợ trong thành phố. Nếu ưa phưu lưu, bạn cũng có thể chống gậy đi vào những cánh đồng mới gặt. Đây là vương quốc của những người chăn vịt. Họ lùa vịt đi lang thang hết cánh đồng này sang cánh đồng khác với những câu chuyện hấp dẫn, những món ăn rất đồng quê như cá lóc nướng chui, mắm kho bông súng thưởng thức ngay trên đồng còn trơ gốc rạ với những cây rơm cao lêu nghêu. Bạn cũng có thể xem cảnh những chiếc xuồng chở bàng nặng trĩu trên sông và cảnh phơi bàng trên Đồng Tháp Mười. Bàng là cây để đan giỏ, đan chiếu quen thuộc. Chiều tối, tiếng đập bàng khiến bạn nhớ lại những lời ca “ Tiếng ai giã bàng vang vọng như tiếng lòng tôi”.
Du lịch sinh thái ở Đồng Tháp Mười với những đặc thù hấp dẫn như vậy hiện chưa được khai thác bao nhiêu. Dường như trong 3 tỉnh ở vùng Đồng Tháp Mười, chỉ có Đồng Tháp đầu tư vào khai thác du lịch. Song chủ yếu ở các điểm di tích liên quan đến Đốc Binh Kiều, đến Gò Tháp và Tràm Chim. Hiện nay, tỉnh Long An đang có chính sách khuyến khích và phát triển du lịch sinh thái ở Đồng Tháp Mười. Du lịch sinh thái cần được đầu tư để có thể khai thác vị trí địa lý gần Tp.HCM và khai thác sinh thái rừng tràm cùng địa hình tự nhiên. Tại đây, các tour du lịch có thể mở vào các điểm văn hóa thời Oóc Eo, Gò Hàn, chùa Nổi, Láng Sen. Ngoài ra phải kể đến các di tích cách mạng như kênh Dương Văn Dương, kênh Năm Ngàn, sông Vàm Cỏ, đồn Mộc Hoá gắn với lịch sử của tiểu đoàn 307 oai hùng. Hiện nay, dự án Láng Sen rộng gần 3000 ha đang được khảo sát để đưa vào xây dựng thành một khu bảo tồn sinh thái có liên kết với khu Tràm Chim của tỉnh Đồng Tháp. Hy vọng, các tour du lịch xanh mở vào Đồng Tháp Mười sẽ ngày càng phát triển hơn.
(Theo TBKTVN)
Related news:
- Xứ Lạng có động Tam Thanh (23-07-2007)
- Vườn quốc gia Bù Gia Mập (23-07-2007)
- Người Hà Nhì thôn Lao Chải (13-07-2007)
- Vẻ đẹp hoang sơ của bãi biển Hàm Thuận Nam (10-07-2007)
- Sông Hồng Hà Nội (02-07-2007)
- Tam Đảo- nàng tiên đang tỉnh giấc (28-06-2007)
- Khám phá điểm du lịch sinh thái Cát Tiên (20-06-2007)
- Phan Thiết, đô thị du lịch quốc gia trong tương lai (08-06-2007)
- Cảm xúc vùng cao (04-06-2007)
- Thác Bản Ba ở Tuyên Quang (31-05-2007)
Last modified 01-08-2006