Kỳ vĩ Hà Giang
Vùng đất Hà Giang hôm nay đã trải qua nhiều lần thay đổi cương vực và tên gọi. Thời các Vua Hùng dựng nước, vùng đất này là địa bàn cư trú của cư dân bộ Tây Vu đến thế kỷ XI mang tên Châu Bình Nguyên, thời Lý thuộc Phủ Phú Lương, thời Trần là Trường Phú Linh, thời Lê đổi thành Châu Vị Xuyên. Năm 1835 Châu Vị Xuyên tách thành hai huyện là Vĩnh Tuy và Vị Xuyên. Năm 1842, Tỉnh Tuyên Quang được lập thành với 3 hạt là Hà Giang, Bắc Quang của tỉnh Tuyên Quang. Năm 1976 Tỉnh Hà Giang và Tỉnh Tuyên Quang sát nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Năm 1991 Tỉnh Hà Giang lại tách ra khỏi Hà Tuyên..
Hà Giang là mảnh đất cổ, có lịch sử lâu đời, trên những nét cơ bản tương ứng với những giai đoạn chính của tiến trình phát triển lịch sử Việt, hiện là nơi cư trú của 22 dân tộc - kết quả của những cuộc di cư từ những vùng đất khác nhau, vào các thời điểm khác nhau của lịch sử. Song các dân tộc anh em nơi đây đã sớm hội tụ thành một cộng đồng đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau, một lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Cảnh quan vùng cao của Hà Giang cho đến nay vẫn mang đậm nét hoang sơ, tinh khiết. Một địa hình karst tiêu biểu với bạt ngàn đá tai mèo trải dài trùng điệp 4 huyện phía bắc; hay những dãy núi nhấp nhô, hùng vĩ với những ruộng bậc thang nối nhau từ thấp lên cao, tưởng như vô tận ở vùng cao phía tây; cùng vô số khe suối, thác nước, hang động ở khắp các địa bàn trong tỉnh chính là nguồn tiềm năng du lịch sinh thái giàu có của Hà Giang. Với diện tích rừng hiện có, chiếm tới gần 40% diện tích tự nhiên với nhiều sản vật rừng và nhiều loại động thực vật quí hiến cũng là điều hấp dẫn đối với những người yêu thích thiên nhiên.
Hơn thế nữa, cảnh quan Hà Giang bao giờ cũng mang phong vị địa phương với những vẻ đẹp vừa thô sơ vừa bí ẩn. Nếu vùng cao phía bắc tập trung các đỉnh đèo, vách núi nổi tiếng như đỉnh Mã Pì Lèng và sông Nho Quế (Mèo Vạc), cổng trời Sà Phìn (Đồng Văn), cổng trời Cán Tỷ và núi Cô Tiên ở Quản Bạ... thì ở khu vực phía tây và phía nam lại nhiều thác nước, sông suối, đầm hồ đẹp như thác Bay ở Xín Mần; thác Thuý, hồ Quang Minh ở Bắc Quang; suối nước khoáng ở Vị Xuyên; hồ Noong, suối Tiên ở thị xã và các tên núi tên sông đã đi vào huyền thoại: đỉnh Gia Long, dãy Tây Côn Lĩnh, sông Chảy , sông Lô .... Bên cạnh đó còn có một hệ thống các hang động ở khắp các vùng trong tỉnh. Có những hang động đẹp, thuần là thắng cảnh như các hang động ở khu vực Phương Thiện (Vị Xuyên); hang Tùng Vài (Quản Bạ); động én (Yên Minh)... Có những hang động vừa là di tích văn hoá, vừa là địa điểm khảo cổ học như các hang : Bó Khiếu, Đán Cúm, Nà Chảo ở Bắc Mê; hang Thẩm Ké ở Quản Bạ; hang Phó Bảng ở Đồng Văn...
Hà giang cũng nổi tiếng với nhiều lễ hội truyền thống như Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn (từ 15 tháng 10 âm lịch đến 30 tết Nguyên Đán). "Chợ tình khâu vai" (còn gọi là chợ phong lưu), một năm chỉ họp một lần vào ngày 27/3 (âm lịch). Và nhiều di tích lịch sử khác cũng như những đặc sản nổi tiếng như chè Shan Tuyết, món Thắng cố của người Mông...
Là một tỉnh vùng núi cao, núi đồi chiếm hơn 3/4 diện tích, môi trường thuận lợi cho thực vật tự nhiên cũng như rừng trồng phát triển. Rừng là thế mạnh kinh tế chủ yếu của Hà Giang và còn có ý nghĩa lớn vào khoa học và bảo vệ môi trường. Do đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, rừng Hà Giang khá phong phú và được coi là một trong những khu vực đặc trưng của kiểu loại rừng á nhiệt đới, với nhiều chủng loại. Diện tích đất rừng của Hà Giang thuộc vào loại lớn của cả nước. Diện tích có rừng tính đến 31/12/2005 là 345.860 ha, đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp 262.918 ha.
Ngoài ra Hà Giang là một địa bàn có tiềm năng và triển vọng lớn về khoáng sản như sắt, mangan, chì, thiếc, antimon, vàng, đá quý... và một trữ lượng khá lớn các loại khoáng sản không kim loại như: Cao lanh, sét gốm, đá vôi, cát, sỏi, cát kết, đá phiến, laterit, granit, gabro, ryolit... và có cả than, trong đó quan trọng hơn cả là vỉa than Phó Bảng.
Hà Giang là một vùng đầy tiềm năng phát triển, một địa danh du lịch với những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, một vùng đất với những nét sinh hoạt truyền thống lâu đời đặc sắc của đồng bào các dân tộc đang hấp dẫn các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước.
Phương Thuận
(Tổng hợp từ Website Hà Giang)
Các tin liên quan:
- Non nước Cam Ranh (07-01-2009)
- Lễ hội phố hoa Hà Nội (02-01-2009)
- Sông Đốc – Điểm du lịch độc đáo ở miền cực Nam (30-12-2008)
- Đêm hoa đăng sông Hoài (26-12-2008)
- Ô Quan Chưởng (22-12-2008)
- Trúc Sơn Quán - Vườn nướng giữa lòng Hà Nội (17-12-2008)
- Vùng đất xanh Trùng Khánh (11-12-2008)
- Ba ngọn tháp giữa Hồ Gươm (08-12-2008)
- Nhiều tour du lịch đặc biệt cho kiều bào nhân dịp Xuân Kỷ Sửu 2009 (03-12-2008)
- Vườn trái Lái Thiêu (02-12-2008)
Cập nhật 07-12-2006