Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ ba, 24/12/2024 9:29

Suối Tiên Sa - Điểm du lịch hấp dẫn

Xin mời du khách hãy một lần đến với La Bằng - nơi cội nguồn của lịch sử cách mạng Thái Nguyên, đến với suối Tiên Sa để chiêm ngưỡng, thưởng thức những gì mà thiên nhiên đã ban tặng.

 


Xã La Bằng (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) cách thành phố Thái Nguyên 35km về phía tây bắc, nằm trên con đường liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang, cách thị trấn Đại Từ 4km về phía Tuyên Quang.

Người xưa kể lại, Suối La Bằng ngày ấy rất đẹp, dòng nước trong xanh, hai bên cây cối xum xuê toả bóng mát, vào một buổi tối đẹp trời có 4 cô Tiên xuống đánh cờ, do mải mê đánh cờ nên trời sáng lúc nào không biết, không kịp về trời, 4 cô Tiên đã hoá thành đá ở 4 góc của bàn cờ; từ đó đến nay suối La Bằng có tên là suối Tiên Sa.

Khi tới La Bằng, từ cửa rừng, du khách đã bắt gặp hai bên là thành đá dựng đứng, Kẹm La Bằng được thấy từ Kẹm Đỏm thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Từ Kẹm đi khoảng 500m sẽ thấy suối Trơn - rải suối có đá rất trơn và đi qua hay bị ngã nên gọi là suối Trơn.

Tiếp tục đi men theo dòng suối du khách sẽ đến vực thẳm; từ vực thẳm đi vào khoảng 700m là đến khu vực Sạt Đèo Khế, từ Sạt Đèo Khế đi khoảng 300m, du khách sẽ đến Chuôm - nơi có cảnh quan rất đẹp: có bãi đá liền khổng lồ được tự nhiên tôn tạo thành những cảnh quan kỳ thú với khí hậu mát mẻ, là nơi tắm và du lịch lý tưởng, từ Chuôm đi vào là Ngả Hai: Ngả Hai là nơi mà hai dòng nước lớn chảy và cùng hợp lại thành một dòng suối to, cứ theo dòng suối này du khách sẽ đến Voi Dắt, đi tiếp là Đá Hầm - hòn đá to có hầm chứa được khoảng 20 - 30 người, rất chắc chắn (Thợ săn của đồng bào dân tộc thường lấy khu này là nơi nghỉ ngơi mỗi buổi đi săn).

Từ Đá Hầm du khách có thể quay trở lại suối La Bằng; sau đó đi tiếp vào trong là cánh rừng nguyên sinh được bảo vệ rất tốt; ở đây có những cây cổ thủ lớn như: cây trò nâu với chu vi khoảng 5 người vòng tay ôm và cây đa Ba Luồng (Ba Luồng là nơi có ba con suối đổ về tạo thành một luồng của con suối La Bằng, gọi là Ba Luồng). Cây đa này rất to và đẹp, xoè tán cả hai bên dòng suối. Cách cây đa khoảng 50m là cây gội (cây sến) ngàn năm với đường kính của cây khoảng 3m, chu vi khoảng 6 người ôm mới hết, chiều cao khoảng 60 - 70m, đây là cây gỗ quý thuộc gỗ nhóm 4, đặc biệt khi mùa hè đến, cánh rừng này còn có nhiều loại phong lan khoe sắc (có thể bắt gặp những vườn hoa lan nhiều màu) và có rất nhiều các loại thú rừng như: khỉ, hươu, sóc, chim muông...

Ngoài các địa danh trên, trên đường đi du khách còn nhìn thấy Đeo Tiều sừng sững (Đeo Tiều là vùng đất mà ngày xưa người Mán Đeo Tiều ở trên đó rất đông, sống chủ yếu bằng nghề săn bắn và làm nương, ngày nay ở trên đó còn lưu giữ rất nhiều những dụng cụ và đồ dùng của họ.

Thác Tiên Sa - La Bằng đang được các tổ chức và chính quyền địa phương lập dự án đầu tư để trở thành khu du lịch sinh thái gắn liền với khu du lịch vùng Tam Đảo (Vĩnh Phúc). 

 

Thái Nguyên

 

 

 

 

Tạo bởi admin
Cập nhật 08-01-2007
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin