Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thư tư, 25/12/2024 0:13

Thăm cố đô Hoa Lư

Từ Hà Nội đi 100 cây số là đến cố đô Hoa Lư, kinh đô của nước Đại Cồ Việt cách đây hơn 10 thế kỷ. Đứng trên núi Mã Yên Sơn nơi có mộ vua Đinh, bạn có thể thấy cả kinh đô xưa vào tầm mắt. Cố đô xưa rộng 300 ha trải dài trên địa phận các thôn Chi Phong, Yên Thành, Yên Thượng thuộc xã Trường Yên huyện Hoa Lư.

 


Những ngọn núi đá vôi nhấp nhô, dòng sông Hoàng Long uốn lượn bên những thửa ruộng chia ô như bàn cờ vàng ươm màu lúa chín. Bên sông Hoàng Long là ngọn Kiếp Lĩnh (núi cắm gươm). Nay là núi Cột Cờ, nơi cắm cờ của nước Đại Cồ Việt. Kia là hang Muối, hang Tiền, nơi cất giữ lương thực, ngân khố. Nọ là động Thiên Tôn nhốt hổ báo xử kẻ có tội, là Ao Giải - nơi vua nuôi giải (một loài rùa lớn nước ngọt, sống ở vực sâu) để ném những kẻ có tội xuống ao cho giải ăn thịt.

Kinh thành xưa có ba khu vực: thành Ngoại, thành Nội và thành Nam. Khám phá thành Ngoại, du khách sẽ vào thôn Yên Thành xã Trường Yên.

Nơi đây còn hai di tích là đền vua Đinh và đền vua Lê được xây dựng vào thế kỷ 17 với nghệ thuật điêu khắc trên gỗ đá. Con đường vào đền vua Đinh dẫn du khách đi dưới tán những hàng cây phượng vĩ ven đường.

Người ta gọi Hoa Lư là kinh thành đá và đền vua Đinh, vua Lê cũng sử dụng nhiều chất liệu từ đá. Vào đền, du khách sẽ thấy cột đền đá ghi câu đối có nghĩa: "Nước Đại Cồ Việt ngang hàng với nhà Tống đời Khai Bảo; Hoa Lư là kinh đô Đại Cồ Việt cũng như Tràng An là kinh đô nhà Hán vậy".

Bước vào sân đền, du khách sẽ thấy long sàn bằng đá tảng và hai con nghê chầu cũng được tạc bằng đá xanh nguyên khối. Vào hậu cung, du khách sẽ thấy tượng thờ vua Đinh được đúc bằng đồng đặt trên tảng đá xanh nguyên khối.

Đền vua Lê cách đền vua Đinh 50 m cũng cùng chung cấu trúc như thế. Những ngôi đền ở đây ẩn hiện trong màu xanh của cây lá.

Cách đền vua Lê 200 m, là chùa Nhất Trụ, được xây từ đời vua Lê Đại Hành, trước cửa chùa có cột đá, cao 4,16 m hình tám cạnh, khắc bài kinh Lăng Nghiêm do nhà vua làm để dâng nhà Phật.

Cạnh đó là đền Phất Kim thờ công chúa thứ ba của vua Đinh Tiên Hoàng đã nhảy xuống giếng tự vẫn chứ không theo chồng phản tặc chống lại vua cha.

Trong khu Thành Ngoại xưa hiện vẫn còn nhiều chùa cổ khác, đều được xây dựng từ thời nhà Đinh như chùa Đìa, chùa Tháp, Bà Ngô. Khu Thành Nội rộng hơn là nơi nuôi trẻ em và kho chứa.

Nếu đã đến Ninh Bình, du khách đừng quên đi thuyền thăm quan Tam Cốc - Bích Động, được xem là vịnh Hạ Long trên cạn hoặc ghé đầm Vân Long hoang sơ là khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều động vật quý hiếm. (Ngôi Sao)

 

 

 

 

 

Tạo bởi admin
Cập nhật 19-01-2007
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin