Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Monday, 23/12/2024 18:40

Suối cá thần (Thanh Hoá)

Trên một dòng suối chỉ dài hơn trăm mét có một loài thuộc họ cá chép được tương truyền là cá thần. Phóng viên Khám Phá đã tìm đến địa điểm này nhân chuyến du khảo Xuyên Việt.


Không ít người dân Thanh Hoá còn chưa biết tới dòng suối này, dù nó đã có trong danh mục thắng cảnh của ngành du lịch địa phương. Lý do: địa điểm nằm khá cheo leo trên miền sơn cước Trường Sơn, gần giáp biên giới Lào. Suối Cá Thần có tên gốc là suối Lương Ngọc, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá. Bên bờ suối sinh sống từ ngàn năm nay một bản làng người Mường.

 

Suối Lương Ngọc chỉ dài hơn trăm mét, chảy từ một hang đá chân núi, đổ ra cánh đồng thung lũng nằm thoai thoải bên bờ nam sông Mã. Sông Mã tên gốc của nó là sông Mạ, theo tiếng Mường là sông Mẹ, con sông quan yếu của xứ Thanh. Hàng trăm năm nay, vẫn sinh sống an nhiên và đông đúc tại dòng suối này một loài cá họ chép có tên dân gian là cá dốc.

 

Theo niềm tin của người dân trong vùng, đây là giống cá thần. Sự sung túc của đàn cá trên dòng suối sẽ đem lại sự bình yên no ấm cho cuộc sống của bà con dân tộc Mường, nên truyền đời người dân trong khu vực luôn gìn giữ nuôi nấng, không ai dám ăn thịt loại cá này, vì đó là hành động xúc phạm đến thần linh, chẳng những gây ra tai hoạ cho mình mà còn cho cả cộng đồng.

 

Bà Thang, dân tộc Mường, năm nay 73 tuổi, là người sinh ra và lớn lên tại bản Ngọc cho biết, khi lỡ đánh bắt được cá dốc trên sông hay ngoài đồng, người dân đều mang về suối để thả lại. Dòng suối chỉ sâu trên dưới nửa mét, luôn có nước quanh năm. Ban ngày cá ra suối dạo chơi, lên đồng tìm mồi, chiều tối chúng kéo hết vào hang trong núi qua một khe hẹp.

 

Cũng theo bà Thang, những con cá thần lớn, có con hàng chục ký, ở luôn trong hang không ra được vì khe đá hẹp. Trong lòng núi có một hồ ngầm nên chúng vẫn sống và sinh sản truyền đời. Nằm ngay cạnh suối là đền thờ thần rắn linh thiêng, vị thần che chở cho đàn cá.

Trên núi Ngọc còn có chùa Rồng và cách chùa không xa là động Cây Đăng (còn có tên khác là động Đàn), một hang động đẹp không thua gì động Bích Đào ở Nga Sơn (cũng thuộc Thanh Hoá), nơi ông quan có máu nghệ sĩ là Từ Thức trong một cuộc du ngoạn đã bị mê hoặc bởi sắc đẹp của nàng Giáng Hương nên đã lần theo hang động lên cõi tiên để kết hôn cùng nàng. Nhà thơ Nguyễn Duy còn cho biết, trước kia ở đền Phố Cát, huyện Nho Quan, cũng thuộc Thanh Hoá, nơi giáp ranh với tỉnh Ninh Bình, có một dòng suối Cá Thần, cá nhiều không kém gì suối Lương Ngọc. Cá ở suối Phố Cát cũng là cá dốc, nhưng vi của nó màu đỏ thẫm và dài hơn cá dốc suối Lương Ngọc. Trong thời kỳ không quân Mỹ đánh phá miền Bắc, một đơn vị bộ đội về đây đóng quân, cánh lính nhà ta đã dùng thuốc nổ đánh cá suối cải thiện bữa ăn, nên "cá thần" ở đây đã tiệt nòi.

 

Từ Thanh Hoá, theo quốc lộ 47 ngược hướng tây 50km thì đến thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, gặp đường Hồ Chí Minh. Ngược đường Hồ Chí Minh ra Bắc được 43km thì đến thị trấn Cẩm Thuỷ. Cẩm Thuỷ nằm ở phía nam cảnh quan liên khu đá vôi Pu Luông - Cúc Phương, một khu vực có nhiều cảnh đẹp nổi tiếng và có giá trị đa dạng sinh học được UNESCO đặc biệt quan tâm vì nơi đây có khu rừng đá vôi đất thấp rộng lớn không chỉ hiếm thấy ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Khu rừng đá vôi đất thấp này là nơi duy nhất nước ta còn tồn sinh loài voọc mông trắng (Delacours Langur), một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất trên thế giới. Từ Cẩm Thuỷ rẽ trái qua cầu Làng Xăm, lên hướng biên giới Lào 11km nữa thì đến suối Cá Thần. Đoạn đường 11km này đi qua điệp trùng những núi đá vôi kỳ thú như một Hạ Long trên cạn. Trước khi vào suối Cá Thần, con đường vượt qua thượng nguồn sông Mã bằng chiếc cầu treo cũng rất thơ mộng. Bạn có thể dễ dàng thực hiện chuyến viếng thăm cá thần nếu đăng ký dịch vụ du lịch Thanh Hoá.


Trên tuyến đường này, trước khi đến suối Cá Thần, du khách còn có thể ghé viếng Lam Kinh (nằm cạnh thị trấn Lam Sơn), kinh đô tưởng niệm của các vua nhà Hậu Lê. Hiện ở đây còn 8 lăng (6 vua và 2 hoàng hậu, trong đó có lăng mộ Lê Lợi) và 8 bia, trong đó có bia Vĩnh Lăng nổi tiếng do Nguyễn Trãi soạn, vẫn còn khá nguyên vẹn. Rời suối Cá Thần đi tiếp sang sông Bưởi, qua xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc sẽ là di tích thành nhà Hồ, thành đá duy nhất còn lại ở Việt Nam. Từ đây vòng tiếp qua Vân Du, Thạch Thành để về lại thành phố Thanh Hoá, bạn còn được ngang qua Gia Mưu Ngoại Trang, đất tổ phát tích của các chúa Nguyễn và vương triều cuối cùng của lịch sử nước ta.

 

Theo người dân địa phương, thỉnh thoảng cũng có lúc "cá thần" ở lì trong hang không chịu ra suối, thường là vào những tháng mùa đông. Nhưng hiện tượng này không phải năm nào cũng có và kéo dài nhất cũng chỉ chừng 3 tuần. Du khách cũng nên "thăm dò" để đừng đến vào những ngày này, vì đó là điềm không hay theo như niềm tin của đồng bào Mường ở đây.

(Sài Gòn Tiếp thị)

 

 

 

Created by admin
Last modified 17-04-2007
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin