Vân Long - vẻ đẹp hoang dã
Khu bảo tồn thiên nhiên quý giá
Chúng tôi dừng lại bến đò Văn Lâm, lên chiếc thuyền nan xinh xắn bắt đầu vào cuộc dạo chơi khi lớp sương mù buổi sáng còn lãng đãng trên mặt đầm.
Không gian mênh mông, tĩnh lặng đủ để cảm nhận tiếng động của tiếng mái chèo khua nước, tiếng vỗ cánh của lũ cò, vạc từ mặt đầm bay lên khi có khách lạ viếng thăm đột ngột, tiếng cá quẫy lúc đớp mồi, tiếng ì oạp của đàn trâu bước đi tìm cỏ, tiếng vượn kêu, chim hót...
Hàng trăm con vạc dạ, cò dàn hàng ngang trên các mỏm núi đá như chào đón du khách tạo một khung cảnh thật lãng mạn và huyền ảo. Càng đi vào sâu trong đầm, vẻ đẹp hoang sơ càng như bức tranh thủy mạc. Thi thoảng tiếng ai đó lại ồ lên thán phục trước vẻ đẹp của tạo hóa.
Ngồi cùng thuyền với anh Phong, chuyên viên của Sở Du lịch tỉnh, chúng tôi được cung cấp vô số tài liệu: Qua kết quả hàng loạt cuộc khảo sát của các nhà khoa học trong và ngoài nước cho thấy Vân Long là sinh cảnh đất ngập nước nội thủy có tính đa dạng sinh học thuộc loại cao nhất ở Việt Nam.
Với diện tích gần 3.500 ha, Vân Long có 457 loại thực vật bậc cao, đặc biệt có 8 loài được ghi trong sách Ðỏ Việt Nam: Lát hoa, Kiền, Tuế lá rộng, Cốt toái bổi, Sắng Bách Bộ, Mã Tiền hoa tán. 39 loài thú, 72 loài chim, 32 loài bò sát lưỡng cư, 44 loài cá, 39 loài thủy sinh sinh vật, 79 loài côn trùng.
Trong đó có 12 động vật quý hiếm: Voọc quần đùi trắng với 72 cá thể, lớn nhất Việt Nam là một trong năm loài linh trưởng, có nguy cơ đe dọa bị tuyệt chủng toàn cầu, gấu ngựa, sơn dương, cu li lớn, khỉ mặt đỏ.
9 loài bò sát được ghi trong sách Ðỏ Việt Nam như rắn hổ chúa, kỳ đà, trăn đất, rắn ráo trâu, tắc kè... Ðiều đáng chú ý là loài cà cuống thuộc họ chân bơi cũng được đưa vào sách Ðỏ Việt Nam, ngoài giá trị văn hóa ẩm thực, cà cuống còn giúp con người tiêu diệt một số loài thân mềm mang bệnh ký sinh trùng, điển hình là loài ốc bươu vàng.
Vào mùa khô, Vân Long là địa điểm trú đông của nhiều loài chim di cư từ phương bắc. Có tới hàng chục con gà lôi, diệc xám, hàng trăm con cò ngàng lớn, mồng két, và hàng nghìn con cò bợ, cò trắng, vạc tới kiếm ăn. Vào tháng 5, tháng 7, khách du lịch có thể quan sát những tổ chim le hôi và trứng của chúng trong các cành cỏ lác sát mép nước.
Không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước, Vân Long còn là nơi có nhiều cảnh quan và di tích văn hóa. Khu Vân Long có 32 hang động đẹp, nhiều hang động có giá trị phát triển du lịch như hàng Cá, hang Bóng, hang Rùa với chiều dài từ 100 - 250 mét.
Mỗi hang có một vẻ đẹp riêng nhưng đẹp nhất vẫn là hang Cá dưới chân núi Hoàng Quyển. Trong hang có nhiều loại cá trê, cá rô, cá chuối. Tương truyền, người xưa từng bắt những con cá chuối to nặng tới 50 kg.
Ðến với Vân Long, du khách không thể không đến thăm cây thị 600 năm tuổi, qua những đồng lúa đến thăm chùa Chi Lễ rồi đến chùa Mai Trung, đền Ðức Thánh Nguyễn, khu danh thắng chùa và động Ðịch Lộng, di tích đền thờ Ðinh Tiên Hoàng, đền thờ Thánh Ngọ, đền Mẫu thờ Tứ vị Hồng Nương là bốn vị tướng của Trưng Trắc, Trưng Nhị, chùa Thanh Sơn Tự ở lưng chừng núi, chùa Tập Ninh, thăm bức tranh đá ở vách núi Mèo Cào...
Dung hòa giữa bảo tồn và phát triển du lịch
Tình cờ, chúng tôi gặp anh Tomas, khách du lịch người Pháp. Anh cho biết đây là lần thứ hai trở lại Vân Long bởi anh rất mến phong cảnh miền quê êm ả nơi đây.
Tomas là người thích khám phá thiên nhiên, đi nhiều nơi trên thế giới. Những vùng đất hoang dã anh từng qua, để nhìn thấy những động vật có nguy cơ tuyệt chủng phải đi vài ngày ô-tô sau đó băng rừng, lội suối nhưng ở Vân Long, chỉ cần có cái tâm, có thời gian, cộng một chút may mắn, là có thể nhìn thấy từng đàn voọc trắng kiếm ăn và đùa giỡn với nhau trên những lùm cây, vách đá. Phải chăng vì thế mà Vân Long ngày càng hấp dẫn khách du lịch ngoại quốc?
Sau khi phát hiện khoa học về vùng đất nội thủy này, Trung tâm Tài nguyên Môi trường thuộc Viện Ðiều tra quy hoạch rừng xây dựng dự án bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái theo mô hình cộng đồng tự quản lý với sự tài trợ của Ðại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, tổng trị giá 44.000 USD. Có thể nói Vân Long là mô hình đầu tiên ở nước ta về cộng đồng tự quản lý môi trường thiên nhiên để phát triển du lịch sinh thái. Hiện nay, giai đoạn 2 của dự án trị giá 18 tỷ đồng tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được Viện Ðiều tra quy hoạch rừng soạn thảo và chờ Chính phủ phê duyệt.
Tiếng lành đồn xa, lượng du khách đến thăm Vân Long ngày một đông. Chỉ tính riêng năm 2006, đã có hơn 60 nghìn lượt khách du lịch tìm tới nơi đây. Nhờ vậy bộ mặt vùng thôn đã có nhiều thay đổi: đường giao thông, trường học, xưởng thủ công mỹ nghệ, chợ mới được nâng cấp và mở rộng, các khu nhà nghỉ dưỡng mọc lên.
Theo anh Trần Xuân Quang, Trạm trưởng khu du lịch Vân Long cho biết : Hiện nay, có năm dự án với số vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng tập trung vào các ngành nghề dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, các ngành nghề sản xuất. Hơn 500 lao động trong xã có thêm việc làm nhờ tham gia các dịch vụ du lịch.
Chị Khoe, người thôn Tập Vân là người chèo đò đưa chúng tôi trong suốt cuộc hành trình cho biết kể từ năm 2001, Vân Long được Nhà nước công nhận là khu bảo tồn, đời sống nhân dân quanh vùng khấm khá nhờ các dịch vụ du lịch. Từ khi tham gia chèo đò và các dịch vụ du lịch khác, vợ chồng chị có của ăn của để, nuôi cô con gái đang học Ðại học Ngoại ngữ năm thứ nhất ở Hà Nội và hai đứa nhỏ học phổ thông.
Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt của dịch vụ du lịch lại làm các nhà bảo tồn lo ngại. Ông Dglad Henri, Giám đốc dự án Bảo tồn Cúc Phương nói: "Voọc là loại linh trưởng rất quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu. Ðàn voọc ở đây được xem như là một quần thể lớn nhất ở Việt Nam hiện nay". Nhưng nếu xây dựng khách sạn và các dịch vụ vui chơi, giải trí khác quá gần với nơi cư trú của đàn voọc, tiếng ồn, ánh sáng của bóng điện có thể làm chúng bỏ đi.
Tiềm năng du lịch của Vân Long là rất lớn, cần được đầu tư và mở rộng. Tuy nhiên, để dung hòa tốt giữa bảo tồn và làm du lịch, các ban, ngành của Ninh Bình phải có chính sách đầu tư, xây dựng đúng đắn, vừa bảo đảm công tác bảo tồn đa dạng sinh học, vừa phát triển được kinh tế từ du lịch sinh thái. Ðây là một hướng đi phù hợp với quan điểm khoa học đương đại: bảo tồn để phát triển, muốn phát triển phải bảo tồn.
(Nhân Dân)
Các tin liên quan:
- Bạch Mã kỳ ảo (02-04-2007)
- Phan Thiết - miền biển xanh và cát vàng (28-03-2007)
- Đầu năm trẩy hội chùa Hương (26-03-2007)
- Thác Pác Ban - Huyền thoại giữa rừng Nà Hang (21-03-2007)
- Nha Trang - Khu du lịch Con Sẻ Tre (18-03-2007)
- Quyến rũ Ninh Thuận (09-03-2007)
- Thăm lại Vĩ tuyến 17 (06-03-2007)
- Khai hội xuân Yên Tử năm 2007 (01-03-2007)
- Mùa xuân Dambri (15-02-2007)
- Huyền thoại Dray Sap (01-02-2007)
Cập nhật 20-04-2007