Cảm xúc vùng cao
Từ Hà Nội lên Tây Bắc có thể theo đường số 6 lên Hòa Bình, rồi Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, sang Lào Cai, Yên Bái theo đường sắt trở về điểm xuất phát hoặc đi theo chiều ngược lại.
Dù đi theo đường nào thì đến cửa ngõ của vùng Tây Bắc là Hòa Bình hoặc Yên Bái hai bên đường vẫn là núi, là đồi, là rừng già bạt ngàn. Núi cao sừng sững, mạch núi kéo dài tận miền Trung, nối với dãy Trường Sơn chạy dọc Việt Nam vào tận miền Tây Nam Bộ. Núi ở Tây Bắc cao chất ngất, chọc thủng mây trời. Đỉnh cao nhất trong hệ núi Hoàng Liên là Phăng Xi Păng, cao 3.143 mét, được mệnh danh là mái nhà Đông Dương. Núi cao tạo nên những con đèo dài cả chục cây số như Pha Đin, Lũng Lô, hay Ô Qui Hồ, Mộc Châu. Thật thú vị, leo đèo mỏi gối chồn chân, nhưng rồi sẽ quên mệt khi lên đỉnh đèo mây vờn quanh người, mây quấn chân, cứ ngỡ mình bồng bềnh giữa biển mây, cứ ngỡ mình là tiên ông, tiên nữ đang lang thang dạo bước.
Và rừng. Rừng già, rừng tái sinh trải dài hút tầm nhìn. Dân gian có câu “rừng vàng” quả là đúng với rừng Tây Bắc. Rừng có lim, sến mà gỗ cứng như sắt như thép, không sợ nắng mưa, hoặc ràng lá kim như thông, pơ mu gỗ thơm nồng nàn ngây ngất say, rồi rừng tre, rừng nứa… Rừng Tây Bắc còn là nơi trú ngụ của nhiều loài thú quí, gấu, hổ, hươu, nai… Theo những khảo sát gần đây, trong hệ núi Hoàng Liên có đến 16 loài thú được ghi trong sách đỏ thế giới có nguy cơ tuyệt chủng đang cần được bảo vệ.
Giữa cảnh núi rừng thỉnh thoảng bắt gặp những đồng lúa rộng lớn như Mường Thanh, Quang Huy hay những đồi chè bạt ngàn ở Nghĩa Lộ, Yên Bái, những đồng cỏ nhởn nhơ đàn bò gặm cỏ như ở Mộc Châu…
“Chưa ai nói rằng chúng ta đã phát hiện ra tất cả sự giàu có của thiên nhiên Tây Bắc. Ngay cả vẻ đẹp của vùng lãnh thổ này cũng khó nhận thức được hết…” - đúng như điều mà nhà địa lý Lê Bá Thảo đã công nhận. Đi khắp miền Tây Bắc đâu đâu chúng ta cũng gặp những cảnh sắc đặc trưng kỳ thú của miền núi. Những nếp nhà trên cao kia là bản của người Mông, người Dao làm nhà ở lưng chừng núi, và người Thái, người Mường, người Nùng… dựng nhà sàn bên bờ suối, bên những nương lúa, nương ngô nơi chân núi. Bên sông Đà, sông Hồng dù đã có ca-nô, thuyền máy, nhưng vẫn bắt gặp các cô gái Thái, Mường trong bộ áo dài màu chàm lặng lẽ, khoan thai chèo con thuyền độc mộc có từ thời con người mới biết trồng trỉa, săn bắt.
Nếu được lên Tây Bắc vào mùa xuân quả là hạnh phúc. Mùa xuân Tây Bắc như được phủ trong màu trắng của hoa ban. Hoa nở trắng trời, trắng rừng, hoa xuống tận thung sâu, hoa trắng quanh ta. Những cánh hoa trắng muốt mỏng manh, hương thơm không gay gắt, chỉ dịu nhẹ thoang thoảng trong gió xuân. Người Mông, một dân tộc khá đông ở vùng Tây Bắc gọi hoa ban là hoa của người già: người già nhìn hoa ban mà ngỡ mình trở về thời son trẻ, đang ở độ tuổi thanh xuân của các cô gái mặc váy lanh trắng trẩy hội, hoặc xuống chợ cùng bạn tình.
Về mùa hè thì lên Sa Pa. Sa Pa nằm ở độ cao 1.600 mét, là một vùng khí hậu mát mẻ, thích hợp cho nghỉ ngơi. Nơi đây có thảm thực vật phong phú với nhiều loại hoa trái, với rừng mai rừng trúc, có cả rừng nguyên thủy.
Người Thái, người Mông, người Dao, người Tày, người Mường… là những chủ nhân ngàn đời của vùng Tây Bắc. Mỗi dân tộc có nét riêng trong cuộc sống, nhưng tất cả cũng có cái chung là cần cù, là sáng tạo. Mỗi dân tộc đều góp một phần vào kho tàng văn hoá hết sức phong phú, để lại một nền nghệ thuật với những bài ca, điệu múa và những huyền thoại, truyện thơ, trường ca đặc sắc. Chỉ với “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu) – thiên tình sử dài cả ngàn câu của người Thái hoặc hơn hai vạn câu trong bản trường ca “Đẻ đất đẻ nước” - thiên thần thoại xen lẫn dã sử của người Mường kể lại chuyện đất trời từ thuở hồng hoang khai thiên lập địa có thể thấy phần nào kho tàng văn hóa vô cùng giàu có của các dân tộc Tây Bắc.
Tây Bắc từ thuở hồng hoang thiên nhiên đã để lại bao điều kỳ thú, cho đến nay con người đã khai phá, đã hiểu nhiều điều, nhưng Tây Bắc vẫn mang trong nó những bí ẩn mà khó ai có thể hiểu hết.
(Báo Ảnh Việt Nam)
Các tin liên quan:
- Sông Hương, núi Ngự – linh hồn xứ Huế (24-04-2006)
- Đất Quảng quê tôi! (14-04-2006)
- Chợ Tình Khâu Vai (07-04-2006)
- Về miền đất nắng ngắm biển xanh và đền tháp (31-03-2006)
- Ba bể du lịch bốn mùa (24-03-2006)
- Núi Đọ sông Chu (21-03-2006)
- Cảnh đẹp Phú Ninh (13-03-2006)
- Mùa xuân - tìm về cội nguồn (03-03-2006)
- Quyến rũ đêm xuân bản Thái (16-02-2006)
- Con đường di sản miền Trung – nơi hội tụ văn hóa (20-01-2006)
Cập nhật 04-06-2007