Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 22:36

Sông Hồng Hà Nội

Sông Hồng mang đặc tính của từng mùa: khi trong, khi đục. Có người bảo sông Hồng mùa nào cũng đục. Nếu nói như ai đó thì quả là người ấy chưa biết sông Hồng, mới biết qua cái tên của nó.

 


Bến thuyền sông Hồng

Sông Hồng cuối mùa đông và giêng hai về mùa xuân nước cũng trong. Nhưng chất lượng nước trong sông Hồng Hà Nội không giống bất cứ nước trong của một dòng sông nào. Khi đỏ chói như pha son về mùa lũ, khi phớt hồng như hoa đào về mùa thu, khi mang màu vàng như hoàng hôn, như màu gạch của lũ sông Đà, sông Lô, sông Chảy trộn vào. Về mùa xuân, nước trong pha chút hồng nhẹ như má người con gái phớt nhẹ qua một chút phấn hồng. Ta phải lấy đôi bàn tay chụm vào nhau vục lấy vốc nước mới thấy cái màu đặc biệt không có ở bất kỳ một dòng sông nào. Sông mang tính dữ dội, hung hãn của mùa lũ, dáng lơ thơ, dìu dặt của mùa khô. Suốt cả một chiều dài của thành phố Hà Nội in bóng xuống dòng sông như một bức tranh hoành tráng vĩ đại.

Cuộc sống đời thường xô bồ, nhốn nháo, ít ai có một đôi lần ngắm dòng sông, ngắm cảnh sông mà cảm ơn ông cha ta đã có một tầm nhìn muôn đời, chọn vùng đất mở ra một kinh thành. Là người Hà Nội, ai đã có lần đứng bên này dòng sông ngắm sang bờ bắc và từ bờ bắc ngắm về Hà Nội, hay thong thả bước chân đi dạo trên mấy chiếc cầu để ngắm dòng sông? Phải chǎng cách nghĩ, sự thưởng ngoạn tao nhã không mất tiền mua, đó mới là sự giàu có của tâm hồn người Hà Nội thanh lịch.

 

Cụ Nguyễn Siêu, một thần thơ của thế kỷ trước, cảm xúc trước cảnh đẹp của Nhị Hà, hạ bút viết: "Tình khách chơi vơi bên bờ bắc. Mảnh trǎng lơ lửng phía đông dòng sông". Hai câu thơ trên, cụ Nguyễn như bảo với chúng ta: Phải từ bờ bắc mới thấy được, ngắm được toàn bộ kinh thành. Phải từ bờ bắc mới thấy được cảnh như hai câu thơ cụ viết tiếp: "áng mây rà thấp, bóng cây xa dòm nghiêng xuống nước. Bầu trời cao rộng lớn, ngồi lầu cao dễ chạm tới tầng xanh".

 

Còn bậc thánh thơ Cao Bá Quát, trong một buổi chiều tà đã phóng tầm mắt xem cảnh Nhị Hà, nhìn về Hà Nội: "Bức thành xây trên bụng rồng ngất trời hùng tráng. Dòng sông cuộn theo nước đỏ, thành làn sóng hoa đào....". Đọc thơ người xưa, đủ biết các bậc tiền danh nhân của đất nước không phải chỉ chú ý đến những cảnh đẹp của nội thành. Những hồ Tây, hồ Gươm, hồ Thiền Quang... Mặc dù người xưa đã có những bài thơ tuyệt bút về những cảnh đẹp những nơi ấy. Các cụ ta đã không quên dòng sông có "làn sóng hoa đào"! Thiên nhiên đã dành cho Hà Nội cả một dòng sông để con người xây nên những "lầu cao dễ chạm tới tầng xanh"...". Cha ông ta đã nhìn ra cái thế núi, hình sông, nơi "Rồng cuộn, Hổ ngồi (để) truyền lại cho con cháu muôn đời mai sau...", là chúng ta bây giờ được hưởng.

 

Quả vậy, nếu biết Hà Nội chỉ để biết cái đẹp trong nội thành, chưa một lần chiêm ngưỡng toàn cảnh sông Nhị với kinh thành, để thấy được tấm lòng và con mắt tinh đời của tổ tiên, phải chǎng cũng là có lỗi với người xưa lắm.

 

Lu-đê-mít, nhà thơ Hy Lạp, cách đây mấy thập kỷ, khi ông đến thǎm Việt Nam, lúc trở về nước đã gửi lại tấm lòng mình: "... Tôi quên sao được sông Hồng. Thêu sóng đỏ trên áo dài Hà Nội...". Phải chǎng thi nhân kim cổ đông, tây đã gặp nhau trong cảm xúc trước cảnh đẹp của Hà Nội và đặc biệt với sông Hồng Hà Nội.

 

Thủa sinh thời nhà thơ Quang Dũng, mặc dù đôi chân anh đã yếu vì cái bệnh thấp khớp quái ác, vẫn có những đêm trǎng dắt xe cùng nhóm nhà thơ đi bộ trên cầu Long Biên, về nhà một người bạn thơ bên bờ Bắc để được ngắm Hà Nội soi mình trên dòng sông Hồng. Anh nói với bạn "Không phải ngẫu nhiên mà vua Lý Thái Tổ dời đô về đây. Con mắt của nhà vua... (có lẽ Quang Dũng khó biết dùng chữ gì cho chính xác). Phải nhìn từ cái bờ bắc này mới thấy hết: Đêm trǎng-sông Hồng-thành phố. Trời! Tuyệt quá! Đúng là rồng đang lên!...". Mấy người bạn cứ ngồi lặng trong đêm nhìn về Hà Nội không biết chán. Suốt từ phía dưới cảng Vĩnh Tuy, phà Đen ngược lên Yên Phụ, cầu Thǎng Long, ánh điện lung linh, những ngọn đèn cao áp như những vì sao xanh, những ngọn đèn màu từ trong những cửa sổ nhà cao tầng, ngôi cao, ngôi thấp nhấp nhô như con rồng vàng uốn khúc đang bay lên. Những vì sao trên trời và đèn thành phố chen nhau dưới dòng sông như được làm bằng thạch đen. Những vì sao cho ta cảm giác đó là những bông hoa nhài thả bập bềnh trên sông, vầng trǎng là bông hồng vàng đang mở cánh. Ta như cảm thấy dòng sông thơm lên trong đêm, có thể bốc từng miếng thạch đen trong lòng bàn tay mà ǎn được. Và chất phù sa đang hoá thạch đen kia đang sóng sánh nâng lên, dập xuống những bông hoa là trǎng sao luôn luôn biến đổi khi tỏ, khi mờ bởi những áng mây ra thấp bị gió cuốn chuyển vận trên bầu trời.

 

Thỉnh thoảng trên mặt sông lại xuất hiện một vài cánh buồn, cái ngược, cái xuôi theo dòng nước lấp loá trǎng sao và ánh điện. Những vì sao và những ngọn đèn rẽ ra cho thuyền đi, sau đó sao và đèn lại cuộn lên sau bánh lái. Mấy con thuyền nhà chài, ngọn đèn dầu le lói trong khoang, cắm sào nằm im lìm trên cồn cát giữa sông, gợi lòng những khách thơ bên bờ nhớ tới Bạch Cư Dị thuở nào trên bến Tầm Dương. Quang Dũng như người sống trong mộng. Anh ngồi lặng yên, mắt đǎm đǎm nhìn về Hà Nội. Bỗng anh thốt lên: "Thật kỳ ảo! Thành phố lung linh trên sông nước, chúng mình cứ như ngồi trong một đêm trǎng cổ tích...". Quang Dũng nói rồi cười. Có lẽ anh cười cái chất lãng mạn của mình.

 

Thế kỷ 21 đang tới. Thủ đô Hà Nội chúng ta đang chuẩn bị mừng tuổi thứ 1000 nǎm khai sinh ra Kinh thành Thǎng Long. Những phương án phát triển thủ đô sang bờ bắc sông Hồng đang còn nằm trong trí tuệ và tâm hồn, trái tim những con người yêu đất rồng lên. Sang thế kỷ sau ấy, không những sông Hồng mà cả một vùng sông Đuống sẽ nằm trong nội thành. Những phố phường ven những ngả sông Hồng, sông Đuống, ta chỉ hình dung ra trong trí tưởng tượng thôi, cũng đã thấy Hà Nội ngày mai là một bức tranh rực rỡ trong đầu. Hẳn những quãng sông sẽ mọc thêm những cây cầu mới, cho xe pháo đi về không phải đi vòng lên, vòng xuống những nẻo đường cầu xa nhau. Và những đêm trǎng, người bờ nam kẻ bờ bắc muốn dạo gót trên cầu ngắm cảnh trǎng sông thủ thỉ tâm tình cùng nhau, hẳn sẽ là cái thú của nhiều người.

 

Thanh Hào

Tạo bởi phuongthuan
Cập nhật 02-07-2007
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin