Ninh Thuận - điểm đến của thiên niên kỷ mới
Thiên nhiên Ninh Thuận là một bức tranh hài hòa giữa đồng bằng, đồi núi và biển cả sông dài với các thắng cảnh di tích nổi tiếng khắp nơi như: bãi biển Ninh chữ, vịnh Vĩnh Hy, bãi biển Cà Ná, suối Thương, suối Tiên, bãi biển Cà Tiên, đèo Ngoạn Mục, những tháp Chăm bí ẩn vẫn còn nguyên vẹn...
Đến Ninh Thuận du khách sẽ có chuyến du hành thú vị với nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như: tắm biển, nghỉ dưỡng, tắm suối nước nóng, du thuyền, leo núi, dự lễ hội của người Chăm...
Hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nhà hàng khách sạn được thiết kế tiện nghi, hiện đại đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước. Những tuyến đường nội bộ trải nhựa giờ đây sáng loáng dưới ánh đèn cao áp như những ánh mắt đầy tự tin của Thị xã Phan Rang - Tháp Chàm hướng tới tương lai.
Người Chăm sống chan hoà giữa các dân tộc, trải qua thời gian vẫn giữ bản sắc văn hoá với phong tục tập quán đậm nét truyền thống. Người Chăm có hai tôn giáo Bàlamôn và Hồi giáo. Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, duy trì việc cúng tế thần linh ở đền tháp, thánh đường. Hai cộng đồng người Chăm sống hoà thuận với nhau.
Về thăm làng gốm Bầu Trúc và dệt Mỹ Nghiệp Chăm, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên và thán phục trước vẻ đẹp duyên dáng của những thiếu nữ Chăm chân bước thon thót trong trang phục váy dài chấm gót truyền thống, dãi khăn thổ cẩm muôn màu sắc quấn trên đầu với những vò nước trong được đặt bên trên mà không phải nhờ đến đôi bàn tay khéo đan dệt kia vịn giữ.
Ninh Thuận là vùng đất của gió, của nắng, của những đồi cát ngút ngàn bụi tung mờ ảo, của những bãi biển xinh đẹp ngàn đời sóng không ngừng vỗ về tâm sự cùng bờ cát trắng, của những truyền thuyết dân gian đầy bí ẩn. Cái nắng nồng nàn như đổ lửa, cái nắng hanh hao khô hạn của biển trời Ninh Thuận trở nên quá đỗi diệu kỳ, khi trên những triền cát bỏng, từng khóm xương rồng thân gai góc vươn cao, quanh năm tích tụ khí thiên nhiên trời đất, vặn thân mình cho những cánh hoa sắc màu đỏ lửa bừng tạo nên những dấu son duyên dáng cho vùng đất nắng. Hoa xương rồng trên cát nắng Ninh Thuận như một nét duuyên dáng ngầm của cô gái vùng thôn dã, khiến du khách càng ngắm càng yêu, càng nhìn càng say đắm.
Đến với Ninh Thuận, đắm mình trong làn nước biển xanh, bạn bớt chút thời gian ghé làng gốm cổ nhất ở Đông Dương - làng gốm Bầu Trúc, nơi lưu giữ nghệ thuật chế tác gốm của người Chăm. Người Chăm không dùng lò để nung gốm, mà dùng rơm rạ củi khô chất thành đống, đốt lên để nung.
Ngày nay khi người ta dùng bàn xoay để nặn gốm, thì người thợ gốm Chăm vẫn dùng đôi tay khéo léo để tạo những tác phẩm gốm tuyệt vời mà ít nơi nào có được. Phải được nhìn tận mắt, bạn mới cảm nhận hết được những điều mà người thợ gửi gắm qua sản phẩm của mình. Người ta lấy đất sét ở sông Quao trộn với cát đặt lên bàn kê rồi nắm từ trong ra ngoài sao cho tròn đều. Màu trang trí mặt gốm từ đất thổ hoàng, trái dông và trái thị. Hoa văn trên thân gốm được tô điểm bằng cành cây, hay thân tre nhỏ đơn sơ. Chỉ bấy nhiêu thôi mà gốm Chăm, vượt thời gian để làm đẹp thêm cho cuộc sống ồn ào này.
Như được kết tinh bù đắp cho cái nắng, cái gió của Ninh Thuận, những giống nho trồng nơi đây lại đặc biệt ngon ngọt, trái trĩu oằn giàn trở thành đặc sản nổi tiếng. Đến thăm vườn hoa xanh tươi trái trĩu kín giàn, bạn mới cảm nhận hết sự kỳ diệu của thiên nhiên qua bàn tay chăm chỉ của người dân nơi đây.
Buông mình từ giàn cao, vô vàn những chùm nho trái căng mọng nước sẽ khiến bạn phải bật reo thích thú. Nho Ninh Thuận có hai giống: nho đỏ và nho xanh trái dài. Cả hai giống này đều cho trái ngọt, nhiều nước là món giải khát hấp dẫn của du khách. Với diện tích trên 1.500ha, Ninh Thuận đã trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng nho. Từ những giàn nho xanh, nhiều sản phẩm đặc trưng Ninh Thuận đã ra đời như rượu nho, mật nho... giàu dưỡng chất đã trở thành những món quà Ninh Thuận đầy ý nghĩa của mảnh đất miền Trung này.
Ngoài đồi cát di động Phước Dinh, Ninh Thuận còn có các đồi cát đẹp nổi tiếng không kém như đồi cát Nam Cương với những luống cát trắng mịn chạy dọc bờ biển lúc nhô cao, lúc thấp bằng trắng loá trong nắng. Điểm trên nền cát trắng là những cụm xương rồng vây, xương rồng thân mập, những rặng dương cong mình đón gió. Như trong cổ tích, thỉnh thoảng xuất hiện những thiếu nữ Chăm đội bình lấy nước trên đầu, dáng đi uyển chuyển băng ngang đồi cát khiến bạn cảm thấy như lạc vào xứ sở nghìn lẻ một đêm kỳ ảo.
Nếu như đồi cát Nam Cương mang màu trắng tinh khôi, thì đồi cát Phước Hải lại mang màu đỏ ân tình làm du khách không khỏi ngạc nhiên và thích thú. Nếu may mắn du khách sẽ được 'diện khiến' với 'chủ nhân' của vùng cát đỏ Phước Hải đầy tinh nghịch và kỳ lạ, đó là loài nhông cát, thấy người là bành cổ lên như muốn hỏi 'Bạn từ đâu đến!'...
(Theo Ninh Thuận)
Các tin liên quan:
- Phố Hoa sữa (26-11-2008)
- Vườn Quốc gia Bạch Mã (17-11-2008)
- Buôn Ma Thuột ngày ấy và bây giờ (14-11-2008)
- Suối Ba Li (13-11-2008)
- Thành phố trẻ miền Sơn cước (11-11-2008)
- Tản mạn sông Hàn (18-08-2008)
- Hãy khám phá và bầu chọn cho kỳ quan Việt Nam (11-08-2008)
- Người Dáy ở Ma Lé (16-10-2007)
- Núi Cấm - Điểm hẹn xanh vùng Bảy Núi (09-10-2007)
- Phố cổ Hà Nội - Di sản văn hóa quốc gia (20-09-2007)
Cập nhật 14-08-2007