Ngược dòng sông cổ tích
Điểm tập kết nằm trên khúc sông Hồng đoạn ngõ Chương Dương Độ (Hà Nội). Dưới bến, một ngôi nhà nổi trên cầu phao nhấp nhô, mấy chiếc tàu sơn trắng nằm yên dưới ụ. Con tàu khám phá sông Hồng mới tinh, được trang bị đầy đủ “đồ chơi” (karaoke, nhà hàng, bàn ghế ngắm cảnh...).
Điểm đến đầu tiên cách nơi xuất phát độ 15km, tàu chạy rỉ rả hơn 2 giờ mới cập một khúc đê vắng thuộc địa phận tỉnh Hà Tây. Đi bộ thêm một đoạn, đền Dầm (thờ Mẫu Thủy, là một trong ba thánh mẫu của văn hóa tâm linh VN, bên cạnh Mẫu Đệ thiên và Mẫu Núi rừng) hiện ra uy nghi khuất sau hàng cổ thụ trăm tuổi. Đền khá rộng, kiến trúc cổ, cột gỗ mái ngói xưa cũ màu thời gian. Khuôn viên đền thoáng đãng, cây trên trăm tuổi.
Đền Dầm gắn liền truyền thuyết “Hoàng Long công chúa bị đày vì làm vỡ chén ngọc được chàng Liễu Nghị giải oan. Để trả ơn, nàng đã hiện lên báo mộng giúp Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đánh thắng giặc ngoại xâm”.
Đền Đại Lộ gần đó - đi bộ một đoạn ngắn là đến - lại là một chuyện tình bi thương của “nhà sư trót yêu hoàng hậu đã nhảy xuống sông tự vẫn cho trọn đạo. Hoàng hậu, hai công chúa và nhũ nương thương khóc cũng gieo mình xuống sông, xác trôi về cửa sông xứ Nghệ. Vua Trần Anh Tôn cho lập đền thờ ở hầu hết cửa sông, cửa biển”.
Không gian trong lành, yên tĩnh, tách hẳn cái náo nhiệt, chật chội của Hà Nội. Vừa nghe cô đào mặc áo tứ thân í a bài quan họ tình tứ, một du khách Hà Nội tâm sự: “Mấy khi được như vậy. Tôi đưa cả gia đình hơn chục người cùng đi tour này. Với người già là hoài niệm, còn với đám trẻ là bài học lịch sử quí giá...”.
Mùa này dòng sông đỏ đặc phù sa, đúng nghĩa của... sông Hồng. Những cánh đồng ngô, những giàn bầu giàn bí, những chiếc thuyền nan... lững lờ trôi dọc hai bên lở bồi. Bình yên lạ lùng.
Chặng đường về (các tour thường đi về trong ngày), hầu hết du khách thích ghé làng gốm Bát Tràng. Có người đã bao lần đến Bát Tràng mà vẫn thấy lạ khi tàu cập bến sông, men theo lối nhỏ đi vòng vèo trong khu làng cổ...
Ấn tượng nhất có lẽ khi tàu chuẩn bị cập bến thăm đền Chử Đồng Tử. Một bờ đê thẳng tắp, sạch sẽ, bên phải có cái tháp đón ẩn mình trong vườn cây trái sum sê trĩu quả, ve hát vang trời... làm du khách rộn ràng.
Dân gian thích gọi đền này là đền thờ tình yêu hơn vì đây chính là nơi công chúa Tiên Dung gặp gỡ chàng Chử Đồng Tử nghèo. Đền to và tuyệt đẹp, kiến trúc hầu như nguyên vẹn từ năm 1848 khi Chu Mạnh Trinh đỗ tiến sĩ về làng và cho xây dựng lại đền.
Khách dạo đền như đi trong cổ tích, trong bóng mát của hàng cây cổ thụ xanh tốt, tỏa bóng mát rượi. Cổng đền được chạm khắc công phu, hai bên là hai tháp chuông rêu phong cổ kín. Hai gian nhà thờ còn nguyên những bức hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng. Chính giữa đặt tượng thờ Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân (?!).
... Chuyện ngày xửa ngày xưa theo dòng quá khứ ngược về ngập tràn lòng du khách, và cả những chuyện cổ tích dân gian thú vị mà dù có thuộc lịch sử mấy cũng không thể biết hết được. Đến đây, du khách nghe nói chàng Chử Đồng Tử có đến... hai bà vợ; biết được làng gốm Bát Tràng được hợp thành từ hai họ Bồ Bát và Minh Tràng...
(Tuổi trẻ)
Related news:
- Khám phá thiên nhiên Vườn quốc gia Pù Mát (23-11-2006)
- Lạng Sơn - Nơi địa đầu Tổ quốc (15-11-2006)
- Khu du lịch biển Hội An (08-11-2006)
- Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (01-11-2006)
- Hà Tiên - huyền thoại cảnh sắc (30-10-2006)
- Du lịch Hòa Bình, cửa ngõ miền Tây Bắc (09-10-2006)
- Nhớ Huế (03-10-2006)
- Hương sắc vùng Đất Mũi (20-09-2006)
- Bát Tràng tiếp cận thị trường (14-09-2006)
- Đến thăm Mũi Né -Bình Thuận (07-09-2006)
Last modified 21-08-2007