Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ ba, 24/12/2024 1:58

Núi Cấm - Điểm hẹn xanh vùng Bảy Núi

Ngành du lịch An Giang đã và đang bừng lên sức sống mới với khá nhiều công trình, khu quy hoạch đã được thực hiện, tạo chuyển biến mạnh mẽ nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Lâm viên núi Cấm là một điểm du lịch đặc sắc của địa phương.



Tượng Phật Di Lặc vừa mới hoàn thành trên đỉnh núi Cấm

Núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, là một ngọn núi cao, đẹp và hùng vĩ nhất của vùng Thất Sơn. Theo truyền thuyết, thời xa xưa, ngọn núi này là nơi hiểm trở, âm u, nhiều thú dữ nên các quan chức địa phương cấm người lên núi săn bắn, hái lượm, nên có tên là núi “Cấm”. Thuyết khác cho rằng, lúc Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi phải lên đây lánh nạn đã truyền lệnh cấm dân chúng lai vãng trên ngọn núi này...

Ngày nay, núi Cấm là một khu du lịch tuyệt vời nhờ có nhiều danh lam thắng cảnh. Khí hậu trên núi Cấm chịu ảnh hưởng nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình 25oC, lý tưởng nhất là vào mùa xuân, cây cối xanh tươi, sản vật dồi dào... Trời về đêm lành lạnh, sương trắng phủ đầy giống như cao nguyên Lâm Viên nên núi Cấm còn được mệnh danh là Đà Lạt 2.

Dọc theo những lối mòn từ chân núi lên tới đỉnh có suối Thanh Long, điện Cây Quế, hang Ông Thẻ, suối Tiên, động Thủy Liêm, đặc biệt là điện 13 tầng, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long. Người xưa gọi ngọn núi này là Thiên Cẩm Sơn vì ngoài những di tích tôn giáo, tín ngưỡng, còn có môi trường thiên nhiên hấp dẫn, cây lá bốn mùa tạo nên một bức tranh “cẩm tú sơn kỳ”, nổi tiếng với nhiều thắng cảnh như Vồ Thiên Tuế, Vồ Sân Tiên, Vồ Chư Thần, Vồ Ông Bướm, Vồ Bà, Vồ Đầu, cao nhất là Vồ Bò Hong (716 mét). Vồ Bò Hong về đêm sương mù phủ trắng và lạnh nhất vào mùa đông. Đứng tại nơi được coi là nóc nhà của Đồng bằng sông Cửu Long này, khách tham quan có thể phóng tầm mắt nhìn xuống toàn cảnh những cánh đồng lúa mênh mông đến tận vùng biển Hà Tiên và biên giới Tây Nam.

Cảnh quan tươi đẹp và những rừng cây thoáng mát với nhiều gốc cổ thụ trăm năm, sừng sững giống như những tán dù khổng lồ đã tạo cho núi Cấm trở thành một khu du lịch sinh thái lý tưởng. Lên núi Cấm, ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh của núi rừng Tây Nam, thưởng thức hương vị ngọt ngào của các loại trái cây được trồng nơi đây như xoài, mít, chuối, sầu riêng, bơ, mãng cầu... khách tham quan và khách hành hương còn có dịp dừng chân nơi các quán võng tha hồ nghe tiếng suối róc rách hoặc ngủ đêm tại các quán trọ để lắng nghe hơi thở của núi rừng. Nếu có thời gian, du khách sẽ viếng thăm các danh lam có từ lâu đời như chùa Phật Lớn, chùa Phật Nhỏ, Trung Sơn Thiên Tự, nổi tiếng nhất là chùa Vạn Linh, một ngôi chùa cổ xưa đã được trùng tu nhiều lần vì chiến tranh tàn phá. Năm 1929 Hòa thượng Thích Thiện Hạ Quang chỉ dựng lên một cái am bằng cây lá đơn sơ để tu hành. Năm 1940, cái am nhỏ đó trở thành chùa Vạn Linh. Đến năm 1995, chùa mới bắt đầu xây dựng lại thành một quần thể kiến trúc tôn giáo qui mô, ấn tượng nhất là ba ngôi bảo tháp trước tiền đường, mái Quan Âm Các chín tầng tạo nên một cảnh quan trang nghiêm và trầm mặc.

Tháng 10 năm 2003, ban quản trị chùa Phật Lớn cho thi công tượng đài đức Phật Di Lặc cao 33,60 mét, sừng sững giữa một vùng cây cối xanh um, mặt hướng về chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh. Tượng Phật Di Lặc vừa mới hoàn thành trong năm 2006, kỳ thú nhất là khách tham quan đứng ở bất cứ nơi nào trên các vồ núi cũng đều nhìn thấy. Có người nói từ bốn phương tám hướng, đứng ở nơi nào cũng nhìn thấy tượng Phật trắng uy nghi giữa một không gian xanh ngắt. Đây là một công trình nghệ thuật tôn giáo đồ sộ nhất từ trước tới nay trên vùng Bảy Núi – có người nói đây là tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á.

Hiện nay, tỉnh An Giang cho tráng nhựa tuyến đường mòn từ chân núi đến chùa Phật Lớn. Đây là tuyến đường chính giúp khách hành hương vừa rút ngắn cuộc hành trình vừa đỡ vất vả. Trong tương lai, sẽ có thêm các loại hình giao thông từng đoạn như cáp treo, xe ngựa... Khu du lịch cũng sẽ ra sức bảo tồn rừng nhiệt - ôn đới, gồm cây, thú, rừng đặc chủng, rừng hỗn giao, rừng trồng để xanh hóa môi trường và làm phong phú cảnh quan, đồng thời mở thêm các cụm dịch vụ du lịch với các khu nghỉ dưỡng, khu di tích và làng văn hóa, khu du lịch hành hương với diện tích cả ngàn hec-ta, đặc biệt là khu chùa Vạn Linh nằm cạnh khu rừng bốn mẫu trồng toàn tràm bông vàng và keo tai tượng, quanh năm xanh mát. Khi chùa Phật Lớn được trùng tu, nâng cấp, hồ chứa nước 60.000m3 đưa vào sử dụng, núi Cấm sẽ hình thành nét hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với cảnh quan nhân văn, giữa công trình kiến trúc và công trình thiên tạo, thật sự trở thành khu du lịch sinh thái, văn hóa, giáo dục, lịch sử của Đồng bằng sông Cửu Long.

 

(Báo Cần Thơ)

Tạo bởi phuongthuan
Cập nhật 09-10-2007
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin