Sự bí ẩn của hang động

Theo các nhà khoa học địa chất, Việt Nam có các nhóm đá vôi sinh thành trong thời kỳ từ Cambri giữa đến Devon giữa (khoảng 500-520 triệu năm trước). Quá trình hình thành đá vôi tạo ra các hang động, cấu tạo từ đơn giản đến phức tạp, sâu hàng chục đến hàng trăm mét (hang Cống Nước - huyện Tam Đường - tỉnh Lai Châu dài 602m); dài vài chục mét đến hàng chục km (hệ thống hang động ngầm Phong Nha - Kẻ Bàng - tỉnh Quảng Bình). Nhiều khối đá lớn có mạch nước ngầm đá vôi lưu chuyển bên trong, tạo nên những dòng sông ngầm kỳ vĩ. Các kết tủa canxi (CaCo3) trong hang động tạo nên những thạch nhũ như chuông đá, rèm đá, riềm đá, cột đá, măng đá, v.v....

Phong Nha - Kẻ Bàng
Hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng có tổng chiều dài hơn 40km. Riêng động Phong Nha dài trên 7.700m gồm 14 hang do con sông ngầm hòa tan đá vôi tạo thành. Đặc điểm độc đáo của các hang động nhiều nơi rất phát triển và liên thông với nhau, không chỉ trên mặt đất mà còn ngầm dưới sâu. Các vùng đá vôi còn có hệ sinh thái rất đa dạng và độc đáo, nhiều vùng còn bảo tồn được nhiều loài động thực vật quí hiếm. Ngày nay, khi việc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường ngày càng trở nên quan trọng thì các vùng đá vôi chính là nơi cần đạt tới một sự hài hòa về bảo tồn và phát triển.
Hang động chứa đựng nhiều thứ như một bảo tàng sống của nhân loại. Người ta có thể tìm thấy dấu tích của những loài động thực vật đã bị diệt chủng, di tích của những người tiền sử cùng những lớp nham thạch, những tầng địa chất biến động hàng triệu năm về trước. Hang động đá vôi có dấu tích con người đã được phát hiện và nghiên cứu ở nhiều nơi như Lạng Sơn, Yên Bái, Hòa Bình. Trong các lớp trầm tích trong hang ở Mãn Đức (tỉnh Hòa Bình), các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều di chỉ hóa thạch người tiền sử Homo erectus và Homo sapiens; một số loài động vật có vú cũng như những dụng cụ lao động, săn bắn, nấu nướng...
Ngày nay các nhà khoa học đã có thể lý giải những tiếng động bí ẩn trong hang là do hiện tượng sôi trong lòng đất tạo nên tiếng “gào thét” của ma quỉ; không khí ẩm và nóng bốc ra gặp áp suất thông thường của khí quyển tạo âm điệu những tiếng thở “phì phò” của những con quái vật trong hang. Những loài động vật sống trong hang động có thị giác rất kém như loài cá chép sống trong hang ở xã Cẩm Lương (tỉnh Thanh Hóa) thị lực gần như mất hẳn, những lúc ra ngoài chúng chỉ quanh quẩn chen kín ở cửa hang đông đặc rồi lại quay vào mà không hề thoát ra sông. Những người dân ở đây gọi loại cá này là cá thần.
Các vùng núi đá vôi tuy địa hình hiểm trở, hẻo lánh, đi lại khó khăn, nhưng có nhiều hang động đẹp, hệ sinh thái rất đa dạng và độc đáo, lịch sử phát triển địa chất phong phú... nên từ xưa chúng đã từng được biết đến với những cảnh quan làm mê đắm lòng người. Các vùng đá vôi chứa đựng nhiều giá trị đa dạng sinh học cao: hệ thực vật vừa nhiều về số lượng, giống loài, vừa có mật độ cao. Nhiều loài động vật quí hiếm đã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam như sao la, khỉ vượn, voọc v.v... chỉ có thể tìm được ở những vùng núi đá vôi. Trên diện tích 220 km2 ở Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình) có 1.944 loài bậc cao thuộc 224 họ; tại Phong Nha - Kẻ Bàng có 876 loài bậc cao, 259 loài bướm; vùng đá vôi Ba Bể - Bắc Kạn rộng 137 km2 có tới 417 loài động vật, thực vật bậc cao...
Hệ thống núi đá vôi đã và đang chứa đựng một tiềm năng du lịch to lớn như, du lịch sinh thái, du lịch địa chất, du lịch mạo hiểm.... Đây là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc ít người với nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc. Các hang động ngầm của Việt Nam cũng là một tiềm năng du lịch đang được khai thác. Cùng với những nét độc đáo của cảnh quan thiên nhiên, những đặc trưng văn hóa - xã hội, hang động Việt Nam đã, đang và sẽ đem đến nhiều điều ngạc nhiên, thích thú cho những người ưa thích khám phá vùng đất này.
(Báo Ảnh VN)
Cập nhật 05-11-2007