Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ ba, 24/12/2024 9:30

Tản mạn sông Hàn

Đà Nẵng có biển, và vốn nơi nào có biển, nơi đấy cũng có một chất mặn mòi. Từ trên cao nhìn xuống, đường bờ biển Đà Nẵng xanh và cong như một bờ lưng con gái thon thả. Thế nhưng có lẽ nét mềm mại nhất của Đà Nẵng không nằm ở biển, mà chính ở sông Hàn.

 


Dòng sông ngập tràn ánh sáng

  

Tôi thích cái mờ sương của những buổi sáng sớm. Dòng sông Hàn yên lành, lặng lẽ. Hai bên dòng sông, những người lại qua thưa thớt, họ đi bộ, hay có thể chỉ là tìm một chút thảnh thơi. Lúc ấy, dòng sông trễ nải trong màu xanh, trong màn sương, trong những tia nắng đầu tiên của một ngày. Giữa thành phố đang ngái ngủ, đường phố vắng lặng, dòng sông dường như cũng chẳng dám cựa mình. Và những khách lãng du như tôi cũng dường như nín thở.

 

Nhưng đẹp nhất sông Hàn, phải là khi đêm về.

 

Tôi đã đến Đà Nẵng trong một đêm pháo hoa, mọi thứ quá chừng lung linh. Trong ánh sáng chói loà, trong những đợt pháo hoa rợp trời, cả dòng sông ngập đầy ánh sáng, và bồng bềnh những đoá hoa đăng. Như trong những giấc mơ kì diệu nhất, dòng sông lên ngôi, cây cầu như một chiếc vương miện ngập đầy tinh tú. Không phải người nơi đây mà tôi đã nhìn dòng sông với xiết bao tự hào, yêu mến.

 

Cứ ngỡ khi mọi lộng lẫy qua đi, thì dòng sông sẽ nhạt nhoà trong mọi đêm khác. Nhưng không phải. Tôi đã đi bộ suốt dọc vỉa hè bên con sông Hàn vào những đêm khuya. Đã ngồi trên những ghế đá, nhìn dòng sông lặng lẽ trôi, nghe gió lùa trong tóc. Tôi đã đi xích lô qua hết những phố phường Đà Nẵng, để rồi điểm cuối cùng vẫn là dòng sông Hàn.

 

Hàn, trong tiếng Hán, có nghĩa là "lạnh". Nhưng tôi đã không thấy dòng sông này lạnh lẽo. Dẫu rằng, đã có lúc tôi đứng đó mà lòng ngập đầy cô đơn và thương nhớ.

 


Chiếc cầu quay... và dòng sông vẫn chảy

 

Cây cầu bắc qua sông Hàn là một trong những cây cầu đẹp nhất, và cũng đặc biệt nhất Việt Nam. Người ta gọi nó là cầu Sông Hàn, hoặc một cái tên giản dị và thân thiết hơn: Cầu quay. Cái tên này nếu người nào chưa biết sẽ thấy tò mò, còn khi biết rồi, thì lại thấy cái tên đó thật … đúng. Vào 1h30 hằng đêm, các khớp nối của cây cầu rời ra, và cây cầu sẽ tự động xoay một vòng.  Đến khoảng 4h, thì cây cầu lại quay trở lại vị trí cũ. Người ta nói rằng, đó là để cho tàu bè qua lại được dễ dàng.

 

Mỗi lần đứng trên cầu, nhìn cây cầu tự rời xa, và từ từ xoay đi, tôi hay nghĩ về bàn tay, khối óc kì diệu của con người. Đến cả những thứ tưởng như vững chãi, bất định như cây cầu này mà cũng có thể xoay chuyển, thì tất cả mọi thứ đều có thể thay đổi. Nhưng rồi, tôi lại nghĩ, thật ra có những thứ không thể thay đổi. Như dòng sông Hàn này vậy. Nó sẽ vẫn chảy trôi qua bao thăng trầm, dù thành phố này ngày mai, ngày mốt, sẽ có thể khác đi…

 

Tôi đã có 2 đêm ngồi trên cầu đợi chiếc cầu quay. Trên tay là chiếc bánh bao nóng, thơm lừng mùi tiêu hay một chiếc bắp bốc khói. Tôi ngồi đó và nhìn dòng sông mềm mại cần mẫn chảy, nhìn hai bên dòng sông, sức sống hừng hực của một ngày đã lặng xuống, chỉ còn những ánh đèn, những hàng cây, những tấm biển Pano, và cảm nhận hơi thở phập phồng của một đêm Đà Nẵng trọn vẹn, rất đỗi ngọt ngào.

 

Ly Phong
(Theo Thể thao Việt Nam)

Tạo bởi phuongthuan
Cập nhật 18-08-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin