Đồ gốm trong Hoàng thành Thăng Long |
||||||||||||||||||||||||||||
Cùng những phát hiện quan trọng về các dấu tích kiến trúc, một số lượng lớn đồ gốm sứ là những vật dụng dùng hàng ngày trong Hoàng cung qua nhiều thời kỳ cũng được tìm thấy. Những khám phá này đã thực sự mở ra một cánh cửa mới cho việc nghiên cứu về gốm Thăng Long và gốm dùng trong Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại.
|
||||||||||||||||||||||||||||
Bài viết này sẽ giới thiệu đôi nét và chủ yếu về sưu tập gốm men Việt Nam thời Lý, Trần và thời Lê. Gốm thời Lý Những đồ gốm thời Lý tìm được trong khu vực Hoàng Thành là những bằng chứng quan trọng để có thể nói rằng: thời Lý Việt Nam cũng đã sản xuất được những đồ gốm tinh xảo không thua kém đồ gốm Tống Trung Quốc. Trước đây khi chưa có những bằng chứng này, nhiều học giả nước ngoài vẫn nghĩ rằng: ngoài gốm hoa nâu thì các loại gốm khác của thời Lý chủ yếu được du nhập từ Trung Quốc. Họ không tin thời Lý đã có thể sản xuất được những loại gốm men trắng và men ngọc tinh xảo như gốm thời Tống. Nhiều sưu tập gốm Việt Nam thời Lý do người Pháp đào được tại Thăng Long vào đầu thế kỷ XX từng được gọi là gốm Tống với hàm nghĩa đó là đồ gốm của Trung Quốc thời Tống. Một số học giả Việt Nam cũng từng đưa ra quan điểm tương tự. Họ cho rằng thời Lý công nghệ sản xuất gốm sứ chưa phát triển, do đó, những loại gốm men trắng và gốm men xanh ngọc của thời kỳ này thường được xếp vào hệ gốm Tống.
Nhưng những quan điểm đó giờ đây đã không còn đứng vững bởi những chứng cứ mới đầy sức thuyết phục được tìm thấy tại khu vực khai quật. Tại nhiều vị trí, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều đồ gốm sứ cao cấp men trắng, men xanh lục, men ngọc, men nâu và men vàng thời Lý. Men trắng Lý có độ trắng mịn và óng mượt như gốm Tống và phần nhiều về chất lượng đã đạt tới trình độ sứ như sứ Tống. Nhiều tiêu bản cho thấy thời Lý cũng sản xuất loại gốm men trắng xanh và có hoa văn như gốm Nam Tống lò Cảnh Đức Trấn. Sự khác nhau giữa gốm trắng Tống và gốm trắng Lý chủ yếu được nhìn nhận qua sắc độ đậm nhạt của màu men hay xương gốm và kỹ thuật tạo dáng. Đây cũng là đặc điểm khó phân biệt giữa gốm trắng Lý với gốm trắng Tống. Nhưng nếu có được cái nhìn hệ thống từ những đồ gốm trắng Lý đích thực, thuần Việt qua đồ án trang trí hình rồng và hoa lá mà phong cách của nó giống hệt như những hình chạm khắc trên đá trong kiến trúc chùa, tháp thời Lý (tháp Chương Sơn, chùa Phật Tích), chắc chắn ta sẽ cảm nhận được đầy đủ và rõ ràng hơn về gốm men trắng Lý.
Mảnh bệ tháp sứ trắng trang trí hình rồng (Hố Bia) và mảnh bệ tháp sứ trang trí hình tiên nữ (Apsara) (Hố B16) là minh chứng sinh động, cho thấy trình độ phát triển rất cao của công nghệ sản xuất đồ sứ trắng thời Lý. Bằng chứng thuyết phục khác là trong số đồ sứ trắng Lý tìm được trong Hoàng thành có những loại bát, đĩa, nắp hộp, đài sen... bị méo hoặc cháy do quá lửa cho thấy nó được sản xuất tại chỗ. Suy đoán này được khẳng định rõ khi tại các hố ở Khu D đã phát hiện được hàng nghìn mảnh bao nung gốm cùng nhiều loại con kê, dụng cụ thử men, đặc biệt là những đồ gốm lớn bị sống men, như chiếc đĩa có đường kính miệng 39,5cm ở hố D5, cho thấy khả năng có những lò sản xuất gốm thời Lý ở đâu đó quanh khu vực này. Bằng chứng quan trọng về gốm men ngọc Lý là nhóm bát, đĩa trang trí văn in hoa cúc dây như kiểu gốm Tống và nhóm bát, đĩa khắc chìm hoa sen mang phong cách Việt đặc trưng. Đây là loại gốm có chất lượng cao, men phổ biến có màu xanh ngọc sắc đậm, xương gốm trắng, mịn và có nhiều điểm khác biệt so với gốm thời Trần về kỹ thuật tạo chân đế. Bằng chứng sản xuất tại chỗ của loại gốm này cũng được khẳng định rõ qua những đồ gốm phế thải, đặc biệt là qua những mảnh khuôn in hoa cúc dây phát hiện được ở hố D6. Hoa văn trên khuôn in này có phong cách như hoa văn trên đá men ngọc tìm thấy trong lòng giếng thời Lý ở hố A10 và cả hai đều phản ánh sự ảnh hưởng khá đậm phong cách trang trí hoa cúc dây của gốm Tống. Theo nhiều tư liệu thì hoa cúc dây kiểu này là loại hoa văn kinh điển của gốm Tống Trung Quốc, có niên đại từ 1090 đến 1096. Dựa vào bằng chứng tin cậy này ta có thể nhận diện chân xác về gốm men ngọc Lý. Phát hiện có ý nghĩa lớn về gốm thời Lý trong Hoàng thành Thăng Long là nhóm đồ gốm men xanh lục (vert glazed). Đây là dòng gốm có màu men quyến rũ, hoa văn trang trí đẹp với các đề tài hoa lá, trong đó có những đồ tinh xảo trang trí hình rồng. Chiếc nắp hộp tìm thấy ở hố A9MR là một trong những tiêu bản đặc sắc, cho thấy sự phát triển cao của gốm men xanh lục Lý. Nắp có đường kính 18,5cm, ở giữa trang trí nổi hình một con rồng uốn 18 khúc nằm trong vòng tròn, xung quanh là dải văn mây hình khánh hay văn như ý, diềm ngoài cùng là dải văn chấm tròn nhỏ như kiểu nhũ đinh. Do được tạo nổi và đan xen là các lỗ tròn trổ thủng, nên men dồn đọng không đều và tạo nên những mảng màu đậm nhạt khác nhau trông rất sinh động. Sự tinh mỹ và phong cách thể hiện hình rồng trên nắp hộp này giống như hình rồng chạm trên đố đá tròn trang trí trên tháp Chương Sơn (Nam Định) có niên đại Lý (1007).
Lướt qua sưu tập gốm thời Lý tìm thấy trong Hoàng thành, tôi nhận thấy về kỹ thuật tạo hoa văn thời kỳ này chủ yếu có 3 loại cơ bản là đắp nổi, khắc chìm và in khuôn trong, nhưng cũng có nhiều loại không trang trí hoa văn nhưng vẻ đẹp của hình dáng, màu men lại rất được chú ý. Gốm thời Lý thường thanh thoát, trang nhã trong hình khối nhưng lại rất cầu kỳ, tinh mỹ trong từng đường nét hoa văn trang trí. Đồ án trang trí phổ biến là hoa sen, hoa cúc hay hình rồng, tiên nữ và văn như ý... Các đề tài này mang đậm yếu tố Phật giáo và một số bộc lộ ảnh hưởng khá nhuần nhuyễn đến mức tinh tế nghệ thuật gốm thời Tống, làm cho sự phân biệt nhiều khi khó khăn. Nhưng bên cạnh đó, nhiều mẫu hình, nhiều kiểu dáng, đặc biệt là cách trang trí diềm văn cánh sen đắp nổi hay diềm văn vòng tròn nhỏ mà ta gặp phổ biến trên rất nhiều đồ gốm Lý lại cho thấy rõ thêm truyền thống rất riêng biệt của gốm Việt Nam. Truyền thống riêng biệt ấy được kết tinh và thể hiện rõ qua đồ gốm hoa nâu vốn từng được coi là sản phẩm độc đáo và đặc sắc nhất của gốm Việt Nam. Có ý kiến cho rằng những sản phẩm gốm này được sản xuất nhằm phục vụ cho tầng lớp trên của xã hội đương thời, do vậy nó thường có kiểu dáng đẹp, hoa văn trang trí cầu kỳ và mang tính nghệ thuật cao. Suy nghĩ này không phải không có cơ sở bởi đã có quá nhiều đồ gốm hoa nâu quí được tìm thấy phần lớn và chủ yếu trong mộ của các quan lang Mường. Nhưng nếu so sánh với những đồ gốm hoa nâu tìm được trong Hoàng thành thì giữa chúng có sự khác nhau rất cơ bản về chất lượng. Gốm hoa nâu trong Hoàng thành thường có chất lượng cao, đặc biệt là ngoài các loại vò, chậu, thạp trang trí hoa sen, dây lá, ở đây còn tìm thấy nhiều loại thạp lớn trang trí hình rồng. Bên cạnh đó còn có nhiều loại nắp hộp hay bát, đĩa trang trí rồng, hoa sen dây theo lối “nền tô men nâu, hoa văn men trắng” với đường nét chạm khắc uốn lượn mềm mại, tinh xảo, bộc lộ vẻ đẹp sang trọng, quí phái. Dựa vào yếu tố này và so sánh với những sưu tập gốm phát hiện được bên ngoài khu vực Thăng Long tôi nghĩ rằng, đây có thể là những đồ ngự dụng trong Hoàng cung.
Phát hiện giá trị này sẽ rất hữu ích cho việc nghiên cứu về gốm thời Lý, đặc biệt là những đồ gốm dùng trong Hoàng cung do lò Thăng Long sản xuất. Điều này rất quan trọng bởi từ trước đến nay vấn đề gốm thời Lý và nguồn gốc lò sản xuất thời kỳ này vẫn là những câu hỏi lớn đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước. Trước đây cũng đã từng có những ý kiến quả đoán về lò gốm thời Lý ở Thăng Long và Thanh Hóa, nhưng do không có bằng chứng chắc chắn, nên không chỉ ra được những loại hình gốm thời Lý sản xuất tại những lò này. Mặc dù chưa tìm thấy dấu vết lò nung gốm, nhưng dựa vào những gốm phế thải và những dụng cụ sản xuất gốm (bao nung, con kê, khuôn in hoa văn...) có thể tin rằng quanh khu vực Kinh đô Thăng Long có những lò chuyên sản xuất gốm phục vụ cho Hoàng cung. Cũng từ phát hiện mới này hiện nay chúng ta đã có thể biết rằng ngoài đồ gốm hoa nâu, thời Lý còn sản xuất nhiều loại gốm cao cấp khác như gốm men trắng, gốm men xanh lục, gốm men xanh ngọc, đặc biệt là loại gốm men vàng. Gốm men vàng là phát hiện rất mới mẻ và dường như chỉ mới được tìm thấy trong khu vực Hoàng Thành Thăng Long. Nhiều nhà khoa học nghĩ gốm men vàng chỉ có ở thời Lê, sau là thời Nguyễn. Loại men đó thường thấy trên các vật liệu kiến trúc như ngói hoàng lưu ly (ngói men màu vàng) lợp trên mái các cung điện. Nhưng cuộc khai quật này lại tìm thấy gốm men vàng là đồ gia dụng được tạo dáng đẹp, hoa văn trang trí cực kỳ tinh xảo và nhiều khả năng đây cũng là đồ ngự dụng. Bùi Minh Trí (Xem tiếp kỳ sau) |
||||||||||||||||||||||||||||
Tap chi Que Huong tren Internet Kenh thong tin cua Uy ban ve nguoi Viet Nam o nuoc ngoai Tong bien tap Hoàng Bình Toa soan: 32 Ba Trieu, Ha Noi, Viet Nam Tel: (84-4) 8.24.04.01, 8.24.04.02, 8.24.04.03, 8.24.04.04 Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: quehuong@hn.vnn.vn Giay phep 399/GP-BVHTT ngay 26/12/2000 cua Bo Van hoa - Thong tin |