Nguyễn Quý Tân - một nhà nho nghệ sĩ
Chung quanh cụ Nghè Nguyễn Quý Tân (1814 - 1858) có nhiều câu chuyện, nhiều giai thoại mà ngày nay vẫn được người dân nhắc đến với sự quý trọng. Nhân dịp kỷ niệm 145 năm ngày mất của cụ, chúng tôi xin giới thiệu vài nét về con người tài hoa đó.
Nguyễn Quý Tân sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học. Trong dòng họ có cụ tổ là tiến sĩ Nguyễn Khắc Hài (đậu khoa thi 1505) làm quan đến chức Tham chính, từng được cử đi sứ. Cụ Hài có tư tưởng chống chế độ phong kiến thối nát và theo sử sách ghi lại, cụ bị triều đình coi là giặc và bị khép tội chết. Tư tưởng đó có ảnh hưởng đến Nguyễn Quý Tân và nuôi dưỡng trong ông tính phản kháng trước những ràng buộc của xã hội đương thời.
Nguyễn Quý Tân sinh năm 1814 và mất 1858, sống qua bốn triều vua nhà Nguyễn từ Gia Long đến Minh Mạng, Thiệu Trị rồi Tự Đức. Làng Thượng Cốc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, nơi sinh ra Nguyễn Quý Tân là một làng văn vật có tiếng của tỉnh Đông, trù phú về nông nghiệp, đẹp về thế đất, giao thông thuận tiện và có nhiều người làm nghề buôn bán, là nơi sản sinh nhiều danh khoa (trước Nguyễn Quý Tân có bốn tiến sĩ).
Từ nhỏ Nguyễn Quý Tân đã là một cậu bé thông tuệ, được gọi là thần đồng: "Tuổi thiếu niên mà tai mắt thần đồng". Câu chuyện "Thần gò" được dân trong vùng dựng lên để thần thoại hóa sự ra đời của một tài năng làm rạng rỡ cho miền quê của họ.
Từ trước khi đậu tiến sĩ, Nguyễn Quý Tân đã nổi tiếng thơ văn hay, được liệt vào hàng "Hải Đông thất quận hào kiệt" (hào kiệt của bảy quận tỉnh Đông) và từ trong tiềm thức luôn sẵn sàng đối mặt với đám quan lại.
Qua thơ văn, qua sử sách và những câu chuyện truyền tụng được lưu lại đến ngày nay, có thể chắc tin rằng Nguyễn Quý Tân đã không lấy việc học, việc thi tiến sĩ để ra làm quan làm mục tiêu của cuộc đời, mà học là để nâng cao kiến thức, thi là để thử tài sức bản thân và cũng là để dễ "ăn nói" với đời. Ông coi trọng học vấn và rất uyên bác, đã "Nhị thập cửu tuế nhất cử trúng tiến sĩ". Tuy nhiên Nguyễn Quý Tân không cho bằng cấp làm nên giá trị con người.
Bản tính yêu tự do, ông không muốn và dù có muốn cũng không thể gò mình vào cái khuôn khổ chật hẹp, xơ cứng của chốn quan trường. Ông có tư chất của một nghệ sĩ, một nhà thơ phóng khoáng. Đang làm quan (vài tháng tri phủ Quốc Oai, có lúc được đặc cử thanh tra liêm sát quan lại Bắc Hà), ông đã tìm mọi cách sớm rũ áo để trở về với đất trời của tự do như cánh chim sổ lồng:
"Cũng nghĩ rằng danh chẳng bằng thân
Chỉ chăm chăm nhấc cân tư đệ".
Hay :
"Vòng cương tỏa nới ra coi nhè nhẹ
Khóm cúc tùng trở lại chốn thong dong".
Không thể nói Nguyễn Quý Tân bất mãn với đời để giải thích giọng văn trào lộng và cách ứng xử "ngạo mạn" của ông đối với bọn quan lại. Bài văn sách thi tiến sĩ bàn tổng quát về Thiên lý (Lẽ trời) với nội dung "trị quốc" và bài "Tề gia ký" nói về việc giáo dục gia đình, rồi việc xây miếu làng, nơi thờ một danh tướng, việc đề bia khánh thành một cầu đá ở huyện Tứ Kỳ cho thấy ông là người rất có trách nhiệm với cuộc sống, không hề "lánh đời".
Vả lại cuộc đời đâu có "ruồng bỏ" ông. Có thể nói ông là một người yêu đời, tự bằng lòng với cuộc sống của mình (...Thú trải khắp phong hoa tuyết nguyệt...) và dùng ngòi bút để làm việc ích giúp đời.
Ông là một nghệ sĩ tài hoa và tận tụy. Nét nổi bật trong thơ văn ông là bênh vực dân nghèo, đả kích thẳng thừng và cay độc bọn tham quan ô lại, đem lại cho quần chúng lao động chỗ dựa tinh thần và tiếng cười sảng khoái. Điều này thể hiện trong các bài "Vịnh đèn kéo quân", "Vịnh chim cu", "Đơn xin chôn trâu chết", "Nhất ô bách tước", "Trạo thuyền"... cùng biết bao câu đối của ông và giai thoại về ông.
Thật thú vị khi biết giữa phố phường tỉnh lỵ Hải Dương, trong một buổi rước đèn ngày rằm tháng Tám, cậu khóa Nguyễn Quý Tân đã đọc bốn câu thơ làm bẽ mặt mấy ông quan đầu tỉnh:
"Một lũ ăn mày một lũ quan
Quanh đi quẩn lại vẫn một đoàn
Đến khi dầu hết đèn thôi cháy
Chẳng thấy ăn mày chẳng thấy quan"
Hay, ngay ở chốn công đường trang nghiêm của cụ Thượng, cậu học trò tinh anh dám đe cụ lớn:
"Chớ cậy lồng son cùng cóng sứ
Có ngày thớt nghiến với dao phay"
hoặc:
"...Hà ô chi thiểu điểu chi đa
Thực tận dân gian thiên vạn thạch"
(Quạ sao lại ít, sẻ sao nhiều,
Ăn sạch của dân muôn vạn hộc)
Đối với người dân quê thời đó, còn gì hả dạ cho bằng được nghe câu chuyện một bà nông dân vì không đủ lễ mà quan phủ không cho chôn trâu chết, đã được quan thanh tra làm giúp lá đơn không tiền khoáng hậu:
"Tôi là phận gái nữ nhi
Có con trâu chết tôi đi trình ngài
Vội vàng váy tụt đơn rơi
Tôi mượn một người mần cái đơn ni
Quan tri ơi hỡi quan tri
Xin quan chấp nhận đơn ni mần bằng
Dù quan có hỏi mần răng
Thì tôi cắn cỏ lạy thằng mần đơn".
Những câu chuyện như chuyện quan thanh tra đóng giả phu tuần cáng một quan huyện trong vùng nổi tiếng hách dịch rồi quẳng xuống rãnh bùn nhơ làm người dân nhớ mãi.
Ông có một cách sống, một triết lý sống của một nghệ sĩ vừa cao sang vừa giản dị bình dân, đầy tính nhân văn. Trong bài thơ tâm sự với Nguyễn Công Trứ:
"...Rượu ngọt, hát hay, chè chuyên chén mẫu
Hay trong bài "Tài sắc nhẻ":
"...Kho trời chung mà vô tận của mình riêng
Câu thơ thần, chén rượu thánh, nước cờ tiên
Tiếng thích thảng đã lừng miền Đông quận".
Rõ ràng kho trời là của chung, chẳng của riêng ai, chỉ có những hiền giả mới biết tận hưởng nó mà không phương hại đến người khác. Câu thơ của ông là câu thơ thần, chén rượu là chén rượu thánh, nước cờ là nước cờ tiên... ông quả là người cao sang; một ông tiên, như ông đặt cho tập thơ của mình là "Túy Tiên thi tập". Ông tiên có nghĩa là một đấng thông thái giàu lòng vị tha, sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Có thể nói Nguyễn Quý Tân là một tài năng văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt
Các tin liên quan:
- Trạng lường Lương Thế Vinh (14-06-2007)
- Thái Tổ Phạm Hoàng Hậu (06-06-2007)
- Huyền thoại về một vị tướng (29-05-2007)
- Trần Minh Tông (1314-1329) (23-05-2007)
- Quang Trung và nghệ thuật dụng binh thần tốc, táo bạo (16-05-2007)
- Mạc Phúc Hải (11-05-2007)
- Người kỵ mã cầm cờ vào Thăng Long (07-05-2007)
- Người hiến sắc cờ cho vua Quang Trung (27-04-2007)
- Trần Dụ Tông (23-04-2007)
- Lê Thái Tông (19-04-2007)
Cập nhật 20-04-2006