Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ ba, 24/12/2024 3:9

Ngô Thì Nhậm với nước cờ Tam Điệp


Ngô Thì Nhậm sinh năm 1746 mất năm 1803 là con Ngô Thì Sĩ, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Ông đỗ tiến sĩ và làm quan dưới triều Lê - Trịnh, được chúa Trịnh Sâm rất quý phục. Vụ án năm Canh Tý (1780) nổ ra, ông không can dự gì nhưng cũng phải bỏ trốn về quê vợ ở Thái Bình lánh nạn. Khi biết Nguyễn Huệ nổi dậy khởi nghĩa, đánh đâu được đấy, đi đến đâu cũng cứu giúp dân nghèo, Ngô Thì Nhậm đã hướng lòng mình muốn theo phò Nguyễn Huệ. Năm 1787, khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, ông đã thực hiện được điều đó. Nguyễn Huệ phong ông làm Tả thị lang bộ Lại.

Trước khi trở về Phú Xuân, Nguyễn Huệ giao cho Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Dụng và Ngô Thì Nhậm trấn giữ Bắc Hà.

 

Cuối năm Mậu Thân (1788) do vua Lê Chiêu Thống cầu viện, 29 vạn quân Thanh kéo sang nước ta, với chiêu bài diệt Tây Sơn dựng lại nhà Lê. Thế giặc rất mạnh. Trước tình hình đó, Ngô Văn Sở cho họp các quan văn võ, bàn cách đối phó. Đa số các quan bày mưu cố thủ ở Thăng Long. Riêng Ngô Thì Nhậm nghĩ khác. Ông cho rằng, lúc này quân địch rất mạnh, dân Bắc Hà còn nhiều người vẫn trung thành với vua Lê sẽ bị quân Thanh lừa dối. Nếu cố thủ ở Thăng Long, quân Tây Sơn dễ bị đánh ngay từ phía sau lưng. Theo ông, phải chọn đèo Tam Điệp là nơi ngăn cản quân Thanh, có nghĩa là khoá chặt cửa ải Tam Điệp. Một mưu lược hết sức táo bạo đã hình thành. Ông đem bàn với các tướng lĩnh Bắc Hà, "Đèo Tam Điệp là nơi ngăn cách giữa Thanh Hoa nội và Thanh Hoa ngoại, rất hiểm yếu, ta nên tiến công gấp để giữ lấy. Chớ để quân giặc chiếm trước. Được như vậy thì Trường Yên (phủ Trường Yên) về Bắc còn là của mình. Nếu núi Tam Điệp mà mất thì lộ Sơn Nam thênh thang với những cánh đồng bằng phẳng rộng rãi, e khó tranh nhau với giặc, việc nước sẽ không thể làm thế nào được nữa". Kế sách đó được các tướng lĩnh ủng hộ và thực hiện ngay. Từ Thăng Long, Ngô Văn Sở theo đường bộ lui quân về giữ núi Tam Điệp (Ninh Bình). Quân thuỷ chở lương thực theo đường biển rút về đóng ở Biện Sơn (Thanh Hoá). Phòng tuyến thuỷ bộ Tam Điệp - Biện Sơn đã hình thành vững chắc nhằm nhử địch vào sâu về phía nam, địch sẽ chủ quan kiêu ngạo, còn quân ta thì chờ vua Quang Trung kịp kéo quân ra Bắc.

 

Ngô Thì Nhậm chọn Tam Điệp là nơi rút quân vì ông am hiểu tường tận địa danh này. Ba dãy núi đá vôi chạy suốt từ tỉnh Hoà Bình đổ về, ăn ra tận biển Đông theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đến đây hạ thấp xuống. Chỗ núi đá hạ thấp xuống gọi là đèo. Ba đèo liên tiếp nhau gọi là Tam Điệp. Từ phía Bắc vào, đèo thứ nhất cao 68m, đèo thứ 2 ở giữa cao 110m, đèo thứ 3 cao 80m (so với mặt biển). Phía Bắc đèo Tam Điệp lại có một cửa ải hiểm yếu án ngữ. Núi đá đứng sừng sững hai bên, giữa là một lối đi - một thế núi hùng vĩ và cũng tuyệt mỹ. Vì thế đèo Tam Điệp là một phòng tuyến, phòng ngự lợi hại, mang vị trí chiến lược trong quân sự như bức tường thành thiên nhiên án ngữ con đường ra Bắc vào Nam của đất nước.

 

Quả là rút quân vào đèo Tam Điệp thì địch khó có thể tiến đánh quân Tây Sơn được.

 

Chính vì vậy, khi tới đèo Tam Điệp, vua Quang Trung đã đánh giá cao kế hoạch rút quân chiến lược của Ngô Thì Nhậm "Chịu nhịn để tránh sức mạnh ban đầu của chúng, đành hãy chỉnh đốn đội ngũ rút về giữ chỗ hiểm yếu, trong thì khiến cho lòng quân kích thích, ngoài thì khiến cho lòng giặc kiêu căng, đó là một kế hay" (Hoàng Lê nhất thống chí).

 

Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (15 -1-1789) vua Quang Trung hội đại binh ở đèo Tam Điệp và dõng dạc nói:

 

"Nay ta tới đây tự đốc việc quân, đánh hay giữ đã có kế cả rồi. Chỉ trong 10 ngày thế nào cũng quét sạch quân Thanh... Sau khi thắng trận phải khéo dùng ngọc bút thay giáp binh. Việc đó ta giao cho Ngô Thì Nhậm".

 

Mười ngày sau, ngày 30 tháng Chạp (25-1-1789) vua Quang Trung mở tiệc khao quân ở đèo Tam Điệp và tuyên bố trước ba quân: "Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên Đán trước, đợi đến ngày 7 tháng Giêng vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các người hãy ghi nhớ lấy lời ta nói, xem có đúng không".

Sự việc diễn ra đúng như vua Quang Trung nói: chỉ trong 5 ngày quân ta đã đập tan 29 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta. Ngày 5 Tết Kỷ Dậu (1789) quân Tây Sơn chiến thắng lớn ở Đống Đa (Thăng Long).

 

Nước cờ Tam Điệp của Ngô Thì Nhậm đã góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng đó. Vì vậy năm 1790, vua Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm giữ chức Binh bộ thượng thư.

Ngô Thì Nhậm là người văn võ song toàn, giỏi về chính trị, ngoại giao, quân sự và văn học. Kế sách chiến lược Tam Điệp - Biện Sơn của ông mãi mãi đi vào lịch sử giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam như bản anh hùng ca bất hủ.

Vân Hà

Tạo bởi admin
Cập nhật 03-02-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin