Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ ba, 24/12/2024 3:13

Nhà sử học của nhân dân

Trong giới sử học Việt Nam đương đại, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà sử học Phan Huy Lê là một người hoạt động khoa học, giáo dục có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ đối với đời sống chính trị, văn hoá, xã hội trong nước mà còn đối với giới sử học thế giới. Nhắc đến ông là nhắc đến một nhân cách lớn, một tấm gương sáng đáng được trân trọng, một con người làm khoa học chân chính với những công trình mà giá trị của nó đã vượt ra ngoài giới hạn không gian và thời gian...



Hướng về nguồn cội

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà Sử học Phan Huy Lê được đánh giá như một trong những chuyên gia nghiên cứu lịch sử hàng đầu của đất nước. Ông sinh năm 1934, là hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Phan Huy, dòng họ có truyền thống khoa bảng và sử học ở xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đầy sục sôi tinh thần cách mạng, trong nước thường xuyên diễn ra các cuộc đấu tranh giành độc lập (1930-1945) và sau đó là cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1945-1954), một ý thức về lịch sử hào hùng của dân tộc đã bùng cháy lên trong tâm khảm chàng thanh niên Phan Huy Lê và rồi chính điều này cũng góp phần dẫn dắt ông bước vào con đường sử học. Ông đã có lần tâm sự: "Mình đến với lịch sử cũng là muốn tìm hiểu biết bao điều còn ẩn chứa cần khám phá và lý giải một cách khoa học và từ đó hiểu được cội nguồn sức mạnh trường tồn của dân tộc". Thực ra trên con đường học tập, ông lại đặc biệt yêu thích các môn khoa học tự nhiên. Nhưng rồi do một sự tình cờ ngoài ý muốn, ông theo học Ban Sử - Địa. “Ban đầu cảm thấy buồn nhưng sau tôi nhận ra rằng, ở bất kỳ bộ môn khoa học nào, nếu đi sâu vào tìm hiểu đều có sự hấp dẫn riêng”.

Năm 1956, sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm trợ lý tập sự tại Khoa Lịch sử, Trường Đại  học Tổng hợp Hà Nội, dưới sự dẫn dắt của vị Giáo sư nổi tiếng Đào Duy Anh. Chỉ hai năm sau, thầy giáo trẻ Phan Huy Lê đã được giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ- Trung đại và liên tục giữ trọng trách này hàng chục năm liền... Những năm đất nước tiến hành kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ông đã góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc bằng những công trình nghiên cứu về lịch sử chống giặc ngoại xâm và truyền thống hào hùng của dân tộc. Có lần ông đã tâm sự: "Đó là trách nhiệm công dân của cá nhân tôi trước vận mệnh dân tộc nhưng cũng cho thấy vai trò của nhà sử học và giá trị của khoa học lịch sử đối với cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc”. Các công trình nghiên cứu của ông vào thời kỳ đó không chỉ là những nghiên cứu nghiêm túc, khoa học, chân thực về nhiều giai đoạn của lịch sử Việt Nam mà nó còn làm sống dậy hào khí chống giặc ngoại xâm của cha ông từ ngàn xưa, Đến nay, ông đã cho công bố hàng trăm công trình nghiên cứu có giá trị dưới dạng sách, luận văn, giáo trình, báo cáo khoa học ở trong nước và quốc tế.                

Gương sáng một người thầy

Cùng với hoạt động nghiên cứu, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà Sử học Phan Huy Lê còn dành tâm huyết nghề nghiệp của mình truyền lại cho các thế hệ sinh viên. Những ai đã từng được nghe ông giảng thì không chỉ “tâm phục khẩu phục’’về kiến thức, tri thức sâu rộng, khúc triết, giọng nói trầm ấm, biểu cảm, mà còn thấy ở ông là một phong cách, một thế ứng xử đầy minh triết, một nhân cách khoa học toàn vẹn.  Ông thường gắn kết những bài giảng của mình với các triết lý nhân sinh quan, thể hiện một nhân cách cao thượng, một tinh thần làm việc hăng say, hết mình cho sự thật và niềm đam mê. 

Gần nửa thế kỷ gắn bó với giảng đường ở bậc đại học và trên đại học, ông đã góp phần quan trọng vào việc đắp móng xây nền cho Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lịch sử lớn nhất Việt Nam. Những năm cuối thập kỷ 80, thế kỷ XX, ông đã thành lập Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hoá nhằm mở rộng quan hệ với giới khoa học xã hội và nhân văn thế giới. Năm 1995, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội thành lập Khoa Đông Phương học, ông được cử làm Chủ nhiệm Khoa với mong muốn ông sẽ là người đặt nền tảng  cho một ngành khoa học mới của đất nước.

Giờ đây, tên tuổi và sự nghiệp của ông luôn gắn chặt với nền sử học Việt Nam. Các công trình nghiên cứu của ông không đơn giản chỉ là dựa vào biên niên sử, văn bản và ghi chép chính thống của người xưa mà đều thể hiện khuynh hướng tìm tòi sử liệu mới, khai thác, sử dụng và đối chiếu với các nguồn sử liệu khác. Phát hiện và giám định sử liệu được ông đặc biệt chú ý bởi đó là “xương sống” của sử học. Điều ông vẫn luôn trăn trở cho nền sử học nước nhà là vấn đề lý luận, phương pháp nghiên cứu, trong đó hơn hết là sự trung thực đối với lịch sử, dường như đây chính là lời nhắn nhủ của ông muốn gửi gắm đến các thế hệ học trò.

(Báo Ảnh Việt Nam)

Tạo bởi admin
Cập nhật 26-01-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin