Tô Ngọc Thanh - ng­ười đãi cát tìm vàng

Giáo sư- Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, người đã đi khắp núi rừng Tây Bắc,Việt Bắc,Tây Nguyên... để sưu tầm và nghiên cứu âm nhạc, văn hoá dân gian với mục đích bảo vệ sự trường tồn của những giá trị văn hoá phi vật thể.

 

To-Ngoc-Thanh2.jpg
Tìm hiểu sáo Pan

Nhiều người muốn tìm GS.TS Tô Ngọc Thanh để viết, để hiểu thêm về công việc bảo tồn văn hoá của dân tộc, nhưng có một cảm giác chung là khó gặp. Rất may tôi được gặp được GS  khi ông duyệt chương trình hát Xoan ở Phú Thọ. Lịch làm việc của ông rất dày. Chỉ trong 15 ngày mà ông phải dẫn đoàn hát Xoan đi giới thiệu ở Thái Lan, dự 3 cuộc bảo vệ luận án tiến sĩ, chủ trì cuộc hội thảo về làng nghề, tham gia tổ chức hội Người cao tuổi mà ở đâu ông cũng phải có báo cáo, có phát biểu. Cuộc đời ông nối dài bởi những chuyến đi triền miên,  hơn một nửa thời gian trong bảy mươi mốt tuổi đời  ông đã dành để đi khắp các vùng miền của đất nước để sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian. Mấy chục năm lăn lộn với đồng bào Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, chịu nhiều vất vả nhưng ông cảm thấy hạnh phúc khi được đắm mình trong một nền văn hoá vô tận của các dân tộc. Ông cho rằng, thật có tội lớn với tổ tiên, với muôn đời sau khi để mất đi kho báu văn hoá phi vật thể của dân tộc. GS.TS Tô Ngọc Thanh đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm có giá trị như "Tìm hiểu âm nhạc cổ truyền của dân tộc", Chủ biên công trình "Folklor Banar", "Giới thiệu một số nhạc cụ  dân tộc thiểu số Việt Nam",  " Âm nhạc dân gian Thái - Tây Bắc", "Tư liệu nhạc cung đình Việt Nam", "Nhạc cụ cổ truyền các dân tộc thiểu số Việt Nam" bằng tiếng Anh...Đó là những cuốn sách, những tư liệu quí mà các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian trong và ngoài nước đều đánh giá cao về tính khoa học của chúng. Hiện ông đang viết hai cuốn "Ghi chép về âm nhạc dân gian Việt Nam" và  "Nhật ký về văn hoá dân gian Việt Nam" - đây cũng sẽ là những công trình khoa học có nhiều phát hiện mới. 

Với GS.TS Tô Ngọc Thanh thì văn hoá phải sống và phải gắn liền với kinh tế nếu không nó sẽ không tồn tại. Trong một chuyến công tác vào trong làng Phò Trạch (Huế), ông thấy dân  làng đan chiếu bằng cây cỏ bàng khi gấp lại không gẫy, nằm mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát nhưng sản phẩm lại không thấy có mặt trên thị trường. Vì thế ông đã quảng bá giới thiệu nguyên liệu dân gian này và nó đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Đi xa hơn, ông  đề nghị dân làng làm túi ngủ cho khách du lịch. Túi đẹp, có khoá kéo lúc nằm ngủ, vừa an toàn, vừa mát, khách du lịch rất thích. Có dịp đi nhiều nước trên thế giới, ông  rất hiểu những giá trị văn hoá đặc sắc riêng của Việt Nam. Từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, ông đã đưa nghệ nhân nặn tò he Đặng Văn Tố ở Hà Tây ra giới thiệu tại các cuộc triển lãm ở Trung tâm Văn hoá-Nghệ thuật Vân Hồ (Hà Nội) đến bây giờ  nghệ thuật dân gian hấp dẫn này đã được khôi phục và đưa đi trình diễn tại các triển lãm văn hoá Việt Nam tại Nhật Bản, Mỹ...

Năm 2001, ông cũng đưa hai phụ nữ dân tộc Nùng ở tỉnh Cao Bằng sang hát hai bè Hà Lù - Hà Lều ở Đài Loan và được giải nhất. Những việc ông làm đã làm cho người nước ngoài được hiểu thêm sự phong phú của văn hoá phi vật thể Việt Nam.

Để bảo tồn được giá trị văn hoá dân gian phi vật thể, theo ông, vai trò của các nghệ nhân rất lớn và đóng vai trò then chốt trong việc giữ gìn, thực hành truyền dạy vốn quý đó cho đời sau.Nếu không có họ thì chắc chắn một khối lượng lớn các giá trị văn hoá không thể được bảo lưu cho đến ngày hôm nay.

Từ năm 2000, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã có một kế hoạch mang tên " Tầm nhìn 2010" động viên các bậc nghệ nhân cho con cháu ghi lại bằng phương tiện hiện đại những vốn liếng vẫn tồn tại trong dân gian mà ông là một trong những người khởi xướng, ủng hộ và đang tiến hành có kết quả. GS.TS Tô Ngọc Thanh xứng đáng được coi là người đã có những đóng góp không nhỏ cho sự trường tồn những giá trị văn hoá của đất nước.

Hoàng Chương

(Báo Ảnh Việt Nam)