Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam: Cả đời gắn bó với tranh Đông Hồ

Lâu nay nói đến làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), người ta nhắc đến vàng mã nhiều hơn tranh. Từ khi tranh Đông Hồ bị mai một dần, nghề vàng mã phát triển bung ra hầu khắp các hộ gia đình. Vậy mà về Đông Hồ lần này tôi thật ngạc nhiên khi vẫn gặp ông ngồi bên bàn vẽ. Những bức tranh quen thuộc: : “Đánh ghen”, “Hứng dừa”, “Đám cưới chuột”... vừa rời khuôn in, chỉ thêm vài nét bút tô điểm, gia cố của ông là đã “sáng bừng” lên trên nền giấy dó, giấy điệp.


 


Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm tranh lâu đời ở Đông Hồ. Bản thân ông cũng rất yêu nghề của tổ tiên. Cả cuộc đời mình, ông miệt mài với công việc nghiên cứu, sưu tầm, phục chế tranh; đồng thời sáng tác và sản xuất tranh phục vụ những người yêu mến tranh Đông Hồ. Bên cạnh nhiều bản khắc tranh được sưu tầm, phục chế rất có giá trị đặc biệt, phải kể đến những bản khắc tranh do ông sáng tác ra. Tranh sáng tác của ông hầu hết phản ánh cuộc sống mới ở làng quê nhưng lại mang phong cách tranh dân gian Đông Hồ. Một số bức được nhân dân và du khách đánh giá cao phải kể đến như: “Đến hẹn lại lên”, “Múa quạt quan họ”...

 

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam cũng là người có công giới thiệu tranh Đông Hồ với những du khách trong và ngoài nước có dịp về tham quan, tìm hiểu làng tranh. Ông đã tiến hành hợp đồng bán tranh với Công ty phát hành sách Trung ương, với các tỉnh thành phố trong cả nước. Ngoài ra ông cũng tham gia hợp đồng xuất khẩu tranh với Nhật Bản, một số nước Đông Âu và Châu Phi; góp phần giới thiệu bản sắc văn hoá Việt Nam với các nước bạn.

 

Từ những năm 90 trở lại đây, nghề làm tranh gặp nhiều khó khăn, có phần chững lại. Những người làm tranh trong làng dần dần chuyển sang sản xuất vàng mã, giờ Đông Hồ có vài trăm hộ, hầu hết đã theo nghề này. Riêng ông vẫn kiên quyết bám trụ với nghề truyền thống của tổ tiên. Ông hướng dẫn con cháu từng công đoạn làm tranh: làm giấy, pha màu, in, vẽ... rồi chính mình cũng tham gia vào quy trình ấy. Được ông tận tâm chỉ bảo, các con cháu ông đều đã làm thành thạo, ai cũng yêu quý gắn bó với nghề. Hiện cả gia đình ông hoàn toàn sinh sống nhờ nghề làm tranh.

 

Ở cái tuổi ngoài 70, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam vẫn ngày ngày cần mẫn, miệt mài với công việc làm tranh. Cho đến nay ông đã có trên 600 bản khắc tranh vừa sưu tầm, phục chế vừa sáng tác mới, trong đó nhiều bản cổ có giá trị đặc biệt, nhiều du khách nước ngoài hỏi mua nhưng ông kiên quyết không bán.

 

Ngoài công việc làm tranh ông Nguyễn Hữu Sam còn là Hội viên Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam, hội viên Hiệp hội UNESCO Việt Nam, uỷ viên Ban chấp hành trung ương Mặt trận tổ quốc tỉnh Bắc Ninh. Ông từng được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì; Tổng cục Du lịch Việt Nam, Bộ Văn hoá - Thông tin tặng bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ông Nguyễn Hữu Sam xứng đáng được dành tặng danh hiệu nghệ nhân - người có thành tích giữ gìn và phát triển vốn văn hoá truyền thống của dân tộc.

 

Thanh Dương