Học vị - học vấn - học thuật Phan Huy Chú
Trong "Thứ nam thực sinh hỉ phú" (bài phú mừng sinh nhật con trai thứ 2 Phan Huy Thực), tiến sĩ Phan Huy Ích viết: "Văn phái dư lan cự cửu nguyên", tỏ ra rất tự hào về truyền thống khoa bảng đỗ đầu của gia đình. Câu thơ trên có nghĩa: dòng văn để lại đủ cả cửu nguyên. Phan Huy Ích còn có lời chú rằng: "Phụ thân tôi Phan Huy Cận, thi Hương, thi Hội 2 lần đỗ đầu (lưỡng nguyên). Tôi thi Hương, thi Hội, thi Ứng chế ba lần đều đỗ đầu (tam nguyên). Bác Hy Doãn (Ngô Thì Nhậm) và chú Nhã Hiên (Phan Huy Ôn) em trai thứ 3 của tôi đều đỗ đầu thi Hương. Tất cả cộng lại được chín lần đỗ đầu, gọi là cửu nguyên (trong "Dụ am ngâm lục").
Phan Huy Chú (1782 - 1840) là con trai thứ 3 của Phan Huy Ích, xuất thân trong gia đình có truyền thống khoa bảng dòng Phan Huy Sài Sơn, ngay từ nhỏ đã có tiếng thông minh. Ông để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm có giá trị, nổi bật nhất là bộ "Lịch triều hiến chương loại chí" gồm 49 quyển, khảo cứu về lịch sử, phân chia theo từng loại hiến chương một cách khoa học từ lập quốc đến cuối triều Lê, gọi là chí: dư địa chí, nhân vật chí, lễ nghi chí, khoa mục chí, quốc dụng chí, hình luật chí, văn tịch chí, binh chế chí, quan chức chí, bang giao chí. Ông sưu tầm, tích luỹ tư liệu, khảo cứu sách vở, đối chiếu, sắp xếp, trình bày mạch lạc, có tầm khái quát cao, lại cô đọng, cụ thể, sinh động, súc tích... Ông là nhà bác học lớn của Việt Nam.
Phan Huy Chú là tấm gương lớn về hoạt động học thuật, với ý chí lao động kiên trì để thực hiện lý tưởng, để vượt qua mọi khó khăn gian khổ, mọi trở ngại hoặc hình thức danh vị nơi quan trường. Ông đọc nhiều, tích luỹ, thâu tóm được nhiều đầu mối, điển tích, điển chương, tinh hoa cổ học, sự kiện trong sách sử nên trở thành uyên bác, xuất chúng.
Dù "học tài thi phận" không được khoa bảng như cha ông, song thực học, thực tài của Phan Huy Chú không chịu dừng lại. Ông thực hiện công việc nghiên cứu bằng lao động khoa học miệt mài, bằng tâm huyết lớn. Ông viết: "Nước Việt ta tiếng khen lễ nghĩa đã hơn nghìn năm, vốn có thư tịch đã từ lâu lắm. Kể từ Đinh, Lê dựng nước đối địch với Trung Hoa, mệnh lệnh từ chương dần dần rõ rệt. Đến Lý, Trần nội trị, văn vật mở mang, về tham định thì có những sách điển chương điều luật, về ngự, chế thì có các thể chiếu sắc thi ca. Trị bình đời nối, văn nhã đủ điều. Huống chi, nho sĩ đời nào cũng có, văn chương nảy nở như rừng, sách vở ngày càng nhiều, nếu không trải qua binh lửa mà thành tro tàn... Than ôi! Sách vở các đời đã từng tản mát, sách mất đã khó sưu tầm, sách còn lại nhiều sai lẫn, đằng đẵng ngàn năm, biết theo vào đâu mà khảo xét? Nhưng sự học ở các nhà nho quý ở tìm rộng, có sách vở để làm bằng. Tôi bèn xét tìm sử cũ, tham khảo các nhà..." (Trích quyển XLII Lịch triều hiến chương loại chí). Một thoáng như vậy để thấy tầm suy xét của Phan Huy Chú khi bắt tay vào thực hiện pho sách đồ sộ này. Công trình "Lịch triều hiến chương loại chí" được thực hiện trong mười năm, từ 1809 lúc ông 27 tuổi, đến khi hoàn thành vào năm 1819, chưa kể thời gian trước do ông từ nhỏ vốn ham học, ham đọc sách và chăm chú ghi chép, sưu tầm tích luỹ những điều đọc được trong sách vở để làm học thuật. Ông dành nhiều thời gian lao động khoa học để tạo thành công trình học thuật cá nhân đồ sộ với hình thức độc đáo, nội dung lớn lao. Theo ông, đây là "một bộ sách thường đọc của một đời". Đây cũng là một điểm đặc sắc trong lịch sử văn hoá nước nhà.
Phan Huy Chú xuất thân trong dòng dõi gia thế: ông nội là tiến sĩ Phan Huy Cận, ông ngoại là Ngô Thì Sĩ, cha là Phan Huy Ích, bố vợ là Nguyễn Thế Lịch, bác là Ngô Thì Nhậm, chú là Phan Huy Ôn, anh là Phan Huy Thực... Tác động của dòng dõi tài danh, hiếu học, của môi trường xã hội, những quan hệ trí tuệ ảnh hưởng đến Phan Huy Chú, dẫn dắt tinh thần, tính cách nhà khoa học Phan Huy Chú. Ngoài tác phẩm lớn "Lịch triều hiến chương loại chí" ông còn có các tác phẩm khác như: "Hoàng Việt dư địa chí", "Hoa thiều ngâm lục", "Bình định quy trang", "Dương trình ký kiến", "Hoa trình ngâm lục", "Hải trình chí lược"... Có thể gọi Phan Huy Chú là nhà tri thức, nhà khoa học, nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà sử học mang khuynh hướng bách khoa.
Con đường 10 năm làm quan của ông bắt đầu từ năm 1821, khi vua Minh Mạng biết đến tài năng của Phan Huy Chú với tiếng đồn nức tiếng xa gần. Được triệu vào Huế giữ chức Hàn lâm Biên tu, ông dâng bộ "Lịch triều hiến chương loại chí" lên vua Minh Mạng, được vua thưởng 30 lạng bạc, 1 áo sa đỏ, 30 cây bút và 30 thỏi mực. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823) ông làm "Lang trung bộ Lại", năm Minh Mạng thứ 6 (1825) được sung vào sứ bộ sang Trung Quốc. Năm 1828 làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên. Năm 1829 làm Hiệp trấn Quảng Nam, sau đó bị giáng. Năm 1831 được cử làm Phó sứ sang Trung Quốc lần 2, khi về bị cách chức. Năm 1832 đi Biên lực ở Giang Lưu Ba (nay là nước Inđonesia). Xong nhiệm vụ trở về ông được khôi phục giữ chức Tư vụ bộ Công... Nhưng rồi chán cảnh quan trường, ông lấy cớ đau yếu xin về nghỉ và dạy học ở Thanh Mai thuộc huyện Tiên Phong, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây) rồi mất tại đó.
Tiến thân trắc trở, 25 tuổi thử vận 2 lần khoa cử chỉ đạt tới học vị bình thường là tú tài, đến tuổi tứ tuần mới nhận chức quan, trôi dạt trong cảnh quan trường thăng giáng, mờ tỏ. Vinh quang của Phan Huy Chú đặt ở con đường học thuật. Với ông "Sách vở là để gom góp muôn việc vào đấy" và "Văn minh của loài người đều chứa trong sách vở". Ông dồn tâm huyết làm sách bách khoa về văn - sử - địa, các loại chí về đất nước. Ba cái Học ở ông thật lạ: Học vị thì thường, Học vấn thì rộng, Học thuật thì thật lớn lao. Ông sinh năm Nhâm Dần 1782 và mất năm Canh Tý 1840. Sau Lê Quý Đôn (1726 - 1784) thì Phan Huy Chú nổi lên với tài danh sử học như nhà bách khoa thư. Phan Huy Chú là một danh nhân văn hoá Việt Nam. Học vấn và học thuật của ông đốt cháy cả học vị lẫn chức vị quan trường, để lại cho đời nhiều tác phẩm vô giá.
Nhà thờ Phan Huy Chú toạ lạc tại quê nhà Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Ngày 24 tháng 11 năm 2000 Bộ Văn hoá - Thông tin đã xếp hạng nhà thờ ông là Di tích Lịch sử - Văn hoá. Ngày 15 tháng 4 năm 2001 tại đây đã tổ chức lễ đón nhận bằng Di tích Lịch sử - Văn hoá đông vui, trọng thể trong niềm tự hào của dòng họ, bà con ở địa phương và nhân dân cả nước.
Nguyễn Văn Chiến
Các tin liên quan:
- Nghệ nhân xứ Huế (15-12-2008)
- Người Tây Bắc hiếu khách (28-11-2008)
- Người H’rê ở Ba Tơ (21-11-2008)
- Làm sống lại những mẫu lụa cổ (03-04-2008)
- Lý Nhân Tông – vị vua tài đức (04-03-2008)
- Người Thăng Long trong chiến dịch giải phóng thành Đông Quan (19-02-2008)
- “Ông già Nam Bộ” (07-12-2007)
- Quang Trung và nghệ thuật dụng binh thần tốc, táo bạo (21-11-2007)
- Gian nan là nợ anh hùng phải vay (26-10-2007)
- Người khôi phục nghề gốm Chu Đậu (17-10-2007)
Cập nhật 24-05-2006