Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh – chủ bút tờ báo Phụ nữ đầu tiên
Nhiều tờ báo, trong đó có tạp chí Quê Hương đã viết về "Nữ chủ bút đầu tiên của Việt Nam". Về Bà, nếu có viết nữa vẫn không phải là nhiều. Nhân Ngày Báo chí năm nay, xin giới thiệu bài của Côn Giang viết từ một góc nhìn khác. Do nguồn tư liệu khác nhau nên một số chi tiết về Bà có thể không giống những bài viết trước.
Sương Nguyệt Anh là con gái thứ năm của cụ Đồ Chiểu (Nguyễn Đình Chiểu), sinh ngày 8/3/1864 tại làng An Bình Đông, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tên thật của bà là Khuê (có sách ghi là Nguyễn Xuân Khêu, Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Nguyễn Thị Khuê), ngoài ra còn có tên là Nguyễn Xuân Hạnh mà trong gia tộc thường gọi là bà Năm Hạnh. Thuở nhỏ, bà theo học với cha và được giáo dục tinh thần yêu nước thương dân cho nên, những năm tháng tản cư chạy giặc, rồi tiếng súng vang dội của cuộc kháng chiến do các sĩ phu Nam Bộ lãnh đạo đã để lại trong tâm trí bà những dấu ấn khó quên.
Ngay từ nhỏ, bà nổi tiếng là người thông minh, tài sắc và có hiếu với cha mẹ. Thuở ấy, bà là đối tượng nổi bật nên có nhiều chàng theo đuổi. Một hôm có hai anh học trò ở cùng tổng nổi tiếng học giỏi ghé nhà thăm chơi. Cô ra vế đối:
Đằng tiểu quốc, sự Tề hồ, sự Sở hồ?
(Đằng là nước nhỏ ở giữa Tề và Sở, thờ nước nào?)
Một chàng nhanh nhẩu đáp:
Ngũ đại trượng, phạt Quách hĩ, phạt Sở hĩ!
(Gậy ta dài, ta đánh Quách, lại đánh Sở)
Nghe xong cô Năm đỏ bừng mặt, bỏ vào trong nhà và sai đứa em đưa cho khách câu thơ viết trên tờ giấy: “Chiêu Quân nhan sắc nghe mà uổng. Tài tử phong lưu nghĩ lại buồn!”
Đường tình duyên của cô Năm không may mắn. Chàng thư sinh năm xưa từng đến nhà đối nhau với cô, sau đó thi đậu cử nhân, được bổ về bến Tre làm tri phủ. Theo đuổi cô Năm mãi không được nên ngài tri phủ tìm cách trả thù.
Nhà chồng của nữ sĩ ba đời làm thuốc Nam. Một hôm trong nhà hết thuốc, ông lấy ghe lên Chợ Lớn để bổ hàng. Đến lúc về, khi qua chợ Bình An thì bị tên tri phủ sai đàn em giả cướp đánh té sông chết.
Trong nỗi đau đớn tột cùng, nữ sĩ làm bài văn tế mà sau này lan rộng trong dân gian Nam Bộ. Cái đặc sắc của bài văn là tên các vị thuốc Nam được sử dụng rất tài tình thể hiện tấm lòng của cô Năm đối với người chồng quá cố.
Nhớ quân tử xưa
Tướng mạo thung dung
Tánh tình hậu phát
Thong thả con đường thanh đại
Bạn tần giao mấy gã đăng tâm
Tánh năng suy nghiệp huỳnh kỳ
Tài quán chúng nhiều người la bặc cả
Thương thay
Trướng hiệp quản rồi rã a giao tiếp phụ tử chia lìa
Chẳng hay đâu thảo khấu lăng loàn
Phải dự chi mà thấu lý quyền minh
Sao đến nỗi cốt bì tan nát
Ôi, xưa còn nấu thuốc linh đơn, này đã thác theo chòm mây bạc
Giọt nước mắt chảy dài trên má, ruột gan rối bời bời
Ai chẳng than tức tưởi, phận sử quân lược sa tiền
Thiếp nhỏ giọt châu sa thảm thiết!
Chồng chết, nữ sĩ thủ tiết thờ chồng và bút hiệu Nguyệt Anh của bà đã thêm chữ Sương ở đầu thành ra Sương Nguyệt Anh, có nghĩa là Nguyệt Anh goá chồng. Vậy mà “mẹ-goá-con-côi” nào có ở yên với các đấng mày râu. Nhiều ông đã lớn tuổi cũng cố công đến chọc ngẹo ong bướm cùng bà. Bài tứ tuyệt của ông Bảy Nguyệt ở Mỏ Cày gửi cho bà được truyền tụng nhiều nhất thuở ấy:
Ai về nhắn với Nguyệt Anh cô
Chẳng biết lòng cô nghĩ thế mô?
Không phải vãi chùa toan đóng cửa
Đây lòng gấm ghé bắc cầu Ô
Không chút xao lòng, bà trả lời dứt khoát:
Chẳng phải Tiên cô, cũng đạo cô
Cuộc đời dâu bể biết là mô?
Lọng sườn dẫu rách còn kêu lọng
Ô bịt vòng vàng cũng tiếng ô
Phải thời cô quả chịu thời cô
Chẳng biết tuồng đời tính thế mô?
Dòm thấy bụi trần toan đóng cửa
Ngọc lành chi để thẹn danh ô
Đọc thấy thái độ quyết liệt của bà, ông này lẳng lặng rút lui êm.
Chuyện thơ văn xướng hoạ giữa bà và các “đấng mày râu” no cơm rửng mỡ vẫn còn rất nhiều và tiếp tục một thời gian dài. Điều này chứng tỏ Sương Nguyệt Anh là người đàn bà tài hoa, có nhan sắc nhưng nhất mực “đứng giữa trời xanh tiết chẳng rời”.
Năm 1906, hưởng ứng lời kêu gọi của cụ Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du, bà đã bán cả ruộng vườn để giúp học sinh xuất dương du học. Tiếng tăm của bà ngày càng được nhiều người biết đến. Năm 1917, bà được mời làm chủ bút tờ “Nữ giới chung” - tiếng chuông của nữ giới. Đây là tờ báo đầu tiên dành riêng cho phụ nữ Việt Nam, do một nữ sĩ tài danh điều hành.
Đem chuông lên đánh Sài Gòn
Để cho nữ giới biết con cụ Đồ
(ca dao Bến Tre)
Số đầu tiên ra mắt độc giả bốn phương vào ngày 1/2/1918 tại Sài Gòn. Toà soạn đặt tại số nhà 15 đường Taberd (nay là đường Nguyễn Du, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Chủ nhiệm là ông Henri Blanquière, chủ bút là Sương Nguyệt Anh. Tờ báo phát hành định kỳ hàng tuần vào ngày thứ sáu, có 18 trang nội dung và 8 trang quảng cáo. Tờ báo có các chuyên mục là phần xã thuyết, phần văn nghệ, phần dạy gia chánh, phần học nghề, cùng các trang cách ngôn, lời hay ý đẹp và mẹ con nói chuyện. Có thể nói, "Nữ giới chung" là tờ báo đầu tiên ở nưóc ta thời đó chú trọng đến việc dạy nữ công, đức hạnh phụ nữ và phê phán những luật lệ khắt khe đối với nữ giới. Tờ báo chủ trương đấu tranh quyết liệt cho vấn đề bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Bà Sương Nguyệt Anh đã có nhiều bài viết in trong tờ báo với nhiều quan điểm tiến bộ mà có độc giả đã từng làm thơ khen.
Vang lừng nữ giới nặng dùi chuông,
Thúc bọn quần thoa thoát cửa buồng.
Tiếc thay, tờ báo "Nữ giới chung" phải đình bản vào ngày 19/7 vì nhiều lý do, trong đó có lý do Sương Nguyệt Anh bị đau mắt. Bà về sống ở Ba Tri với người em trai út là Nguyễn Đình Chiêm, song vẫn chú tâm đến tình hình chính trị và xã hội ở trong nước lúc bấy giờ. Về cuối đời bà cũng bị loà như thân phụ. Bà mất ngày 20/1/1921, thọ 58 tuổi.
Sự có mặt của bà trên văn đàn Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20 là niềm tự hào cho nữ giới và đã gây tiếng vang lớn trong làng báo nước ta.
Côn Giang
Các tin liên quan:
- Vị dũng tướng Cần vương Bình Định (16-04-2007)
- Danh tướng Ngô Văn Sở và vua Càn Long (12-04-2007)
- Giản Định Đế (1407-1409) (09-04-2007)
- Hồ Hán Thương (1401-1407) (03-04-2007)
- Lý Thái Tông (1028-1054) (30-03-2007)
- Thái hậu Dương Vân Nga (27-03-2007)
- Lê Trang Tông (1533-1548) (23-03-2007)
- Mạc Đăng Dung (1527 – 1529) (20-03-2007)
- Hưng Ðạo Ðại Vương - Trần Quốc Tuấn (12-03-2007)
- Trần Thánh Tông (1258 – 1278) (02-03-2007)
Cập nhật 16-06-2006