Những tấm lòng tri ngộ trong tranh chân dung nhà văn hoá lớn Đặng Thai Mai của Văn Cao đa tài
Tôi có thói quen, mỗi lần có việc gì, có ai đó đến với mình tôi đều ghi chép lại, ghi cả ngày, tháng, năm và có khi ghi cả giờ, cả thời tiết nắng hay mưa bởi sức nhớ của tôi chỉ có hạn.
Năm 1976, tôi viết xong cuốn truyện ký "Con người và con đường" được bác Đặng Thai Mai viết "Lời tựa" từ ngày 8/3/1976. Tôi đến nhà bác Đặng Thai Mai ở 30 phố Nguyễn Huy Tự, Hà Nội trình bày với bác về việc duyệt sách qua nhiều cửa, nay coi như trót lọt. Cuốn truyện này cũng được anh Văn Cao vẽ bìa. Mỗi lần tôi có tác phẩm được in, tôi thường xin anh Văn Cao “chiếc áo” cho “con” mình. “Chiếc áo” anh Văn Cao cho "Con người và con đường" bị nhà xuất bản “xẻo” một mảng, họ bảo “phải cắt cái cubisme đi”. Và, cuốn sách 8 chương, chương nào cũng bị "xẻo" một ít. Tôi báo với nhà xuất bản xin lại bản thảo và hoàn trả số tiền cho nhà xuất bản đã "đặt cọc" cho tác giả.
Bác Đặng Thai Mai cầm trong tay tấm bìa cuốn "Con người và con đường", cười hiền từ với một lời khuyên: "Chú cứ để nhà xuất bản in dù có bị cắt xén cũng không thể là thứ nguỵ thư đâu. Sớm muộn rồi cuốn sách này sẽ tái bản và khôi phục lại''. Ngắm nhìn cái bìa sách lần nữa rồi trao lại cho tôi, bác nói: ''Đây... vẫn là của Văn Cao. Ai đó cắt cái cubisme mà họ tưởng tượng cũng chỉ là tưởng tượng. Còn Văn Cao đã là một viên ngọc trên bức khảm văn hoá và nghệ thuật của dân tộc Việt Nam''.
Từ nhà bác Đặng Thai Mai về, cái Chiếu trong ngõ Văn anh em ngồi tựa vào nhau khít khao: Anh Văn Cao, anh Tân Trà, anh Đào Phan, anh Đặng Đình Hưng, anh Minh Giang, anh Mạc Phi, anh Hoàng Thanh Đạm, anh Siêu Hải, anh Bùi Sơn Thuyên, anh Mai Hồng Niên và anh Vũ Lương... Tôi thuật lại câu chuyện ở nhà bác Đặng Thai Mai với các anh em. Anh Đặng Đình Hưng nói luôn:
- Này... Văn (Văn Cao), ông vẽ chân dung cụ Đặng (Đặng Thai Mai) ngay dịp này. Một đại thụ văn lâm. Khi cụ ra đi là một khoảng trống khá lớn. Mỗi người trong chiếu nói về bác Đặng Thai Mai qua ký ức, theo tâm chứng của mình vì danh tiếng của bác, qua các tác phẩm của bác, ít người có dịp được gặp gỡ bác. Anh Văn Cao nâng chén lên đặt vào môi, dốc chén thì rượu vừa cạn. Mai Hồng Niên tinh ý, lặng lẽ đi mua thêm một phần ba lít nữa. Vừa lúc ấy, anh Phan Hữu Phúc đến, anh vừa đi công tác về có chai rượu Vân. Anh em Chiếu Văn, rượu chỉ là ''hương tửu cảm ngôn''.
Anh Văn Cao nhắp tý rượu, ủ chén vào lòng bàn tay, giọng anh đầy trăn trở:
“Mình có dự định đã khá lâu sẽ vẽ chân dung bằng chất liệu sơn dầu, bác Đào Duy Anh, anh Trần Đức Thảo, anh Nguyễn Tuân. Vì phải vẽ theo đặt hàng của các báo, vẽ mẫu mã theo yêu cầu để có cút rượu hàng ngày. Cho nên dự định ấy đến bây giờ mình vẫn còn là món nợ của mình tự lĩnh trách. Với bác Đặng Thai Mai, tôi biết danh tiếng bác từ thời Trường nghĩa thục Thăng Long. Hội truyền bá quốc ngữ, nhất là trên các tờ báo công khai của Đảng như Notre Voix, Ressemblement, Le Travail, và báo Thanh Nghị, Văn Mới, Tri Tân. Bấy giờ danh tiếng Đặng Thai Mai nổi đậm. Rồi mấy vở kịch của Tào Ngu, truyện của Lỗ Tấn (Trung Quốc), bác Mai dịch như Nhật xuất, Lôi Vũ...
Tôi chỉ được gặp bác Mai một vài lần vào thời ấy. Sau Cách mạng tháng 8/1945 cũng chỉ gặp bác Mai một đôi lần trong quan hệ công việc. Trên Việt Bắc thời kháng chiến chống Pháp, tôi gặp bác Mai trong dịp thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam. Từ ngày trở về Hà Nội tôi thường gặp bác Mai trong các cuộc họp văn nghệ. Tôi rất mến mộ bác.
Bây giờ có vẽ chân dung nhà văn hoá Đặng Thai Mai, đối với tôi có mấy cái khó. Đó là, biết bác Mai nhưng chưa thuộc, kính phục con người này nhưng chưa đủ rung cảm đến độ yêu. Cái khó nữa là, bác Mai ở tuổi 75, công việc của bác khá bận rộn khách Nhà nước, khách văn ở trong nước, khách nước ngoài đến... Làm sao bác Mai ngồi lâu để mình lấy mẫu? Chỉ còn cách bác Mai ngồi cho một buổi để lấy mẫu. Tiếp đó phải nhờ một người chụp ảnh bác Mai với nhiều tư thế. Nhờ anh Võ Quốc Tài là anh em con cô con cậu của bác Mai và anh Sơn Tùng, Bùi Sơn Thuyên là ba người thuộc bác Đặng Thai Mai hơn cả trong anh em ta. Giúp cho tôi hiểu thêm để “gây men'' xúc cảm về bác Mai, thì tôi sẽ làm nên một chân dung sơn dầu Đặng Thai Mai''.
Nhà thơ Mai Hồng Niên đề xuất: “Cơ quan em có anh Nguyễn Hạp chuyên chụp ảnh của phòng Tuyên truyền. Đề nghị anh Sơn Tùng gặp nói giúp cho anh Văn Cao, công việc này Vũ Lương và em hỗ trợ vào, xong ngay mà...”
Đúng 9 giờ ngày 21/11l/1977, anh Văn Cao, anh Quốc Tài, anh Nguyễn và tôi tới nhà bác Đặng Thai Mai. Tôi đã nhờ anh Quốc Tài và nhà tôi báo cáo trước với hai bác Đặng Thai Mai và Hồ Thị Toan. Sáng nay chúng tôi đến hai bác đã sắp xếp mọi việc trong phòng chu tất. Bác Mai cho đón cụ Đặng Quỳnh Anh về đây, cụ là bà mẹ lão thành cách mạng hơn 40 năm hoạt động ở Xiêm với cụ Phan Bội Châu, cụ Đặng Thúc Hứa. Cụ Đặng Thúc Hứa tú tài đầu xứ là chú ruột cụ Đặng Quỳnh Anh là cô của bác Đặng Thai Mai. Cuốn truyện "Con người và con đường'' là viết về cụ Đặng Quỳnh Anh, bác Mai đề tựa, anh Văn Cao vẽ bìa.
Suốt một buổi sáng, bác Mai ngồi mẫu cho hoạ sĩ Văn Cao và cho nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hạp làm việc. Chị Đặng Xuyến Như, người con gái út của hai bác trợ giúp công việc trong cả thời gian hoạ sĩ lấy mẫu.
Sáng ngày 22/11/1977, anh Nguyễn Hạp đến chụp thêm chân dung bác Mai ở một số tư thế theo yêu cầu của hoạ sĩ Văn Cao. Và trong những ngày anh Văn Cao tìm tòi để lên toan phác thảo, anh em Chiếu Văn chúng tôi tiếp tục đàm đạo về bác Đặng Thai Mai. Vào thượng tuần tháng 12/1977, anh Văn Cao ngồi ở Chiếu Văn đã về khuya, trước khi về số 108 Yết Kiêu, anh dặn: ''Đêm nay mình bắt đầu đưa bác Đặng lên painture a I'huile. Trong vòng ba hôm, mình sẽ không sang Chiếu Văn. Vào khoảng 9 giờ sáng ngày 10/12 này, Sơn Tùng, Quốc Tài và cả chú Bùi Xuân Thuyên nữa sang tôi, không cần gọi người ra mở cửa, các anh cứ việc đi thẳng vào trước giá vẽ. Tôi nghe ý kiến ba anh như một thẩm định giờ đầu. Sau ba chúng tôi, anh em Chiếu Văn tiếp tục đến chiêm ngưỡng bức tranh chân dung bác Đặng Thai Mai khi anh Văn Cao đã hoàn thành.
Sắp đến ngày sinh nhật thứ 75 bác Đặng Thai Mai 25/12/1977, anh Văn Cao đến Chiếu Văn. Anh cho biết, anh vẫn còn tiếp tục hoàn thiện thêm nữa, phải để sau kỷ niệm ngày bác Mai ra đời mới có thể vào khung đem đến tặng bác Mai...
Nhà văn Minh Giang nhã ý: “Nhưng phải trong tháng 12 này, để sau tháng sinh của bác Mai thì...” Anh Văn Cao đón ngay cái ý tứ của anh Minh Giang: ''Được! Ngày 31/12 này bức tranh sẽ về nhà bác Đặng Thai Mai”.
Anh Quốc Tài nhận nhiệm vụ ''Tiền trạm'' đến báo tin với bác Mai ngày giờ đưa tranh đến. Bác Mai cho người đón tôi đến nhà bác. Vì tôi bị thương từ mặt trận về không thể tự đi bằng một phương tiện nào. Bác Mai nói, giọng nói của bác lúc này như có mầu ấm và có sức rung động lạ lùng:
- Đây không phải đi mua một bức tranh đem về cho nên tôi phải nhờ chú, chú là người thân của cả bên tôi, bên anh Văn Cao. Tôi không thể để các chị con gái tôi, hay các anh con rể và con trai tôi dù các anh, các chị đó có địa vị trong xã hội, đến anh Văn Cao nhận, đón bức tranh về. Cho nên, chúng tôi nhờ vợ chồng chú giúp cho việc này. Đồng chí Lưu lái xe của tôi sẽ đưa xe đến đón cô chú, cô chú thay mặt vợ chồng tôi sang anh chị Văn Cao trao lễ tạ rồi đón tranh và mời ông bà Văn Cao cùng tiễn tranh về nhà tôi.
Đúng 8 giờ 30 ngày 31/12/1977 xe từ nhà bác Đặng Thai Mai đến có lễ đem theo, chai rượu Lúa Mới, thuốc lá Thăng Long bao bạc, chè Hồng Đào, kẹo Hải Châu, hoa Vạn Thọ. Nhà tôi ngồi vào xe bưng lễ sẵn trên tay, xe đến 108 phố Yết Kiêu. Anh chị Văn Cao đón đợi ngay cửa phòng ở gác hai. Chị Văn Cao - Nghiêm Thuý Băng đon đả:
- Ông bà Đặng Thai Mai lễ tất chu đáo, chúng tôi chưa từng thấy...
Anh Văn Cao cũng một cảm kích bất ngờ:
- Một lễ tâm tầm văn hoá Đặng Thai Mai!
Chị Nghiêm Thúy Băng nói: - Tôi phải đến cơ quan một lúc rồi sẽ tới bác Mai sau. Giờ anh Văn cùng đi với anh chị đến bác Mai trước...
Tại nhà bác Đặng Thai Mai, nhà đạo diễn Hoàng Thái, xưởng phim Tư liệu và Khoa học, đồng chí Phương quay phim đã đợi sẵn. Nhà tôi bê bức tranh đi trước, anh Văn Cao và tôi đi tiếp sau. Anh Văn Cao vừa bước lên thềm, bác Đặng Thai Mai ôm lấy anh Văn Cao hôn! Tôi bồi hồi cảm niệm như hai đỉnh núi giáp đầu nhau!
Buổi gặp mặt cả nhà xúc động lặng ngắt cả phút. Bác Mai nhìn lên bức tranh nâng ly khai tửu:
- Anh đã thể hiện cái mà tôi vắng mặt
Anh Văn Cao cụng ly vào ly bác Mai:
- Tấm lòng tôi muốn giữ cái mà anh có cho người hôm nay và cho người mai sau... Cả đời anh mang theo một gia thế khoa bảng, thanh liêm và với chiếc gậy I'homme à la came dò tìm, đi trọn con đường sáng tạo và trong sạch, không màng danh lợi!
Vừa lúc này, chị Văn Cao - Nghiêm Thuý Băng ôm bó hoa lay ơn 7 bông trắng, 2 bông tím, 1 bông vàng trao vào hai bàn tay nhân hậu bác gái Đặng Thai Mai - Hồ Thị Toan. Những mảng mầu trong tranh và sắc màu trong bó hoa hoà nhập vào một Đặng Thai Mai, nhà văn hoá lớn!
Sơn Tùng
Chiếu Văn của tháng, năm nhớ.
100 năm Đặng Thai Mai - 8O năm anh Văn Cao
Các tin liên quan:
- Vị dũng tướng Cần vương Bình Định (16-04-2007)
- Danh tướng Ngô Văn Sở và vua Càn Long (12-04-2007)
- Giản Định Đế (1407-1409) (09-04-2007)
- Hồ Hán Thương (1401-1407) (03-04-2007)
- Lý Thái Tông (1028-1054) (30-03-2007)
- Thái hậu Dương Vân Nga (27-03-2007)
- Lê Trang Tông (1533-1548) (23-03-2007)
- Mạc Đăng Dung (1527 – 1529) (20-03-2007)
- Hưng Ðạo Ðại Vương - Trần Quốc Tuấn (12-03-2007)
- Trần Thánh Tông (1258 – 1278) (02-03-2007)
Cập nhật 22-06-2006