Hoạ sư Nam Sơn - phẩm tự cao
Mỹ thuật cổ Việt Nam vốn phát triển "tự nhiên như nhiên" trong lòng xã hội quân chủ còn đậm tính dân chủ với nền kinh tế tiểu nông êm ả. Thế rồi, vào cuối thế kỷ 19 với sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân Pháp về chính trị, thì cũng tiếp xúc dần với văn hoá phương Tây, và bị cuốn dần vào một trào lưu mới, mà ở lĩnh vực mỹ thuật có sự chuyển biến rất tích cực. Trong thành tựu này có đóng góp lớn của hoạ sĩ Nam Sơn mà bài học cho đến nay vẫn mang tính thời sự, song đã hơn nửa thế kỷ bị bỏ quên, gần đây dư luận xôn xao, song cơ quan chủ quản của ông và cơ quan được nhà nước giao cho trọng trách nghiên cứu thì vẫn an bài bất động!
Ông quê ở Vĩnh Yên cũ, nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, vốn dòng gia thế, được cha mẹ đặt tên là Nguyễn Vạn Thọ với hy vọng một sự "vạn an thế đức...", và khi vào đời ông lấy hiệu là Nam Sơn hàm ý một sự vững vàng và trường thọ. Ông sinh năm 1890 và mất năm 1973, ở thế hệ ông thế là rất thọ, nhưng sự nghiệp nghệ thuật của ông thì nhất định "thọ tỉ Nam Sơn", và với ánh sáng chân lý khi mây mờ được xua tan thì sẽ toả ra rạng rỡ.
Thuở nhỏ ông được người thân là các nhà nho Phạm Như Bình, Nguyễn Sĩ Đức dạy chữ, dạy vẽ và dẫn đi thăm các đình-đền-chùa với sự giảng dạy cặn kẽ về văn hoá và đạo lý, do đó sớm có lòng say mê nghệ thuật dân tộc. Ông lại tìm sách và tranh của Trung Quốc, của Nhật bản để tìm hiểu hội hoạ phương Đông. Rồi khi được tiếp xúc với hội hoạ phương Tây, ông nhờ có cái nền văn hoá vững chắc đó nên đã biết tiếp thu cái hay để hoàn chỉnh một nền mỹ thuật mới cho dân tộc.
Thật ra ngay từ những năm cuối thế kỷ 19 và những thập niên đầu thế kỷ 20, chính quyền Pháp đã mở một số trường mỹ nghệ cả trong Nam và ngoài Bắc, nhưng chỉ để đào tạo nghệ nhân và dư luận báo chí đương thời cho hay những người được đào tạo ra khéo tay thì có nhưng hay chạy theo mẫu nước ngoài! Ông nghĩ khác. Một cơ duyên đẹp, đầu thập niên 1920 hoạ sĩ Victor Tardieu (1870-1937) giành được giải thưởng Đông Dương đã sang Hà Nội tìm hiểu nghệ thuật Việt Nam và thực hiện các bức tranh mà chính quyền thuộc địa đặt. Hai ông quen biết nhau và sớm trở thành đôi bạn vong niên tri kỷ. Nam Sơn đã ngồi mẫu cho Victor Tardieu dựng tranh và hướng dẫn Victor Tardieu tìm hiểu nghệ thuật truyền thống dân tộc Việt Nam, ngược lại ông được Victor Tardieu hướng dẫn vẽ rất cẩn thận theo lối hàn lâm. Do đó từ những tranh minh hoạ sách báo, ngay năm 1923 ông đã tham gia Đấu xảo Hà Nội bốn bức tranh: Nhà nho xứ Bắc, Ông già Kim Liên, Cô gái Bắc kỳ và Tĩnh vật được dư luận đánh giá là trong số những tranh sơn dầu đầu tiên ở Việt Nam mà tác giả là người vẽ giỏi. Nhưng ông muốn trong mươi năm tới có cả một đội ngũ hoạ sĩ Việt Nam để cùng tạo ra một nền mỹ thuật dân tộc hoà nhập được với thời đại. Ông ngỏ ý kiến với Victor Tardieu nhưng chưa được Victor Tardieu chấp nhận. Ông kiên nhẫn cố thuyết phục và viết một bản đề cương Mỹ thuật Việt Nam ngắn gọn mà hàm súc, vạch ra cụ thể phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch và cơ cấu tổ chức một trường Mỹ thuật ở cấp đại học để thuyết phục Victor Tardieu vận động chính quyền thuộc địa.
Tháng 10/1924 Nghị định thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời. Nam Sơn cùng với Victor Tardieu sang Paris để mua sắm hoạ cụ, chuẩn bị tài liệu, tuyển nhân sự cho trường khai giảng. Tại Pháp, Nam Sơn theo học 2 trường. Buổi sáng, ông đến trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Buổi chiều, ông đến trường Nghệ thuật Trang trí Quốc gia. Vào các buổi tối, ông còn học điêu khắc cùng hoạ sĩ Trung Quốc Từ Bi Hồng và hoạ sĩ Nhật Bản Foujita.
Cuối năm 1925, hoạ sĩ Victor Tardieu bị bệnh phải ở lại Paris nên Nam Sơn trở về Hà Nội cùng hoạ sĩ Inguimberty và đã tổ chức tuyển sinh khoá đầu tiên của trường với hơn 270 thí sinh toàn Đông Dương, mở đầu cho nền Mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Cuốn "Paris - Hà Nội - Sài Gòn: cuộc phưu lưu của hội hoạ hiện đại Việt Nam" do Các nhà bảo tàng Paris xuất bản năm 1998 xác nhận: "Qua những cuộc trao đổi giữa họ (Victor Tardieu và Nam Sơn), nảy ra ý kiến thành lập một trường Mỹ thuật ở Hà Nội, Nam Sơn thuyết phục Victor Tardieu tiến hành những vận động cần thiết để có thể khai giảng và điều hành nhà trường... Chính thức được thành lập do một Nghị định của Toàn quyền Merlin, trường này (Mỹ thuật Đông Dương) nói cho đúng hơn là kết quả tình bạn kỳ lạ giữa hai người (Victor Tardieu và Nam Sơn)". Vị trí và vai trò của Nam Sơn được Toàn quyền Đông Dương xác nhận rất rõ ràng trong cuốn "Các trường Mỹ thuật Đông Dương" xuất bản ở Hà Nội năm 1937: "Ông Nam Sơn - giáo sư chuyên ngành bậc 2, là một trong hai người sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, dạy hình hoạ và trang trí". Ông dạy từ khoá đầu đến khoá cuối, tất cả 18 khoá, tham gia đào tạo hơn 150 hoạ sĩ , nhà điêu khắc, một số người ngay sau khi tốt nghiệp đã có những tác phẩm làm thế giới hội hoạ phương Tây phải thán phục, nhiều người ngày nay được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Đồng nghiệp của ông tại Trường Mỹ thuật là những hoạ sĩ tài năng phần lớn đã giành Giải thưởng Đông Dương, hoặc những nhà điêu khắc, kiến trúc sư nổi tiếng, những nhà khoa học uyên bác.
Làm việc ở một trường mỹ thuật chính quy, phải dạy vẽ theo phương pháp hàn lâm châu Âu, song ông còn viết cuốn sách "Hội hoạ Trung Hoa" (1930) để đưa ra "Tuyên ngôn nghệ thuật phương Đông", hướng dẫn sinh viên đi thăm các di tích văn hoá - nghệ thuật để trau dồi vốn cổ và lắng hồn dân tộc. Ông luôn nhắc học sinh "học vẽ với thầy chỉ là một, điều quan trọng là phải phát huy đến trăm lần khi ra đời" - lời của hoạ sĩ Tú Duyên nhớ lại và đăng trên báo "Sài Gòn giải phóng" năm 1996. Và, rất tâm đắc với quan điểm của Ottaviano Petrucci "Đã đến lúc nền văn minh chung của của nhân loại muốn có bước đi tiếp trên quả đất, cần phải biết hoà nhập, thu thái những dị - đồng của cổ đại", ông đã đưa ý kiến của nhà phát minh khoa học người Italia này vào cuốn sách của mình như một phương châm đào tạo và sáng tác. Ông rất giỏi hình hoạ nghiên cứu, song rất coi trọng ký hoạ thâm diễn, biết khai thác cả phần giống và phần khác nhau của các nền hội hoạ thế giới để dạy sinh viên và đưa vào sáng tác của mình, do đó các lớp hoạ sĩ vốn là sản phẩm đào tạo của ông đều có tác phẩm nghiêm túc mà không khô cằn, trái lại "luôn tươi mát như nụ hoa mới nở" (lời hoạ sĩ Tô Ngọc Vân). Nhiều tác phẩm của họ được công chúng nghệ thuật Âu - Mỹ rất trân trọng và mua với giá cao, vì nó không lặp lại cái mà họ đã qua, nó chặt chẽ với chất thông thái hàm súc phương Đông, nó mang nét đẹp nhiệt đới đầy ấn tượng với những con người Việt Nam đôn hậu.
Ngay từ khi nảy sinh ước vọng có một trường dạy mỹ thuật ở Việt Nam, trong đề cương Mỹ thuật Việt Nam, ông đã tiên lượng: "Độ mươi, hai, ba mươi năm, quốc thuật của nước Nam sẽ thành". Và, ông xác định trách nhiệm của mình ở giảng dạy và sáng tác. Ông sống ở Hà Nội - thủ phủ của cả Đông Dương đấy, song vài mươi năm đầu thế kỷ 20 chắc chắn còn đậm chất thị trấn - thị xã, lại gắn bó chặt chẽ với quê mình Vĩnh Yên và quê vợ Lai Xá - Hà Tây cùng thuộc xứ Đoài chân chất, trực tiếp chịu ảnh hưởng của các nhà nho đồng thời cũng là những người thân giàu lòng yêu nước. Hoàn cảnh đó khiến ông hiểu nông thôn và gắn bó với dân quê. Và, cả cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của ông luôn lấy cảnh vật đó, con người đó làm đối tượng sáng tác. Ông chưa bao giờ vẽ cho các quan lại! Đề tài tranh của ông mang tính chất dân tộc. Màu sắc tranh ông là những sắc màu quen thuộc của tự nhiên, hài hoà, ấm cúng. Ông thông thạo dường như tất cả các chất liệu. Để hoà nhập với mỹ thuật thời đại mà trung tâm là hội hoạ hàn lâm phương Tây, tranh sơn dầu được coi là mũi nhọn. Loạt tranh ông trình bày chính thức đầu tiên ở Đấu xảo Hà Nội năm 1923 là bốn bức sơn dầu, đề tài rất cụ thể nhưng lại rất khái quát: chân dung cụ Sĩ Đức thành Nhà nho xứ Bắc, một cô gái quê thành Cô gái Bắc kỳ ... Và, tác phẩm đưa ông lên đỉnh cao với tấm Huy chương Bạc do Hội các hoạ sĩ Pháp thành Paris tặng năm 1932 là chân dung thân mẫu tác giả, ông đặt tên là Gia từ cận tượng nghĩa là bức tranh Mẹ hiền mà nay ta quen gọi là Chân dung mẹ tôi.
Nhiều người ngắm tranh ông như nhận ra người thân của mình. Những nhân vật rất thực, rất Việt Nam, được dựng theo hình lối phương Đông để những bức chân dung có thể làm tranh thờ luôn, nó uy nghi trang trọng nhưng vẫn quen thân gần gũi. Đằng sau hình hiện lên bởi những mảng màu là cả cuộc sống xôn xao, thiêng liêng. Tại đây, sự diễn hình luôn tuân thủ phương pháp hàn lâm với sự cân đối của giải phẫu cơ thể, với ánh sáng một nguồn tạo mảng sáng tối gây độ nổi của khối, với quan hệ xa gần trong không gian, với bố cục chặt chẽ, hài hoà... Ngay từ khi mới làm quen với nghệ thuật phương Tây, bằng thế mạnh của sơn dầu ông đã tái hiện cụ Sĩ Đức, một chí sĩ Đông kinh Nghĩa thục khả kính, quắc thước, đầy tâm huyết, song chưa gặp thời, đôi mắt rực sáng, đau đáu nhắc nhở người đời cái nhục mất nước mà ông đang vấn khăn trắng để tang, và bàn tay móng lá lan chống cằm suy nghĩ lao lung với nội tâm sĩ phu Bắc Hà. Chân dung bán thân lại nhìn hơi nghiêng vào má phải không theo lối tranh thờ truyền thống, song nó tạo sự cân đối trong đổi mới, tự nhiên trong đời thường. Chính tác phẩm này đã khiến Victor Tardieu trọng nể và tin tưởng rằng tài năng của ông và người Việt Nam có thể vẽ bằng sơn dầu như người châu Âu để quyết tâm vận động thành lập Trường Mỹ thuật ở Hà Nội. Đến bức chân dung thân mẫu, ông đã có quá trình dạy vẽ và vẽ tranh rất thuần thục rồi, thì vẫn sơn dầu đấy nhưng quay lại lối bố cục truyền thống của tranh thờ, vẽ toàn thân, ngồi trang trọng, nhìn chính diện, cân đối hai nửa, trang phục theo lối một mệnh phụ phu nhân, tư thế đàng hoàng trong phong cách á Đông, khuôn mặt đoan trang, đôn hậu với trí tuệ và tình cảm gia đình diễn tả được tinh thần đôi câu đối chữ Nôm mà cụ túc nho Nguyễn Đỗ Mục đã tặng hoạ sĩ Nam Sơn để cảm ơn việc gây dựng cho người con là Nguyễn Đỗ Cung trở thành hoạ sĩ: "Bức hoạ có thơ Vương Ma Cật đã nên tài lạ; Cỏ lau làm bút Âu Dương Tu nhờ được mẹ hiền".
Tung hoành trên chất liệu mới để khẳng định sự hoà nhập với hội hoạ hàn lâm phương Tây, song đi lên từ nghệ thuật truyền thống và mở rộng ra với nghệ thuật phương Đông vốn có thế mạnh ở tranh lụa, ông đã tập trung khá nhiều cho thể loại này. Từ bức tranh lụa Về chợ bày trong triển lãm tại Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1927 đến bức Chân dung phụ nữ sáng tác năm 1940, trong chặng đường đầu này trên lụa còn có các bức được nhắc đến nhiều là Người đàn bà chít khăn trắng, Trước giờ tế, Cha khuyên con, Mùa xuân ngắm cảnh... toàn những đề tài sinh hoạt dân tộc gần gũi. Tranh lụa của ông lúc này cùng với tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân... làm nên phần nổi của hội hoạ Việt Nam đương thời, là những sản phẩm đầu tiên của Mỹ thuật Đông Dương trình ra thế giới và làm giới mỹ thuật châu Âu cảm phục. Hoạ sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã đánh giá tranh lụa Việt Nam đợt đầu này như sau: "Vững chãi về bố cục, đầm ấm về hoà sắc, bút pháp kín đáo và linh hoạt". Trong thể loại này, bức vẽ lụa và thuỷ hoạ có màu sắc Thiếu nữ nông thôn của ông đã được Bộ Giáo dục và Mỹ thuật Pháp mua năm 1935.
Phổ biến trong tranh phương Đông xưa là tranh thuỷ mặc, mà tiêu biểu là tranh vẽ mực nho. Trong thể loại này, ngay từ những ngày đầu học vẽ, ông đã làm quen cả với vẽ bằng bút lông và vẽ trực tiếp bằng đầu ngón tay - quen gọi là chỉ đầu hoạ. Chắc hẳn khi đã chính thức hoạt động trên lĩnh vực mỹ thuật, thế mạnh này được ông phát huy và nó cũng đưa ông lên một đỉnh cao vinh quang nghề nghiệp. Bức tranh mực nho ông đề tên Hán Việt là Hồng Hà hữu ngạn mãi mại mễ xứ về sau quen gọi là Chợ gạo bên sông Hồng, sau khi bày ở triển lãm Paris năm 1930 của Hội các hoạ sĩ Pháp, được Chính phủ Pháp mua bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia. Dư luận báo chí xác nhận "nét bút đan thanh của ông ngay đến nhiều tay thầy vẽ người Pháp cũng phải công nhận là tài tình", và đánh giá đây là một vẻ vang lớn của ông.
Với chất liệu khắc gỗ, ông có tác phẩm Cò trắng cá vàng (1929) được giải thưởng ở triển lãm thủ đô Roma nước Italia năm 1932 và với chất liệu phấn màu (pastel) ông cũng là người đi đầu với tác phẩm Chân dung cụ Sùng ấm Tường (1927).
Theo Tô Ngọc Vân, tài năng của Nam Sơn còn nổi bật lên ở vẽ màu nước - một chất liệu được ông sử dụng đến điêu luyện! Màu nước ở ông kết hợp cả với mực nho, mà ông có kinh nghiệm tốt nhất nên vẽ trên giấy canson. Năm 1943, sau chuyến đưa các tác phẩm hội hoạ Việt Nam đi Nhật Bản triển lãm về, bày triển lãm chung ở Hà Nội cùng với Nguyễn Văn Tỵ và Lương Xuân Nhị, Nam Sơn giới thiệu 30 bức màu nước và 6 bức sơn dầu. Sau này, riêng cảnh đường phố Hà Nội trong kháng chiến (1947), ông cũng có hơn 10 bức. Cả một số hoạ sĩ khoá kháng chiến, như Lưu Công Nhân, sau ngày hoà bình lập lại cũng tìm đến ông học hỏi về vẽ màu nước.
Trong sự nghiệp mỹ thuật mới Việt Nam, năm 1998 tại triển lãm "Mùa xuân Việt Nam" ở Paris do Bộ Văn hoá - Thông tin Việt Nam và Toà thị chính Paris tổ chức, 3 tác phẩm của ông đã được tuyển chọn. Tiếp đó, cuốn "Voyager Magazine" xuất bản tại Paris năm 1998 giới thiệu cuộc triển lãm này đã tuyển in bức Chân dung người nông dân (1940) của Nam Sơn với lời bình ghi ngay trên tác phẩm: "Chỉ cho tới ngày nay, sau bao nhiêu năm bị lãng quên, các hoạ sĩ Việt Nam đã buộc người ta phải kính trọng".
Sau hơn nửa thế kỷ sáng tác và giảng dạy, hoạ sĩ Nam Sơn đã đạt được cái đích cùng đồng nghiệp "tạo nên một nền nghệ thuật cho quốc gia Việt Nam" như trong bản đề cương Mỹ thuật Việt Nam ông đã định hướng từ đầu thế kỷ 20. Ngoài sự ghi công là Người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, là giáo sư chuyên ngành bậc 2 dạy hình hoạ và trang trí do chính quyền Đông Dương Pháp công nhận, hoạ sĩ Nam Sơn còn được giới mỹ thuật sành sỏi ở Paris cấp Bằng khen và tặng Huy chương Bạc (1932), có tác phẩm được tuyển chọn đưa vào Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Pháp. Những mốc son ấy đều mang tính "khai sơn phá thạch" cho một sự nghiệp lớn. Do có uy tín nghề nghiệp trong giảng dạy, hoạt động văn hoá và đạo đức, năm 1946 hoạ sĩ Nam Sơn được Bộ Quốc gia Giáo dục Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà mời vào Hội đồng cố vấn học viện Đông phương bác cổ. Khi Hội Mỹ thuật Việt Nam thành lập năm 1957, Nam Sơn đã 67 tuổi, ông được bầu vào Ban Chấp hành và giữ chức vụ này suốt 16 năm cho đến khi qua đời ngày 26/1/1973 (tức 23 tháng Chạp năm Nhâm Tý). Cuối cùng, vào năm 1998, tức là 25 năm sau khi Nam Sơn qua đời, Hội Mỹ thuật Việt Nam truy tặng ông Huy chương "Vì sự nghiệp Mỹ thuật".
Thế thôi, nhưng phần thưởng lớn nhất với Nam Sơn mà xã hội thừa nhận là sự ra đời của trường Mỹ thuật với lớp lớp hoạ sĩ mà ông đào tạo từ năm 1925 nay đã thành danh. Và, cụ Nghiễn Đào - hoạ sĩ vẽ chỉ đầu hoạ, năm 1934 đã tặng Nam Sơn bức tranh Thạch lan, coi ông như hoa lan đẹp trên đá cằn, với lời đề tặng: "Cổ kim hội hoạ phi tiểu đạo dã, nhi Âu mỹ thuật Nam Sơn khả xưng diệu thủ" (xưa nay hội hoạ không phải là cái đạo nhỏ, với mỹ thuật Âu tây, Nam Sơn thật xứng đáng là diệu thủ). Hoạ sĩ Nam Sơn bước vào cõi vĩnh hằng ở tuổi 83 với đạo lý nhà nho khiêm nhường THi ân bất cầu báo, vô cầu phẩm tự cao.
Hoạ sĩ Nam Sơn là cây cầu nối mỹ thuật truyền thống với mỹ thuật hiện đại, được thế giới kính trọng và là niềm tự hào của mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Tuy vậy, đi trên con đường vinh quang "quốc thuật nước Nam" ngày nay, một số người vẫn chưa nhận ra mũi tên cha ông định hướng, hoặc tôn thờ cái người ta đã bỏ, hoặc còn ngơ ngác mà lãng quên thế hệ trước! Lịch sử khách quan luôn đòi hỏi người nghiên cứu phải có nghề và có tâm.
Cố PGS Chu Quang Trứ
Các tin liên quan:
- Vị dũng tướng Cần vương Bình Định (16-04-2007)
- Danh tướng Ngô Văn Sở và vua Càn Long (12-04-2007)
- Giản Định Đế (1407-1409) (09-04-2007)
- Hồ Hán Thương (1401-1407) (03-04-2007)
- Lý Thái Tông (1028-1054) (30-03-2007)
- Thái hậu Dương Vân Nga (27-03-2007)
- Lê Trang Tông (1533-1548) (23-03-2007)
- Mạc Đăng Dung (1527 – 1529) (20-03-2007)
- Hưng Ðạo Ðại Vương - Trần Quốc Tuấn (12-03-2007)
- Trần Thánh Tông (1258 – 1278) (02-03-2007)
Cập nhật 16-08-2006