Những sứ thần Đại Việt ngày xưa như thế đấy
Thực hiện đường lối ngoại giao giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nêu cao chính nghĩa, hoà hiếu là một nhiệm vụ cực kì khó khăn của một nước nhỏ luôn phải đối phó với những âm mưu bành trướng thôn tính của nước lớn. Các vương triều Đại Việt ngày xưa chưa có cơ quan chuyên trách ngoại giao, chưa có người làm ngoại giao chuyên nghiệp, khi cần người đi sứ hay tiếp sứ thì vua, chúa cử trong số các quan lại triều đình. Trong việc bang giao ngày xưa, ngoài những việc về lễ nghi như triều cống theo lệ, xin phong vương, báo tang, chúc mừng Thiên tử lên ngôi hay chia buồn, thì công việc ngoại giao quan trọng nhất của các sứ thần là giải quyết những tranh chấp về đất đai, đấu tranh giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ không để cho các biên thần của Thiên triều lấn chiếm vùng biên giới của nước ta, làm những việc đã rồi, hoặc xin hoãn binh hoặc giải quyết những hậu quả chiến tranh giữa hai nước, duy trì hòa bình là những việc lớn liên quan đến an nguy của đất nước.
Vì vậy những quan lại được cử làm ngoại giao, lập sứ hay đi sứ đều là những quan lại giỏi, “trí dũng song toàn”. Những nhà ngoại giao Đại Việt là đại diện cho một quốc gia văn hiến luôn chứng tỏ cho Thiên triều biết nước ta cũng là một nước văn hiến không kém gì thượng quốc. Những người đi sứ ngày xưa đều đã thuộc lòng những câu trong sách Luận ngữ: “Sứ ư tứ phương, bất nhục quân mệnh, khả vi sĩ hỉ”. Nghĩa là: Kẻ sĩ đi sứ bốn phương, không làm nhục mệnh vua, được như thế mới gọi là kẻ sĩ. “Sứ ư tứ phương, bất năng chuyên đối, tuy đã diệc hề dĩ vi”. Nghĩa là: Đi sứ bốn phương, tự mình không có tài ứng đối, thì học nhiều mà làm gì.
Đến đời Lê, các nhà ngoại giao hầu hết là những người đã đỗ đại khoa, nhiều người là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, có người là những nhà ngoại giao chiến lược như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm với chủ trương đường lối ngoại giao được thi hành trong vài ba chục năm và có rất nhiều nhà ngoại giao đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của triều đình giao phó, đã “Đem chuông đi đấm nước người”. Không làm nhục mệnh vua, giữ gìn được quốc thể, bảo vệ được lợi ích dân tộc, đòi hỏi sứ thần phải tinh thông địa lí, lịch sử, văn hoá nước mình, nước người, tài năng mẫn tiệp, ứng đối nhanh trí, thông minh, lịch lãm. Lịch sử còn ghi lại lý lẽ đấu tranh của trạng nguyên Lê Văn Thịnh, tài ứng đối của trung nguyên Mạc Đĩnh Chi với quan lại triều Nguyên trong bao nhiêu việc đến mức độ lưu truyền trong nước là ông được phong “Lưỡng quốc trạng nguyên”, tài biện luận của Nguyễn Trung Ngạn, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Công Hãng, Hồ Phi Tích, Nguyễn Công Nhuận trong việc đòi đất bị lấn chiếm ở vùng biên giới. Lê Quý Đôn đi sứ đã làm cho các quan nhà Thanh phải hết lời khen ngợi, kính phục mà nói rằng nhân tài nước Nam như Lê tiên sinh thì ngay cả Trung Hoa cũng chỉ có đến 1, 2 người. Không những thế, với học vấn uyên bác, lịch lãm Lê Quý Đôn còn làm cho cả sứ thần các nước láng giềng như Lưu Cầu, Triều Tiên phải kính phục, ông lại xây đắp thêm tình hữu nghị giữa hai nước với việc giới thiệu nền văn hiến nước nhà. Dưới triều Tây Sơn, những nhà ngoại giao như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyên Tuấn đều là những nhà văn hoá lớn đã làm nên trang sử ngoại giao vẻ vang của triều đại Quang Trung.
Một biểu hiện nữa của chữ “Trí” của các nhà ngoại giao Đại Việt là phải biết làm thơ, làm thơ thù tiếp các quan lại địa phương ra đón, làm thơ thù phụng với các quan sứ trong triều, làm thơ mừng chúc thọ vua, làm thơ khi đón tiếp sứ thần nước ngoài đến kinh đô phong vương, làm thơ tiễn biệt... Việc là thơ tuy không bắt buộc nhưng là một biểu hiện trình độ văn hoá của sứ thần, của thần dân một nước có văn hiến. Chính một sứ thần Trung Hoa là Tiền Phổ sang phong vương cho Lê Thánh Tông năm 1462 đã yêu cầu khi tiếp đón sứ phải biết làm thơ để bộc lộ cái chí cho người khác biết. Về việc làm thơ của các sứ thần thì có lẽ không lấy gì làm khó khăn vì người nào ngày xưa cắp sách đi học mà không biết làm thơ, huống chi những sứ thần đều là những người đã đỗ đạt trung, đại khoa. Làm thơ tưởng như là chuyện thong thả vui chơi, hàn huyên tâm sự, nhưng đối với các sứ thần thì quả thật không chỉ là chuyện giao hảo, phải tuỳ theo quan hệ giữa 2 nước trong từng thời kỳ mà thể hiện tình hòa hiếu, tự cường dân tộc. Trong dân gian ta thường có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, còn trong việc bang giao giữa các sứ thần ngày xưa thì bài thơ cũng có thể coi như mở đầu cho việc giao dịch bàn bạc thuận lợi. Phùng Khắc Khoan sang Yên Kinh cầu phong vương cho vua Lê Thế Tông năm 1597 đã bị để nằm ở công quán 4,5 tháng trời không được dâng biểu. Nhân dịp vua Minh Thần Tông mừng thọ 80 tuổi, ông đã làm 31 bài thơ chúc thọ trong tập Vạn thọ vô cương dâng lên, đến được tay vua Minh xem, được khen là trung hậu và sau đó đã nhận biểu phong cho vua Lê. Đường lối “ngoại giao văn chương” đã do sứ thần Phùng Khắc Khoan sáng tạo sử dụng từ thế kỷ 16.
Cùng với chữ Trí, tài năng văn hoá sâu rộng tiêu biểu cho nền văn hiến của quốc gia, các nhà ngoại giao Đại Việt đã thấm nhuần chữ Dũng, nghìn là có dũng khí, can đảm, bất khuất, không sợ chết trước mặt đối phương, không sợ gian khổ khi đi làm nhiệm vụ vua giao phó: Kiều Văn Ứng vâng lệnh Lý Thường Kiệt sang trại giặc bàn với Quách Quỳ, bao nhiêu sứ thần đời Trần đi sứ quân Nguyên trong 3 lần chiến tranh là coi như đi vào cái chết nhưng tất cả đều vâng mệnh vua. Đỗ Khắc Chung xung phong vào trại Ô Mã Nhi xin hoãn binh... Nhiều sứ thần bị giam giữ như Đào Tử Kỳ bị giam ở Giang Lăng 1 năm, Trịnh Đình Toàn, Nguyễn Nghĩa Toàn và 34 hành nhân đã bị nhà Nguyên giam giữ. Lâu hơn cả là Lê Quang Bí đi sứ năm 1548, bí giam cầm đến 18 năm mà được tha về. Ngô Tử Can đi sứ Chiêm Thành cũng bị giữ lại. Hơn thế nữa, có sứ thần còn bị giết hại như Nguyễn Nhật Tư và Lê Ngân sang cầu phong cho Trần Quý Khoáng vào năm 1411 đã bị vua Minh giết hại, Nguyễn Biểu đã bị tướng Minh thử thách tinh thần bằng cách dọn cho ăn cỗ là đầu một người Việt Nam đã bị chúng bắt giết rồi sau đó đem trói dưới chân cầu cho nước dâng lên dìm chết.
Không những phải có dũng khí trước mặt đối phương, các sứ thần Việt Nam còn phải dũng cảm vượt qua bao nhiêu gian khổ trên đường đi sứ. Phải vượt hàng vạn km bằng đường bộ, đường thuỷ, khi đi xe ngựa, khi đi thuyền trong thời gian cả đi và về kéo dài đến gần hai năm, khi mưa, khi nắng gió, khi tuyết rơi lạnh buốt, khi đắm thuyền, khi mưa dột không chỗ che thân, khi bị mất trộm cả tư trang lẫn đồ triều phục, khi ốm đau bệnh tật phải bỏ xác nơi đất khách quê người trên đoạn đường dài hàng vạn km mà sử sách cũ đã không ghi lại hết. Sứ thần Phạm Mưu chết trên đường đi sứ Nguyên năm 1295, Doãn Bang Hiến chết năm 1322, Phó sứ Phan Ninh, hành nhân Nguyễn Cát Phu cùng 7 nhân viên đi sứ Minh bị bệnh dịch chết năm 1435, Phạm Quang Tiến đời Mạc đi sứ chết trên đường đi năm 1530, Bùi Bỉnh Quân chết năm 1632, Đinh Nho Hoàn đi sứ nhà Thanh chết năm 1821, sứ bộ Phạm Hi Lượng đi sứ nhà Thanh năm 1870 bị chết 3 người, sứ bộ Phan Thanh Giản đi sứ Pháp năm 1863 cũng có 2 người bị chết…
Một chuyện nữa mà chúng ta không thể không nhắc đến là ngoài nhiệm vụ chính là công việc chính trị được giao, các sứ thần Đại Việt đã góp phần quan trọng trong việc tiếp thu và phổ biến những kĩ thuật học tập được trong khi đi sứ. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, trong nhiều chuyến đi sứ, một số sứ thần đã chú ý học nghề, tìm hiểu các bí mật nghề nghiệp, kĩ thuật cao, để mang về nước, truyền bá cho dân. Trong dân gian vẫn thường kể chuyện về một số sứ thần đã để công học hỏi kĩ thuật các nghề thủ công ở nước ngoài đem về dạy cho dân trong nước. Trần Lư quê làng Bình Vọng, nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, tinh thông nghề thuốc nên trong lần đi sứ năm 1488 sang Trung Quốc, được cử làm người bốc thuốc cho các sứ thần. Năm 1502 ông thi đỗ Tiến sĩ, đến năm 1505 ông được cử làm Phó sứ sứ bộ sang Trung Quốc. Trong 2 lần đi sứ ông đều có ý tìm tòi học hỏi nghề vẽ sơn trang trí. Khi về nước ông đã dạy cho dân trong làng và xung quanh nghề vẽ sơn trang trí. Phùng Khắc Khoan quê làng Phùng Xá (còn gọi là làng Bùng), huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây, thi đỗ Hoàng Giáp năm 1580, được cử đi sứ 2 lần vào năm 1597 và 1606. Trên đường đi sứ qua các vùng dệt lụa ở Trung Quốc, ông đã để ý xem xét dân địa phương kéo tơ từ kén tằm sao cho nhỏ, kĩ thuật làm cho sợi tơ thêm bóng, mềm và mượt. Ông cũng để ý đến kết cấu của các khung cửi sao cho dệt được nhiều loại lụa, cách dệt lụa sao cho mịn và bóng. Khi về nước ông đã phổ biến kĩ thuật đó cho dân làng, vì thế nên dân làng Bùng đã dệt được một thứ lụa mượt, mềm và bóng, gọi là lượt. Lượt của làng Bùng nổi tiếng trong cả nước từ đó, dần dần nghề dệt lượt được lan truyền đi các vùng khác. Trong nhiều sách cũng đều chép ông là người đã đem các hạt giống đậu đen, đậu nành (đậu tương) và hạt ngô, giấu trong chỗ kín trong người khi qua cửa ải về nước, để phổ biến cho dân trong nước gieo trồng, làm cho ngũ cốc thêm phong phú hơn. Trần Quốc Khái người xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, đỗ Tiến sĩ năm 1637 được cử đi sứ nhà Minh, ông đã tìm cách học được nghề thêu và nghề làm lọng. Khi về nước ông truyền dạy cho dân làng và xung quanh. Khi ông mất, dân làng đã lập đền thờ và tôn là tổ nghề thêu. Đặng Huy Thứ người xã Hương Xuân, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, đỗ Tiến sĩ năm 1847 được vua Tự Đức cử đi sứ 2 lần đến Quảng Châu, Hồng Kông, Ma Cao. Khi về nước, ông đã đề xuất nhiều cải cách về kinh tế, mở mang việc thương mại. Chính ông là người đã mua máy ảnh và phụ tùng về mở hiệu ảnh đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1869, lấy tên hiệu là Cảm Hiếu Đường. Mục đích mở hiệu ảnh không phải là kinh doanh kiếm lời mà là để quảng cáo khoa học kĩ thuật mới trên thế giới và giúp cho con cháu có tấm ảnh thờ cha mẹ khi qua đời cho trọn chữ hiếu (nên có tên hiệu là Cảm Hiếu Đường).
Năm 1863, vua Tự Đức cử sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp để điều đình xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông. Trong thời gian ở Pháp, Chánh sứ Phan Thanh Giản đã mời đại sứ nước Áo và Thổ Nhĩ Kì đến để tìm hiểu về các loại thuế hàng hoá ở hai nước này với hi vọng làm cho nền tài chính đất nước thoát khỏi khó khăn. Cũng chính trong dịp đi sứ này, Phó sứ Phạm Phú Thứ đã học hỏi người dân Ai Cập cách lấy nước tưới ruộng bằng xe trâu và đã phổ biến ở miền Trung khi ông về nước, mọi người đều làm theo vì thấy rất có lợi so với dùng sức người.
Thật đáng kính trọng biết bao những nhà ngoại giao Đại Việt mang trong mình những phẩm chất cao quý, “trí dũng song toàn”, truyền thống anh hùng bất khuất của đất nước Việt Nam. Thiết nghĩ những phẩm chất của họ vẫn là những bài học bổ ích cần thiết cho các nhà ngoại giao ngày nay. Tất nhiên chữ Trí ngày nay cũng bao hàm một nội dung mới phù hợp với thời đại (như tinh thông ngoại ngữ, hiểu biết địa lí, lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hoá, đường lối của đối phương, hiểu biết đến một mức độ nhất định khoa học kĩ thuật... Chữ Dũng thể hiện ở chỗ vượt lên mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, luôn đặt lợi ích của đất nước lên trên, dám nêu những nhận định chủ quan, những kiến giải phục vụ sự phát triển của dân tộc. Ngày nay vai trò của các nhà ngoại giao trong việc tiếp thu những thành tựu của khoa học xã hội, nhân văn và khoa học kĩ thuật tiến bộ trên thế giới, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trong nước, đẩy mạnh giao lưu văn hoá, xã hội với các nước là không thể thiếu được. Có bao nhiêu nhà ngoại giao Việt Nam đã học tập và thể hiện được những phẩm chất của ông cha ta ngày xưa, góp phần thúc đẩy đất nước Việt Nam đuổi kịp các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới?
Nguyễn Thế Long
Related news:
- Vị dũng tướng Cần vương Bình Định (16-04-2007)
- Danh tướng Ngô Văn Sở và vua Càn Long (12-04-2007)
- Giản Định Đế (1407-1409) (09-04-2007)
- Hồ Hán Thương (1401-1407) (03-04-2007)
- Lý Thái Tông (1028-1054) (30-03-2007)
- Thái hậu Dương Vân Nga (27-03-2007)
- Lê Trang Tông (1533-1548) (23-03-2007)
- Mạc Đăng Dung (1527 – 1529) (20-03-2007)
- Hưng Ðạo Ðại Vương - Trần Quốc Tuấn (12-03-2007)
- Trần Thánh Tông (1258 – 1278) (02-03-2007)
Last modified 05-09-2006