Cụ Huỳnh Thúc Kháng và sự ra đời báo Tiếng Dân tại Huế
Trước khi báo Tiếng Dân ra đời, ở miền Trung hầu như chưa có tờ báo chính thức nào. Vào những năm 1925-1926, Nguyễn Bá Trác và Phan Bội Châu cùng một số người khác có ý định ra báo nhưng bị chính quyền Nam triều ngăn trở.
Báo Tiếng Dân ra đời trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn giữa lúc nhân dân miền Trung đang chờ đợi sự xuất hiện một tờ báo đứng đắn bằng Việt ngữ.
Cuối cùng tờ Tiếng Dân ra mắt độc giả tại Huế với số báo đầu tiên đề ngày 10 tháng 8 năm 1927 do cụ Huỳnh Thúc Kháng chủ trương. Vậy nguyên nhân nào nhà nước lúc bấy giờ cho phép cụ Huỳnh, một cựu chính trị phạm ra báo?
Có lẽ, tình hình lúc ấy có một số cải cách được tiến hành cho nên việc nương tay với cụ Huỳnh chắc chắn sẽ đạt được những hiệu quả tuyên truyền nào đó. Hơn nữa, chính quyền thực dân cho rằng, hơn chục năm tù đày đã làm nhụt tinh thần yêu nước của chí sĩ và việc cụ thể là cụ Huỳnh gia nhập vào Viện Dân Biểu chính là có sự thỏa hiệp từng bước với nhà nước bảo hộ.
Còn đối với cụ Huỳnh Thúc Kháng, khi ứng cử vào Viện Dân Biểu, cụ cũng có ít nhiều ảo tưởng là sẽ dùng diễn đàn này để nói lên khát vọng của quần chúng nhân dân. Nhưng chỉ sau hơn một năm, ý đồ đó đã tan thành mây khói. Nhận thức rõ vai trò nghị viện của mình chỉ mang tính chất bù nhìn nên cụ cùng một số người đã quyết định từ chối, dành trọn tâm huyết cho nghề viết báo. Và trên số báo Tiếng Dân ra ngày 18/8/1928 có đăng bài thơ trào phúng của tác giả Tha Sơn Thạch, cũng đủ nói lên điều đó:
Sân khấu đã ra tranh một ghế
Vai tuồng cũng phải hát đôi câu
Cơ quan hợp tác chừng ra thế?
Chánh thể văn minh thực ra đâu?
Biết chăng tấm lòng dân ước mỏi
Đã qua năm trước ngóng năm sau
Dù ở cương vị nào, cụ Huỳnh vẫn giữ trọn tiết tháo của một kẻ sĩ, chỉ biết tận tâm tận lực với quốc gia đại sự. Tên tuổi của cụ gắn liền với báo Tiếng Dân, ngọn cờ đầu của dòng báo chí yêu nước ở miền Trung và của cả nước.
Báo Tiếng Dân được phép xuất bản theo nghị định ký ngày 12/02/1927 của Toàn quyền Đông dương Pasquiet. Tờ báo có khổ 58 x 42cm, phát hành mỗi tuần hai kỳ. Trong thời kỳ vận động dân chủ 1936 - 1939, báo ra ba kỳ một tuần. Mặc dù chỉ có 4 trang nhưng do khổ báo lớn nên dung lượng bài vở của báo khá phong phú. Đây là tờ báo đầu tiên ở miền Trung và là tờ nhật báo duy nhất xuất hiện trước năm 1930. Tuy có ra trễ hơn nếu so với báo chí ở hai miền Nam, Bắc nhưng báo Tiếng Dân đã đóng một vai trò chính trị quan trọng và cụ Huỳnh Thúc Kháng đã giải thích từ “Tiếng Dân” trên tờ La Tribune Indochinoise số ra ngày 24/12/1926 như sau:
“Đó là sự vui mừng, sự buồn tủi và sự chờ đợi ấp ủ trong lòng hàng triệu đồng bào. Dân là đầu mối của nước. Tiếng Dân đi sát với nhứng vấn đề trong nước. Nếu chánh phủ biết rõ những nguyện vọng sâu xa của dân thì cần gì đối xử bất công với Tiếng Dân như đã từng đối xử với vài tờ báo đã ra mắt gần đây và đã bị đóng cửa. Tờ báo này thật xứng đáng để mang tên là Tiếng Dân, vì trong thực tế, phải nhờ đến báo chí thì Tiếng Dân mới bộc lộ ra được”.
Trần Đình Phiên, Đào Duy Anh, Nguyễn Quý Hương là những cộng sự viên đáng chú ý nhất. Và suýt 16 năm ròng rã đấu tranh chính trị, cơ quan ngôn luận này gây được cảm tình nồng hậu với độc giả, và đường lối của báo vẫn luôn công kích chính quyền bảo hộ, bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Tuy nhiên đường lối của báo Tiếng Dân mới chỉ chú trọng đến việc giải quyết những nhu cầu trước mắt, chưa quan tâm đúng mức đến lợi ích lâu dài của dân tộc.
Ngoài những nội dung chính trị chính yếu trên, Tiếng Dân còn đề cập khá phong phú đời sống xã hội, từ đời sống thiếu thốn, đày ải của người tù chính trị ở Côn Đảo, Sơn La đến vấn đề tự do ngôn luận. Tờ báo còn có nhiều bài nói lên chính kiến của mình về lịch sử, văn hoá và thơ ca. Các mục văn vần, tự do diễn đàn rất được bạn đọc hoan nghênh. Tiếng Dân còn là diễn đàn tranh luận về nhiều vấn đề bức xúc của xã hội.
Có thể nói, cụ Huỳnh Thúc Kháng khi làm chủ nhiệm báo Tiếng Dân là hiện thân của một chiến sĩ xã hội, một nhà yêu nước chân chính.
Báo Tiếng Dân ra số cuối cùng vào ngày 28/4/1943, để lại sự luyến tiếc sâu sa với bạn đọc cả nước.
Nguyễn Nhân Thống
Các tin liên quan:
- Hồ Quý Ly (13-02-2007)
- Lý Thái Tổ (1010-1028) (05-02-2007)
- Trịnh Thiết Trường (thế kỷ XV) (01-02-2007)
- Lê Đại Hành (980-1005) (26-01-2007)
- Đinh Tiên Hoàng (968 - 979) (22-01-2007)
- Triều Ngô Vương (Từ năm 939 - 965) (16-01-2007)
- Mạc Đĩnh Chi (1280 – 1346) (12-01-2007)
- Người họa sỹ xung kích trong kháng chiến chống Pháp năm xưa (09-01-2007)
- Nguyễn Văn Trường (1918 - 1994) (05-01-2007)
- Trần Duệ Tông (1336-1377) (02-01-2007)
Cập nhật 22-09-2006