Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Wednesday, 25/12/2024 1:11

Nguyễn Hiền (1235 - ...?)



1. Trạng nguyên tuổi 12

 

Khoa thi năm Đinh Mùi (1247), dưới triều Trần, đời vua Trần Thái Tông có sự kiện lạ, làm cả triều đình và bàn dân thiên hạ kinh ngạc. Đó là người chiếm bảng vàng nhất nước, đoạt học vị Trạng nguyên là một cậu bé 12 tuổi, tên là Nguyễn Hiền, người làng Dương A, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường (nay là xã Nam Thắng, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định).

 

Truyện kể rằng, năm mới lên 6, 7 tuổi, Nguyễn Hiền theo học một nhà sư trong làng, sách chỉ đọc qua là nhớ, mỗi ngày học hết 20 trang. Sư viết được trang nào là Hiền thuộc ngay, như thể đã học trước rồi. Nguyễn Hiền có tính hay đùa nghịch, sau lưng các pho tượng Phật trong chùa, đều có những dòng chữ “Phạt 30 roi”, “Phạt 60 roi” do Hiền viết. Một hôm, sư ông phát hiện thấy, nhận ra nét chữ của Hiền. Đến giờ giảng bài trên lớp, sư bèn chọn câu văn trong sách Nho: “Kính quỷ thần nhi viễn chi” (Kính quỷ thần phải lánh xa), cho học trò chép học và răn rằng: “Phật cũng là thần, không được nhạo báng”.

 

Nguyễn Hiền nhận thấy lỗi của mình, cậu đã tự lấy giẻ lau sạch chữ viết sau các pho tượng.

 

Hiền học một biết mười, năm 11 tuổi đã nổi tiếng là thần đồng. Bấy giờ, có một người tên là Đặng Tính, ở phủ Bắc Giang, tự cho mình thông thái, chữ nghĩa hơn người, tìm đến gặp Hiền để thử tài. Ông Đặng lấy đầu đề bài phú: “Phượng hoàng sào vu A Các, Kì lân du vu Uyển Hựu” (Chim phượng hoàng làm tổ trên núi A Các, con kì lân ra chơi vườn Uyển Hựu) và yêu cầu thần đồng Nguyễn Hiền làm bài phú không được dùng lại chữ “phượng hoàng” và “kì lân”, nhưng mỗi câu phải có tên một giống thú.

 

Nguyễn Hiền ứng khẩu đọc:

“Quy phi Lục Thuỷ (Con rùa không đợi ở sông Thuỷ),

Long bất Mạnh Hà (Con rồng không xuất hiện nơi sông Mạnh Hà).

Y hi! Hữu Hùng chi quốc (Tốt thay nước Hữu Hùng, chữ Hán “Hùng” có nghĩa là con gấu).

Ấp vu Trác Lộc chi a (Đóng đô ở gò Trác Lộc. “Lộc” nghĩa là con hươu)”.

 

Nghe xong, Đặng Tính liền bái phục khen: “Thiên tài! Thiên tài!”

 

Năm Bính Ngọ (1246), Hiền dự thi và đõ thủ khoa, tiếp đến khoa thi Đinh, năm Đinh Mùi (1247) liền đỗ trạng. Bài thi do nhà vua ra, đề là: “Áp tử từ kê mẫu du hồ phú” (Bài phú nói về con vịt từ giã mẹ gà đi chơi hồ). Nội dung đề ra rõ ràng là khá rộng và trừu tượng, hiểu được ý không phải dễ, mà lại còn yêu cầu diễn đạt bằng thể phú nữa kia! Nguyễn Hiền không chỉ hiểu sâu sắc đề ra, mà còn viết thành một bài phú có tính chất nghị luận rất xuất sắc, vừa thể hiện được nhận thức về cuộc sống, vừa tỏ rõ khả năng uyên bác, văn chương mạnh mẽ của một cậu bé chỉ mới ở tuổi 12!

 

Khi Nguyễn Hiền vào cung yết kiến, nhà vua thấy Trạng còn quá nhỏ, mà thông thái hơn người, bèn hỏi:

 

- Trạng nguyên học ở đâu?

 

Nguyễn Hiền cứ thực tình tâu:

 

- Thần tự học lấy, nhưng có một đôi chữ không hiểu thì phải hỏi sư ông ở chùa làng.

Nhà vua thấy trạng nói năng tự nhiên, chưa hiểu phép tắc, lễ nghĩa, lại có ý tỏ ra kiêu căng, nên cho là chưa thể bổ nhận chức quan trong triều được, bèn cho trạng về nhà học hành thêm, chờ 3 năm sau khôn lớn mới bổ dụng.

 

Trạng về nhà, ngoài việc đọc sách, giúp đỡ công việc gia đình, còn thời giờ thì kết bạn với trẻ con trong làng đánh khăng, thả diều, vui chơi thoả thích.

 

2. Gỡ bí cho cả triều đình

 

Ít lâu sau khi trạng về nhà, thì sứ nhà Nguyên sang nước ta. Muốn thử nước Nam có người tài hay không, họ bèn chuyển tới các quan lễ tân một chiếc vỏ ốc xoắn và một sợi chỉ mảnh thách tìm được cách xâu qua, kèm theo bài thơ có nội dung như sau:

 

“Hai mặt trời, mặt trời bằng đầu

Bốn trái núi, trái núi điên đảo

Hai ông vua tranh nhau một nước

Bốn cái miệng trong khoảng dọc ngang”.

 

Vua giao cho các quan đình thần nghiên cứu trả lời, nhưng không một ai giải đáp được cả. Trong khi cả triều đình đang bí, bỗng có người nhớ đến trạng nguyên Nguyễn Hiền, bèn tâu vua cho mời trạng đến hỏi, may ra mới hiểu được. Nhà vua y lời ngay và lập tức sai quan đến tận nhà đón trạng. Khi quan sứ của nhà vua tới đầu làng Dương A thì gặp một cậu bé. Quan dừng lại hỏi thăm nhà trạng Hiền. Câu bé cứ làm thinh, trố mắt nhìn, ra vẻ xem thường. Quan bực lắm, nghĩ bụng thằng bé lếu láo này ra dáng học trò, biết dăm ba chữ nghĩa đây. Ta hỏi hắn một câu thật hóc búa, cho bớt cái tính ngông nghênh. Quan bèn đọc: “Tự là chứ, cất giằng đầu, tử là con, con ai con ấy?”

 

Viên quan dùng lối chiết tự. Nguyên chữ “tự”, nghĩa là “chữ”, phía trên có nét viết giống như cái giằng xay. Bỏ nét đó đi thì thành chữ “tử”, có nghĩa là “con”.

 

Cậu bé bấy giờ mới mỉm cười, mở miệng, nhưng không phải trả lời, mà hỏi lại quan câu sau:

 

- “Vu là chưng, bổ ngang lưng, đinh là đứa, đứa nào đứa này?”.

 

Câu hỏi cũng dùng lối chiết tự. Chữ “vu” nguyên có hai nét ngang và một nét móc, bỏ đi nét ngang thì thành chữ “đinh”, nghĩa là “đứa”.

 

Hỏi xong, cậu bé ù té chạy vào làng. Nghe câu hỏi ý xấc xược, nhưng chữ nghĩa dùng rất tài tình, quan đoán ngay đứa bé chằng phải ai ngoài trạng Hiền, liền mừng rỡ, hết giận và theo chân tìm đến nhà trạng.

 

Quan vào đến sân thì thấy trạng đang đứng trong bếp nhìn ra, miệng tủm tỉm cười. Quan bèn đọc trêu:

 

- “Ngô văn quân tử, viễn bào trù, hà tu mị táo”. Nghĩa là: “Ta nghe người quân tử thường lánh xa nơi bếp núc, sao lại đi nịnh ông bếp?

 

Nghe vậy, trạng trả lời ngay:

 

- “Ngã bản hữu quan cư đỉnh nại, khả tạm điều canh”. Nghĩa là: Ta vốn là chức quan hàng tể tướng, nhưng hãy tạm nêm canh.

 

Trong câu của quan có chữ “bào trù” (bếp núc) và “mị táo” có nghĩa là “nịnh bếp núc”. Còn trạng Hiền đã dùng chữ “đỉnh nại” (tể tướng) và “điều canh” cũng là “làm tể tướng” để chọi lại.

 

Quan rất thán phục tài ứng đối của trạng, rồi thuật lại cho trạng nghe những điều sứ Nguyên thách đố và truyền chỉ dụ của vua vời trạng về kinh để giúp triều đình. Trạng nghe quan nói, cứ im lặng chẳng trả lời. Quan van vỉ mãi, trạng mới nói: “Trước kia vua bảo ta không biết lễ phép, nay chính vua cũng không hiểu lễ là gì!”. Thì ra, vì quan sứ đi vội và cũng có thể xem trạng là trẻ con, nên đã quên mất cả nghi thức đón trạng, như phải có chiếu chỉ nhà via, có xe ngựa chu tất....

 

Quan sứ chào trạng, lên ngựa trở lại kinh, bỗng nghe mấy trẻ trong làng hát to:

 

“Tích tịch tang, tích tịch tang!

Bắt con kiến càng cuộc chỉ ngang lưng

Bên thì lấy giấy mà bưng

Bên thì bôi mật kiến mừng kiến sang

Tích tịch tang, tích tịch tang!”

 

Viên quan biết trạng đã gián tiếp bày cho giải câu đố theo cách xâu chỉ, bèn nhẩm thuộc bài ca để về tâu vua.

 

Quan sứ chuẩn bị đầy đủ nghi thức đón được trạng về triều. Nhà vua đưa bài thơ của sứ Nguyên cho trạng xem và hỏi người Mông – Nguyên định nói gì. Trạng chỉ đọc lướt qua, đã phát hiện toàn bộ nội dung bài thơ chỉ mô tả có mỗi một  chữ “Điền”. Vì chữ “Điền” có hình dáng giống như hai chữ nhật (là mặt trời) bằng đầu đề sóng hàng. Hai chữ sơn (là núi) xáo trộn đầu đuôi. Hai chữ vương (nghĩa là vua) nghiêng ngửa tranh một nước và bốn chữ khẩu (chỉ cái miệng) liền nhau ghép dọc ngang. Bấy giờ vua và cả triều đình mới hiểu ra, thở dài khoan khoái. Sứ Nguyên khi xem lời giải đáp cũng cả kinh, biết nước Nam có những người tài, không dám khinh thường, kiêu căng hách dịch quá quắt!

 

Có tài liệu chép rằng: sau lần đó, vua Trần mời trạng ra giao chức Thượng thư bộ công. Khi trạng mất (có lẽ trạng mất sớm), nhân dân lập đền thờ tại quê, được vua ra chỉ dụ cấp cho dân xã 5 mẫu ruộng để lo việc thờ cúng và đổi tên huyện Thượng Hiền thành Thượng Nguyên, không nhắc đến tên huý của trạng, để tỏ lòng tôn kính.

 

(Theo Thần đồng xưa của nước ta - NXB Giáo Dục - 1998)

Created by admin
Last modified 28-11-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin