Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thư tư, 25/12/2024 11:27

Người họa sỹ xung kích trong kháng chiến chống Pháp năm xưa

Năm 1945 Cách mạng Tháng Tám đã làm thay đổi tâm thức và cuộc sống của toàn dân tộc, trong đó có văn học nghệ thuật. Nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc tốt nghiệp hoặc đang học ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, tham gia cách mạng bằng chính nghề nghiệp của mình.

 


Họa sĩ Tô Ngọc Vân đã vẽ hai bức tranh cổ động khổ lớn: Phá xiềng và Việt Nam giải phóng. Ông được Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trao cho trách nhiệm lập lại trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, trụ sở trường được đặt tại phố Lò Đúc, Hà Nội. Khóa đầu tiên khai giảng ngày 15-11-1945, trong điều kiện trường sở bị thiếu thốn nhưng ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cùng với việc mở trường, ông tham gia sáng tác và trưng bày tác phẩm trong những triển lãm mỹ thuật đầu tiên của Cách mạng.

 

Đầu năm 1946 được Hội văn hóa Cứu quốc giới thiệu, ông cùng các họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim vào Bắc Bộ phủ vẽ tranh và nặn tượng Bác. Bức tranh sơn dầu Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ phủ đã được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội. Đó là bức tranh chân dung sơn dầu đẹp nhất của Tô Ngọc Vân sáng tác về lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

 

Thực dân Pháp trở lại xâm chiếm nước ta, danh họa Tô Ngọc Vân đã cùng nhiều văn nghệ sĩ lên chiến khu Việt Bắc. Chiến khu Việt Bắc đã trở thành cái nôi rèn luyện các trí thức, nghệ sĩ quen sống ở thành thị. Sống trong lòng nhân dân, cùng chung vui buồn với chiến sĩ, người lao động đã giúp cho ông cảm hứng sáng tạo trong điều kiện mới. Những ngày ở Việt Bắc ông làm nhiều việc: Công tác tại đội tuyên truyền xung phong, vẽ tranh, kẻ khẩu hiệu trên những mảng tường, sau đó chuyển sang công tác làm họa sĩ tại Đội kịch Tháng Tám. Năm 1948, ông làm trưởng đoàn Văn hóa kháng chiến, sau đó làm giám đốc xưởng họa sơn mài Việt Nam. Tại Đại hội văn hóa toàn quốc (1948), ông được bầu làm ủy viên Ban chuyên ngành Mỹ thuật. Ông luôn tranh thủ thời gian ký họa cuộc sống con người, cảnh vật của núi rừng Việt Bắc. Thời kỳ này ông sáng tác nhiều tranh, đáng chú ý là các bức khắc gỗ: Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ phủ, Hà Nội vùng đứng lên (1948), Bác Hồ với thiếu nhi (1951) và các bức tranh sơn mài Thiếu nữ, Khi giặc đi qua, Nghỉ chân bên đồi, Nữ cứu thương (1948), Chạy giặc trong rừng (1949). Loạt tranh ký họa về Tây Bắc bằng chì, bút sắt, màu nước về bộ đội, dân công, nông dân, ta có thể kể tới các bức Hai chiến sĩ, Chân dung hai bà lão nông dân, Bộ đội trong hang, Ruộng bậc thang, Một bản ở Tây Bắc (1951). Loạt ký họa màu nước, chì than về nông dân vào năm 1953 tiêu biểu như: Ông lão cầm đuốc đi học, Bủ đường đi học, Tôi có ý kiến, Con trâu quả thực;.... Loạt ký họa về bộ đội từ năm 1949 đến 1954 bằng chất liệu chì, màu nước, bút sắt, bột màu, sơn dầu, tiêu biểu như Hai chiến sĩ, Sinh hoạt trong hang, Xưởng quân giới... Cùng với nhiều họa sĩ khác, các hoạt động đi thực tế sáng tác, triển lãm của họ đã làm cho Việt Bắc không những là thủ đô kháng chiến mà còn là thủ đô của mỹ thuật trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

 

Cuối năm 1949, họa sĩ Tô Ngọc Vân được giao làm Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Việt Nam tại xóm Chòi, Yên Dã thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Cùng giảng dạy tại nhà trường có các danh họa Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sĩ Ngọc. Lớp sinh viên khóa kháng chiến với hơn 20 người được sự dạy dỗ trực tiếp của Tô Ngọc Vân và các họa sĩ tài danh khác đã trở thành những họa sĩ tên tuổi của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, ta có thể kể tới các họa sĩ Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Đào Đức, Nguyễn Thế Vị, Mai Long, Lê Huy Hòa, Lê Lam... Ông thường nhắc nhở học sinh học kết hợp với hành và bản thân ông cũng gương mẫu thực hiện. Những chuyến đi thực tế cùng sinh viên, hoặc đi “ba cùng” trong cải cách ruộng đất đã giúp ông sáng tác nhiều tác phẩm mang dấu ấn của cuộc sống nông thôn, miền núi, quân đội...

 

Những bức ảnh chụp Tô Ngọc Vân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cho ta thấy nét giản dị, yêu đời, tin tưởng vào lý tưởng. Năm 1952, ông nhận được thư khen của Bác Hồ vào năm 1954 được Bác Hồ tặng áo kỷ niệm (hiện lưu giữ ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam).

 

Tháng 4-1954, ông được lệnh lên đường đi Điện Biên Phủ. Trên đường ra trận, ông đã vẽ nhiều ký họa về bộ đội, dân công, phong cảnh và con người các dân tộc Tây Bắc: Giáo viên người Thái, Cô gái dân tộc Mèo, Ba cô gái Thái, Cho ngựa ăn. Ngày 17-6-1954 ông đã hy sinh tại cây số 41 Ba Khe, khi ông đã vượt qua đèo Lũng Lô. Chiếc cặp vẽ mà ông đem theo đi chiến dịch đã có nhiều ký họa dọc đường như: Trú quân, Hành quân qua suối, Lên đèo, Qua đèo Lũng Lô, Chuẩn bị lên đường. Đặc biệt trong đó có bức ký họa chì Đèo Lũng Lô được ghi ở góc ngày 15-6-1954, có thể đó là bức tranh cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của ông. Danh họa Tô Ngọc Vân đã hy sinh trong khi đang sáng tác tại chiến trường. Lịch sử dân tộc và lịch sử Mỹ thuật ghi danh ông bởi nhân cách tỏa sáng của một họa sĩ bậc thầy và người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng trong kháng chiến chống Pháp năm xưa.

 

Họa sĩ Trần Khánh Chương

(Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam)

 

 

 

Tạo bởi admin
Cập nhật 09-01-2007
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin