Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Monday, 23/12/2024 22:20

Triều Ngô Vương (Từ năm 939 - 965)

Ngô Quyền là bộ tướng của Dương Ðình Nghệ sinh ngày 12 tháng 3 năm Ðinh Tỵ (897) ở Ðường Lâm (Ba Vì - Hà Tây). Cha của Ngô Quyền là Ngô Mâm, một hào trưởng có tài. Lớn lên trên quê hương có truyền thống bất khuất, nơi sinh sản và nuôi dưỡng người anh hùng dân tộc Phùng Hưng, Ngô Quyền sớm tỏ rõ trí khí phi thường hiếm thấy.

Vốn thường xuyên luyện tập võ nghệ nên tiếng tăm Ngô Quyền lan rộng cả một vùng. Sách Ðại Việt sử ký toàn thư mô tả Ngô Quyền “vẻ khôi ngô, sức có thể nhấc vạc, giơ cao”. Vì có tài nên Dương Ðình Nghệ giao cho Ngô Quyền cai quản đất Ái Châu và gả con gái cho.


Lăng Ngô Quyền

Trong 5 năm (934-938), Ngô Quyền đã đem lại yên vui cho đất Ái Châu, tỏ rõ là người có tài đức. Khi Dương Ðình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết hại và vua Nam Hán là Lưu Cung cho con là Vạn Vương Hoằng Tháo đem quân sang xâm lược nước ta, Ngô Quyền đã nhanh chóng tập hợp lực lượng để  trừ nội phản, diệt ngoại xâm. Từng hâm mộ tài đức của Ngô Quyền, hào trưởng từ nhiều nơi đem binh về với Ngô Quyền. Ðầu mùa đông năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền đem quân vượt qua đèo Ba Dội, tiến như vũ bão vào Ðại La, bắt giết tên nội phản Kiều Công Tiễn, bêu đầu hắn trước cổng thành. Thù trong đã diệt xong, Ngô Quyền rảnh tay đối phó với giặc ngoài. Ðem quân xâm lược nước ta, chưa biết thắng bại ra sao, Lưu Cung đã vội phong cho con tước Giao Vương (tước vương đất Giao Chỉ). Lưu Cung còn đích thân đốc quân ra đóng ở trấn Hải Môn để sẵn sàng chi viện. Ðể chống lại giặc mạnh, Ngô Quyền đưa ra kế hoạch độc đáo. Ông cho bố trí một trận địa cọc nhọn bịt sắt cắm xuống lòng sông Bặch Ðằng khi nước triều lên ông cho quân ra khiêu chiến, quân Nam Hán đuổi theo, thuyền giặc vào bên trong hàng cọc, đợi khi thuỷ triều xuống sẽ dốc toàn sức tiêu diệt địch bằng một trận quyết chiến nhanh gọn. Tháng 12 năm Mậu Tuất (938) các chiến thuyền của giặc hùng hổ vượt biển tiến vào sông Bạch Ðằng. Chúng nghênh ngang tràn vào trận địa mai phục của Ngô Quyền. Bị đánh bất ngờ nên chỉ trong một thời gian ngắn thuyền giặc bị đắm gần hết, quân giặc bị chết quá nửa, máu chảy loang đỏ khúc sông, Hoằng Tháo cũng bị đâm chết tại trận. Tin thất trận ở sông Bạch Ðằng cùng với tên Hoằng Tháo bị giết khiến vua Nam Hán kinh hoàng phải khóc lên, thu nhặt tàn binh rút chạy.

Vua Nam Hán trước tên là Nham sau đổi là Thiệp rồi sau đó “vì có rồng trắng hiện lên” nên đổi là Cung. Bị thất trận, vua Nam Hán cho tên Cung là xấu và đã đổi tên khác là Yểm tức Lưu Yểm.

Sau chiến thắng, Ngô Quyền xưng vương, bãi chức tiết độ sứ, đóng đô ở Cổ Loa (Hà Nội). Ðể củng cố trật tự chiều chính, Ngô Quyền đặt ra các chức quan văn võ, quy định nghi lễ trong triều. Ðáng tiếc, thời gian trị vì của Ngô Quyền quá ngắn ngủi, chỉ được 6 năm (939-944) thì mất, thọ 47 tuổi.

 

 

 

 

Created by admin
Last modified 16-01-2007
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin