Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Wednesday, 18/12/2024 13:23

Lý Thái Tông (1028-1054)

Niên hiệu: - Thiên Thành (1028-1033); - Thống Thuỵ (1034-1038); - Càn Phù Hữu Ðạo (1039-1041); - Minh Ðạo (1042-1043); - Thiên Cảm Thánh Võ (1044-1048); - Sùng Hưng Ðại Bảo (1049-1054).

Vua Lý Thái Tổ sinh 5 Hoàng Tử: Thái Tông, Phật Mã, Dực Thánh Vương, Khai Quốc Bồ, Ðông Chính Vương Lực, Võ Ðức Vương Hoảng, Phật Mã được phong làm Thái Tử.


Văn Miếu Quốc Tử Giám-

Công trình nổi tiếng thời nhà Lý

Vua Thái Tổ vừa mất chưa làm lễ tế táng, các Hoàng Tử: Võ Ðức Vương, Dực Khánh Vương và Ðông Chính Vương đã đem quân vây thành để tranh ngôi của Thái tử. Tướng Lý Nhân Nghĩa xin Hoàng thái tử đem quân ra chống cự. Khi quân của Thái tử và quân của các vương giáp trận, võ vệ tướng quân Lê Phụng Hiểu tuốt gươm xông tới chém chết Võ Ðức Vương, Thấy vậy, Dực Khánh Vương và Ðông Chính Vương xin về chịu tội, được vua Thái Tông tha tội và phục lại chức cũ.

Thái Tông luôn dạy dân tôn trọng phép nước, định rõ các bậc hình phạt, đối với các tội nhẹ, cho được lấy tiền chuộc tội. Hễ năm nào đói kém, hoặc đi đánh giặc về, vua đều giảm thuế cho dân. Ở trong cung, vua định rõ số hậu, phi và cung nữ: Ví như, hậu và phi: 13 người, ngự nữ 18 người, nhạc kỹ: 100 người. Tất cả các cung nữ đều phải học nghề thêu, dệt gấm vóc, khuyến khích triều thần dùng chế phẩm của họ.


Thời ấy giặc giã còn nhiều nên vua phải thân chinh đi trận mạc. Năm Mậu Dần(1038), có Nùng Tồn Phúc ở châu Quảng Nguyên (Lạng Sơn) làm phản, tự xưng là ChiêuThánh hoàng đế, lập A Nùng làm Hoàng hậu, đặt quốc hiệu là Trường Sinh rồi đem quân đi đánh phá các nơi. Năm sau, vua Thái Tông thân đi đánh được Nùng Tốn Phúc và con là Nùng Trí Thông đem về kinh xử tội. Còn A Nùng và con là Nùng Trí Cao chạy thoát.

Năm Tân Tị (1041) Nùng Trí Cao cùng với mẹ về lấy được châu Thắng Do (gần châu Quảng Nguyên) lập ra nước Ðại Lịch. Thái Tông sai tướng lên đánh, bắt được Nùng Trí Cao. Vua thương tình tha tội chết và cho làm Quảng Nguyên Mục và gia phong cho tước Thái Bảo. Nhưng năm Mậu Tý (1048), Nùng Trí Cao lại xưng là Nhân Huệ hoàng đế, quốc hiệu là Ðại Nam chống lại triều đình.Vua sai tướng Quách Thịnh Dật lên đánh. Nùng Trí Cao đem quân sang đánh Ung Châu rồi lần lượt 8 châu khác thuộc về Quảng Ðông, Quảng Tây của nhà Tống. Vua Tống cử Ðịch Thanh cùng nhiều tướng giỏi đi đánh Nùng Trí Cao. Nhưng đánh mãi không được. Chỉ đến khi người Ðại Lý vừa bắt Nùng Trí Cao chém lấy đầu đem nộp nhà Tống, giặc Nùng mới tan. Năm Giáp Thân (1044), Chiêm Thành nhiều lần đem quân quấy rối vùng biên giới, vua thân chinh đánh dẹp, tiến vào kinh đô nước Chiêm, chém vua Chiêm.

Vua Lý Thái Tông cũng rất chú ý đến việc lập pháp. Dưới thời ông trị vì, năm Nhâm Ngọ (1042), bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta được ban hành. Ðó là bộ luật “Hình thử”. Vua Thái Tông trị vì được 27 năm, đến năm Giáp Ngọ (1054) thì mất, thọ 55 tuổi.

 

 

 

 

Created by admin
Last modified 30-03-2007
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin