Huyền thoại về một vị tướng
Buổi đầu tụ nghĩa, Lân đi giữa bãi tập binh như một nho sinh yếu đuối. Tính Lân lại rụt rè, ít nói, nên không được ai để mắt đến. Nhưng với con mắt tinh đời, Nguyễn Huệ lại thấy ở con người này có điều gì mà mình chưa hiểu hết. Một lần, Huệ cùng Lân xuống núi chiêu hiền, gặp toán cướp chặn đường đòi mãi lộ. Lân múa gươm bảo vệ Huệ, rồi đột nhiên như bị đánh bật ra xa. Đợi khi toán cướp vây quanh, định xông vào bắt Huệ đang ở thế thủ, Lân bất ngờ quay lại, phi thân vào giữa đám côn đồ, đánh cho chúng chạy tán loạn. Từ đó, Nguyễn Huệ biết rõ bản lĩnh và tài năng của Lân.
Lân cho người thân tín biết mình đã dày công luyện tập môn võ mà Phạm Ngũ Lão đã truyền lại qua một nhà sư Thiên Thai Tự. Về sau, lại thờ thầy giáo Hiến làm thầy. Một lần, có nhà sư ở Thiếu Lâm Tự sang, giúp Tây Sơn Vương huấn luyện quân sĩ. Sư nghe tiếng Lân mới ngỏ lời thử sức. Tướng sĩ nóng lòng chờ xem một cuộc tỉ thí long trời lở đất, nào ngờ chỉ thấy Lân xách ghế lên giữa lầu, rồi rủ tay áo ngồi xuống mời nhà sư ra tay. Sư vận hết công lực chạy quanh vung tay đấm đá vào tấm thân mảnh dẻ của Lân. Một lúc sau, thấy nhà sư thấm mệt, công lực chẳng còn, Lân mới nghiêng mình đưa tay gạt cú đá của nhà sư. Cái gạt nhẹ nhàng của Lân làm cho thân hình nhà sư bay đi như một viên đạn, may chỉ bị trọng thương. Lần khác, Lân bị các tướng giữ lại trong Tử Cấm Thành xin trổ tài võ nghệ. Bất đắc dĩ, Lân bảo họ chồng ba hòn đá, rồi nghiêng bàn tay chém xẻ đôi cả ba cùng một lúc.
Biết Lân dũng mãnh, có tài đánh chớp nhoáng, Tây Sơn Tam Kiệt thường cử ông cầm quân tiên phong trong các trận ác liệt. Lân cùng Nguyễn Lữ vào đánh chiếm thành Gia Định lần đầu tiên như trở bàn tay. Trong đại phá quân Thanh, là tướng tiên phong, Lân nhanh chóng diệt gọn đồn lũy tiền tiêu của địch, cấp tốc đuổi bắt bọn thám báo quân Thanh không sót một tên. Trong trận Ngọc Hồi, Lân chỉ huy tiền quân cảm tử, khiêng ván chống đạn xông lên áp sát lũy giặc, mở lối cho đại quân ào ạt xông vào.
Khi nhà Tây Sơn sụp đổ, không ai biết số phận của vị kiệt tướng này ra sao nữa. Người thì kể, khi nghe tin Nguyễn Quang Toản bị bắt, Lân tự đâm cổ chết trong bản doanh. Người khác bảo: ông bí mật về đất Tây Sơn, ẩn mình trên núi cao, thỉnh thoảng có về thăm Thiên Thai Tự.
Tĩnh Hà
Related news:
- Nghệ nhân xứ Huế (15-12-2008)
- Người Tây Bắc hiếu khách (28-11-2008)
- Người H’rê ở Ba Tơ (21-11-2008)
- Làm sống lại những mẫu lụa cổ (03-04-2008)
- Lý Nhân Tông – vị vua tài đức (04-03-2008)
- Người Thăng Long trong chiến dịch giải phóng thành Đông Quan (19-02-2008)
- “Ông già Nam Bộ” (07-12-2007)
- Quang Trung và nghệ thuật dụng binh thần tốc, táo bạo (21-11-2007)
- Gian nan là nợ anh hùng phải vay (26-10-2007)
- Người khôi phục nghề gốm Chu Đậu (17-10-2007)
Last modified 29-05-2007