Huỳnh Thúc Kháng và những bước đi gập ghềnh với lịch sử
“Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Đây là lời nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đã nói trong hoàn cảnh đất nước bị mất vào tay thực dân Pháp.
Từ những lời mộc mạc ấy, chí sĩ họ Huỳnh, người khai sinh ra tờ Tiếng Dân (1927-1943) đã xác tín lại những gì ông đã nói trong 16 năm làm báo bằng thái độ và hành động khi đối diện với bao nghịch cảnh và nhiễu nhương của đất nước. Vượt xa hơn những xác tín ấy, cụ Huỳnh còn thể hiện một con người rất Việt gồm đủ đức tính: nhân bản, dũng cảm và lòng hy sinh vô bờ bến đối với tha nhân. Từ đây hình ảnh của Huỳnh tiên sinh đã in đậm nét đến với mọi người, từ những bài viết xoáy sâu, chọc thủng tư duy kẻ thù. Dưới góc cạnh khác, những bài viết ấy còn kẻ rõ lối đi cho dân tộc, cầm tay nhau giơ cao ngọn cờ chính nghĩa.
Quả thật 16 năm làm báo, 13 năm bị tù thực dân, cộng với suốt đời cụ Huỳnh đã có những bước đi gập ghềnh cùng lịch sử. Là một trí thức đất Quảng Nam, được liệt kê vào hàng “tứ hổ” của phần đất địa linh nhân kiệt. Hai lần đậu thủ khoa trong các kỳ thi hương và thi hội, nhưng không chịu làm quan chạy theo danh lợi. Cụ Huỳnh đã khẳng khái nói rằng: ”Cái sở học của ta để hiểu biết và phục vụ dân tộc, chứ không phải phục vụ quan trường. Vì chốn quan trường ngày nay chỉ là phường bát nháo, làm tay sai cho giặc”. Từ đó, cụ Huỳnh lê gót từ Trung vô Nam, rồi từ Nam ra Bắc, lặn lội gió sương để gặp gỡ các sĩ phu miền Nam và các nhân sĩ Bắc Hà tìm đường cứu nước.
Trong tiến trình cách mạng của cụ Huỳnh, cụ đã khẳng khái tuyên chiến với thực dân Pháp rằng: “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai. Vì đất nước Việt Nam có biên cương và lãnh thổ công khai trên bản đồ thế giới. Cho nên, tôi cũng công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ. Do đó, tôi thách đố mọi trừng phạt và hiểm nguy đến với cá nhân tôi”. Lời nói nghĩa khí và đanh thép trên diễn đàn Tiếng Dân như một thách thức đúng nghĩa với tên của nó. Chính vì thế cụ Huỳnh chẳng những chỉ hành xử cây bút để nói lên khát vọng, mà ngược lại cũng chính cây bút ấy đã lên án thực dân, đòi hỏi thực dân phải tôn trọng dân quyền. Mặt khác, ngòi bút Huỳnh Thúc Kháng được lớn lên từ áp bức của sự nghèo khó và sự bất công của xã hội. Cho nên, ông đã không ngần ngại lớn tiếng bênh vực những kẻ nghèo bị áp bức, và diễn đàn Tiếng Dân cũng đã không chùn bước trước sức mạnh Thực dân, sẵn sàng đứng trên lập trường dân tộc. Chính vì thế, cỗ xe Tiếng Dân đã chuyên chở hành trang dân tộc, tạo nên diễn đàn cưu mang những tấm lòng của những người con Việt nặng lòng với núi sông…
Từ đây, trên chuyến xe Tiếng Dân, cụ Huỳnh đã bắt gặp những kẻ đồng hành mang nặng hành trang như cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Phan Thành Tài, Phan Thanh, Trần Cao Vân và sau cùng nhưng không chấm hết đó là nhà báo Ngô Tất Tố, người bước theo dấu chân của cụ Huỳnh đã có những bài viết nói lên lập trường dân tộc cùng chính nghĩa của đấu tranh. Cũng trên tinh thần ấy, là người viết báo hay làm báo hậu sinh, chúng ta noi gương cụ Huỳnh, cùng bước theo những tư duy, lập luận ấy để thể hiện chức năng của người cầm bút trên tinh thần độc lập, không bị chi phối hay ảnh hưởng bởi thế lực nào.
Năm nay, kỷ niệm 60 năm nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng đã đi về miền miên viễn, chúng ta ôn lại quãng đời khi còn sống, cụ đã sống đúng nghĩa của một con người biết định vị chính xác giữa tri thức và hành thức, con người Việt Nam yêu nước nồng nàn bằng cả trái tim lẫn lí trí. Giờ đây trên núi đồi Thiên Ấn, nhìn xuống dòng sông Trà Khúc, nơi cụ đã yên nghỉ, chúng ta tin rằng linh hồn ấy vô cùng thanh thản vì mộng ước đã thành, đất nước giờ đây đã quy về một cõi, không có lằn ranh vĩ tuyến, thực dân Pháp và các thế lực ngoại bang không còn nữa, giá trị dân tộc đã được phục hồi và nhân phẩm con người đã được tôn vinh.
Như thường lệ hàng năm, những người làm báo hậu sinh thế hệ tôi, lại viết những dòng chữ này như những nén hương đốt lên, gửi về núi đồi Thiên Ấn trên quê hương xứ Quảng, tưởng nhớ đến công đức của cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà yêu nước vĩ đại, một chí sĩ luôn luôn quên mình vì người khác. Cụ chính là con đường, lẽ sống và ánh sáng để hậu sinh noi theo. Vâng! Huỳnh Thúc Kháng chính là tài sản của người Việt Nam chúng ta vậy. Hãnh diện thay!
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoạt (Hoa Kỳ)
Related news:
- Học vị - học vấn - học thuật Phan Huy Chú (24-05-2006)
- Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam: Cả đời gắn bó với tranh Đông Hồ (18-05-2006)
- Trần Nhật Duật (10-05-2006)
- Nguyễn Quý Tân - một nhà nho nghệ sĩ (20-04-2006)
- Về thời gian vua Lý Thái Tổ đăng quang (12-04-2006)
- Lý Bí và nhà nước Vạn Xuân (05-04-2006)
- Chân thật Tế Hanh- một đường thơ bay qua thế kỷ (01-03-2006)
- Một nhân cách lớn trong làng văn, làng báo Việt Nam (22-02-2006)
- Vua Quang Trung ham văn chuộng võ (10-02-2006)
- Họ Khúc với công cuộc khôi phục quyền tự chủ nước Việt thế kỷ 10 (08-02-2006)
Last modified 25-06-2007