Nguyễn Gia Thiều tác giả Cung oán ngâm khúc
Văn học Việt
Thời đại Nguyễn Gia Thiều sống là thời đại có nhiều biến động. Loạn lạc, đói kém khắp nơi. Vua chúa quan lại ăn chơi trụy lạc, tranh chấp, loại trừ nhau. Dân nghèo bị đàn áp, bóc lột. Binh sĩ bỏ thây ở các chiến trường. Trong triều đình, ngoài thôn xóm, từ quý tộc đến bình dân đều cảm thấy hãi hùng, bế tắc. Sự lo lắng về thân phận con người mặc nhiên được đặt ra cho những ai có ý thức quan tâm đến hiện thực bất bình và vấn đề nhân đạo. Tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn (có nhiều bản dịch) đã là một tiếng nói phản đối chiến tranh. Cung oán ngâm khúc góp thêm lời tố cáo cuộc sống chán chường mệt mỏi, bất bình vì những cay nghiệt: Cảnh phù du trông thấy mà đau!
Nguyễn Gia Thiều là con của quận chúa Quỳnh Liên. Ông gọi chúa Trịnh Cương là ông ngoại. Cha ông là một võ quan, được phong tước Đạt vũ hầu. Ông được lui tới trong phủ chúa, do đó được nhìn thấy tận mắt cảnh ngộ của những cung nữ bị bỏ rơi. Ông đã dùng lối văn độc thoại, làm lời một cung phi tài sắc trình bày tâm trạng và nỗi đau đớn bị vua ruồng bỏ. Người phụ nữ trong khúc ngâm đã lên tiếng. Nàng ý thức rõ rệt về phẩm chất, tài năng của mình, nàng tố cáo cuộc sống phè phỡn xa hoa của bọn vua chúa, biến người cung nữ thành thứ đồ chơi. Nàng miêu tả nỗi thê thảm trong cuộc sống cô đơn, tù túng. Từ sự phản ánh hiện thực với lòng phẫn nộ và sự oán hờn như vậy, nàng triết lý về cuộc đời ảo mộng, dối trá, phù du và tuyệt vọng:
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.
Ở đây, Nguyễn Gia Thiều đã mượn lời cung nữ để nói lên tâm sự bế tắc của mình, cũng là sự bế tắc của lớp nhà nho thời đại ông, chán chường và mệt mỏi.
Nghệ thuật Cung oán ngâm khúc về mặt cấu trúc cũng như về mặt ngôn từ đều sắc sảo. Không gian Cung oán ngâm khúc là không gian bưng bít của chốn tiêu phòng lạnh lẽo. Thời gian Cung oán ngâm khúc chủ yếu là mùa thu và bóng đêm. Cảnh trong Cung oán ngâm khúc là cảnh lồng qua màn sương hồi ức và tưởng tượng. Đặc biệt, lối biểu hiện bằng cảm giác là cách viết độc đáo của Nguyễn Gia Thiều có lẽ là lần đầu tiên xuất hiện trong văn học Việt
Nguyễn Gia Thiều là một tài năng đa dạng. Ông thuộc gia đình quý tộc, xuất thân là quan võ. Năm 1782, ông giữ chức Tổng binh ở Hưng Hóa, phong tước Ôn Như hầu, nhưng ông lại xin thôi, về sống cuộc đời tài tử, làm thơ, uống rượu và cả đi tu (ông có hiệu là Như ý Thiền). Ông là một thi nhân mà cũng là một nhạc sĩ. Ông đã sáng tác các bản nhạc Sơn trung âm, Sở từ điệu. Ông vẽ đẹp, có bức tranh Tổng sơn đồ được vua Lê khen thưởng. Ông cũng am tường cả về kiến trúc, Tháp chùa Thiên Tích (Bắc Ninh) đã được xây dựng dưới sự điều khiển của ông. Quãng cuối đời, ông có được triều Tây Sơn mời ra cộng tác, nhưng đã chối từ, về sống ở quê nhà: làng Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) cho đến khi mất.
Giáo sư Vũ Ngọc khánh
Các tin liên quan:
- Nghệ nhân xứ Huế (15-12-2008)
- Người Tây Bắc hiếu khách (28-11-2008)
- Người H’rê ở Ba Tơ (21-11-2008)
- Làm sống lại những mẫu lụa cổ (03-04-2008)
- Lý Nhân Tông – vị vua tài đức (04-03-2008)
- Người Thăng Long trong chiến dịch giải phóng thành Đông Quan (19-02-2008)
- “Ông già Nam Bộ” (07-12-2007)
- Quang Trung và nghệ thuật dụng binh thần tốc, táo bạo (21-11-2007)
- Gian nan là nợ anh hùng phải vay (26-10-2007)
- Người khôi phục nghề gốm Chu Đậu (17-10-2007)
Cập nhật 30-07-2007