“Ông già Nam Bộ”
Chúng tôi đến thăm ông trong căn nhà nhỏ đơn sơ trong một con hẻm trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh. Đã sang tuổi 82, lại vừa bị một tai nạn giao thông nên ông rất yếu. Ông nằm trên giường tiếp chuyện một cách khó khăn, chỉ có ánh mắt và nụ cười móm mém vẫn ánh lên nét hóm hỉnh và hào hứng khi gợi lại những câu chuyện về con người và đất rừng U Minh, những nơi ông đã đi qua và là xương thịt của mỗi tác phẩm cũng như chính con người ông - người lữ hành trên vùng đất phương Nam.
Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài, sinh năm 1926 tại huyện An Biên, Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang). Ông học tiểu học ở Rạch Giá, học trung học ở Cần Thơ. Tháng 8/1945 ông tốt nghiệp bậc Thành Chung cũng là lúc Cách mạng Tháng Tám thành công. Suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông lăn lộn khắp rừng U Minh và vùng tứ giác Long Xuyên. Đây là những năm tháng ông cảm nhận sâu sắc những phẩm chất quý giá của người dân Nam Bộ như: hồn nhiên, chất phác, hào sảng và tình nghĩa. Năm 1952, tập truyện vừa đầu tiên “Bên rừng Cù lao Dung” và “Ký sự Tây đầu đỏ” đã nhận được giải Nhất và giải Nhì của giải Văn nghệ Cửu Long do Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ tổ chức. Qua những tác phẩm đầu tay này, tác giả khắc họa hình ảnh về những người nông dân tham gia kháng chiến bằng lối hành văn giản dị, gần gũi với phương ngữ Nam Bộ. Phong cách đó được nhà văn gìn giữ và hoàn thiện trong hàng loạt sáng tác sau này.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đất nước bị chia cắt thành hai miền. Đây là thời kỳ ông chọn con đường mới cho sáng tác của mình với những đề tài dã sử như: “Chuyện xưa tích cũ”, “Tìm hiểu đất Hậu Giang”, “Nguyễn Trung Trực - người anh hùng dân chài”. Năm 1962, tập truyện ngắn nổi tiếng “Hương rừng Cà Mau” ra đời được đánh giá rất cao và xem như đã định hình phong cách Sơn Nam .
Ngoài sáng tác văn học, Sơn Nam còn nhiều biên khảo có giá trị về mặt lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội của vùng đất mới Nam Bộ như: “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, “Văn minh miệt vườn Gia Định xưa”, “Bến Nghé xưa”, “Miền Nam đầu thế kỷ XX”, “Thiên Địa Hội” và “Cuộc Minh Tân”, “Phong trào Duy Tân Bắc-Trung-Nam”... Sơn Nam viết: “Lịch sử Nam Bộ là lịch sử của công cuộc khẩn hoang trường kỳ và tự lực. Ý thức khẩn hoang mở đất ăn sâu vào máu thịt tôi. Đời ông nội rồi đời cha tôi lo khẩn hoang mở đất, nên những trang viết của tôi dành cho việc khẩn hoang mở đất và là sở trường của tôi”. Ông được coi là “Cuốn từ điển sống về Nam Bộ” cũng là vì thế.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, Sơn Nam vẫn tiếp tục sáng tác tiểu thuyết và truyện vừa như: “Chuyện tình một người thường dân”, “Ngôi nhà mặt tiền”, “Âm dương cách trở”... Ông cũng đã hoàn thành 4 tập hồi ký: “Từ U Minh đến Cần Thơ”, “Ở chiến khu 9”, “20 năm giữa lòng đô thị” và “Bình An”. Đây không chỉ là chuyện kể về cuộc đời một con người, mà còn phản ánh một giai đoạn lịch sử của vùng đất Nam Bộ. Một số tác phẩm của Sơn Nam cũng được các nhà làm phim trong nước và nước ngoài dựng thành phim như: “Cây huê xà” (Hãng phim TFS, Tp. Hồ Chí Minh, 2002), “Mùa len trâu” (hợp tác của Hãng phim Giải phóng VN, 3B Production – Pháp và Novak - Bỉ, 2003). Bộ phim “Mùa len trâu” đã giành được giải cao trong các Liên hoan tại Brazil, Thụy Sĩ, Pháp, Bắc Mỹ (tại Chicago) và Liên hoan phim Châu Á – Thái Bình Dương.
Cuộc đời nhà văn Sơn Nam là nối kết của những chuyến đi. Ông đã rong ruổi khắp mọi nẻo đường mà theo ông: đi là một kiểu đọc sách trực tiếp vào đời. Đi để hiểu, để cảm nhận cảnh vật, con người từ hơi thở của cuộc sống tới ngôn từ để rồi gửi gắm cảm xúc của mình vào những trang viết.
(Báo Ảnh VN)
Related news:
- Nghệ nhân xứ Huế (15-12-2008)
- Người Tây Bắc hiếu khách (28-11-2008)
- Người H’rê ở Ba Tơ (21-11-2008)
- Làm sống lại những mẫu lụa cổ (03-04-2008)
- Lý Nhân Tông – vị vua tài đức (04-03-2008)
- Người Thăng Long trong chiến dịch giải phóng thành Đông Quan (19-02-2008)
- Quang Trung và nghệ thuật dụng binh thần tốc, táo bạo (21-11-2007)
- Gian nan là nợ anh hùng phải vay (26-10-2007)
- Người khôi phục nghề gốm Chu Đậu (17-10-2007)
- Đặng Văn Ngữ - Một nhân cách, một tài năng lớn (17-10-2007)
Last modified 07-12-2007