Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 16:4

Tục lệ ăn trầu - nét văn hóa dân tộc

“Miếng trầu là đầu câu chuyện”, trầu cau là “đầu trò tiếp khách”, lại là biểu tượng cho sự tôn kính, phổ biến dùng trong các lễ tế thần, tế gia tiên, lễ tang, lễ cưới, lễ mừng, lễ thọ... Trong chuyện cưới hỏi ngày xưa cho tới ngày nay, những quả cau, miếng trầu luôn chiếm vị trí rất quan trọng, nó như sợi dây kết chặt mối lương duyên cho những đôi trai gái thành vợ thành chồng.

 

Theo các nhà sử học thì tục lệ ăn trầu có từ thời vua Hùng, và gắn liền với nó là một câu chuyện hết sức cảm động về tình cảm anh em, vợ chồng. Sự tích kể  rằng ngày xưa, ở một vùng nọ có hai anh em mồ côi cả cha lẫn mẹ, họ rất thương yêu nhau. Tuy không phải sinh đôi nhưng hai người rất giống nhau từ vóc dáng cho đến khuôn mặt. Rồi họ cùng yêu một cô gái, trong hai người thì người anh được cô gái đáp lại tình cảm và họ trở thành vợ chồng. Người em rất buồn. Traucau.jpgMột hôm hai anh em đi làm, người em về trước người anh, vợ của người anh tưởng chồng về chạy ra ôm chầm lấy. Đúng lúc đó thì người anh về, trông thấy sự việc đã sinh hiểu lầm người em. Từ khi người anh lấy vợ, tình cảm dành cho người em vốn đã nhạt đi, thì nay anh lại càng hờ hững hơn với em. Một bữa, không chịu được nỗi buồn trong lòng, người em bỏ nhà đi. Anh cứ theo con đường mòn dẫn vào rừng mà đi, đến một con suối rộng và sâu không thể lội qua được, người em ngồi xuống bên bờ suối, sự mệt mỏi, nỗi buồn và giá lạnh khiến anh tê dại, anh cứ ngồi trơ trơ bất động như vậy và chết, hóa thành một tảng đá vôi. Người anh trở về, không thấy em đâu liền đi tìm. Anh cũng đi vào rừng, nhưng đi mãi mà vẫn không thấy em đâu, người anh vừa buồn vừa mệt mỏi, đến chỗ con suối, không lội qua được anh ngồi xuống tựa vào tảng đá nghỉ mà không biết đó chính là em mình, rồi anh cũng chết và hóa thành một loại cây không cành gọi là cây cau. Ở nhà người vợ chờ mãi  không thấy chồng và em trở về, nên cũng vào rừng tìm, đến con suối rộng và sâu kia, chị ngồi tựa và cây cau nghỉ rồi cũng chết và hóa cây trầu leo bám vào hòn đá vôi rồi quấn quanh cây cau.

 

Sau này, khi vua Hùng đi ngang qua và nghỉ chân tại đây, được dân làng kể lại câu chuyện, cảm kích trước mối tình của họ, Vua bèn sai người lấy quả cau bổ ra thành miếng, lấy một lá trầu và một ít đá vôi ăn thử, thấy thơm lại có vị cay cay, nhỏ nước ra thấy một màu đỏ ối. Vua bèn truyền cho thiên hạ lấy giống của cây trầu và cây cau về trồng, dùng vào việc tế tự. Và tục lệ ăn trầu ra đời từ đó.

 

Tục lệ ăn trầu đã trở thành một tập quán không thể thiếu trong cuộc sống của người xưa, miếng trầu gồm có một miếng cau tươi (hoặc khô), một miếng vỏ, một lá trầu và một chút vôi. Khi ăn vào sẽ có vị cay, thơm, ngoài ra còn làm chắc răng, sạch miệng. Trong việc giao tiếp hàng ngày, người xưa thường mời nhau ăn trầu:

 

Tiện đây ăn một miếng trầu
Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là

 

“Miếng trầu là đầu câu chuyện”, trầu cau là “đầu trò tiếp khách”, lại là biểu tượng cho sự tôn kính, phổ biến dùng trong các lễ tế thần, tế gia tiên, lễ tang, lễ cưới, lễ mừng, lễ thọ...

 

Trong chuyện cưới hỏi ngày xưa cho tới ngày nay, những quả cau, miếng trầu luôn chiếm vị trí rất quan trọng, nó như sợi dây kết chặt mối lương duyên cho những đôi trai gái thành vợ thành chồng.

 

Khi một người nào đó đến tuổi lấy vợ và chọn cho mình được người con gái ưng ý cũng như cha mẹ thuận lòng, lúc đó nhà trai sẽ mang một lễ nhỏ gọi là lễ dạm ngõ đến nhà gái se duyên cho đôi trẻ, lễ dạm ngõ là một cơi trầu.

 

Hai bên đồng ý thì sẽ chọn ngày ăn hỏi, lễ ăn hỏi gồm từ một đến hai buồng cau, một cơi trầu, một khúc vỏ. Ngoài ra còn có thêm những món lễ vật khác như: mứt sen, bánh cốm, chai rượu, thuốc lá và thường có cả tiền dẫn cưới. Tất cả được đựng trong những tráp lớn có phủ vải đỏ.

 

Khi đám cưới kết thúc, cô dâu chú rể sẽ bưng khay trầu mời và cảm ơn họ hàng, khách khứa.

 

Lễ cưới là vậy, còn khi tế gia tiên thì có trầu têm, tế lễ thiên thần thì phải 3 lá trầu phết một tí vôi trên ngọn lá và quả cau để nguyên.

 

Ngày nay, mặc dù trong cuộc sống giao tiếp hàng ngày, người ta không còn mời nhau ăn trầu nữa mà thay vào đó là những đồ ăn thức uống của thời hiện đại, nhưng hình ảnh người bà ngồi bên hiên nhà bỏm bẻm nhai trầu, vừa quạt vừa kể chuyện cổ tích cho đàn cháu nhỏ nghe sẽ vẫn khắc sâu trong tâm tưởng mỗi chúng ta. Tục lệ ăn trầu mãi mang đậm nét bản sắc dân tộc và tính nhân văn trong cuộc sống của dân tộc Việt Nam. 

Đào Quang Hòa

 

Tạo bởi admin
Cập nhật 12-12-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin