Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ ba, 24/12/2024 0:29

Ðất quan họ làng Diềm

Không biết từ bao trăm năm, mỗi độ xuân sang là 49 làng Quan họ của vùng Kinh Bắc lại mở hội làng. Khắp ngõ xóm dập dìu các liền chị chít khăn mỏ quạ, nét mặt tươi tắn với đôi môi cắn chỉ đỏ thắm e ấp sau chiếc nón quai thao, duyên dáng trong bộ áo tứ thân sắc màu sặc sỡ có thắt dải lụa đào, cùng các liền anh khăn xếp áo the hát mừng khách thập phương bằng những câu ca mộc mạc, nhưng chân tình thiết tha.

Không biết từ bao trăm năm, mỗi độ xuân sang là 49 làng Quan họ của vùng Kinh Bắc lại mở hội làng. Khắp ngõ xóm dập dìu các liền chị chít khăn mỏ quạ, nét mặt tươi tắn với đôi môi cắn chỉ đỏ thắm e ấp sau chiếc nón quai thao, duyên dáng trong bộ áo tứ thân sắc màu sặc sỡ có thắt dải lụa đào, cùng các liền anh khăn xếp áo the hát mừng khách thập phương bằng những câu ca mộc mạc, nhưng chân tình thiết tha. Mỗi làng tổ chức hội hè đình đám theo ngày khác nhau, nhưng sau Tết Nguyên Đán, đại diện của các làng đều về làng Diềm - tức làng Viêm Xá, huyện Yên Phong, Bắc Ninh - dâng hương hoa phẩm vật quê hương xin Đức Vua Bà cho làng mình mở hội hát mỗi ngày mỗi đông. Theo truyền thuyết thì Vua Bà chính là người sáng lập ra các làn điệu dân ca Quan họ đầy quyến rũ đó - và hiếm có làng nào trong số 49 làng Quan họ có đến 4 hội làng một năm đều có hát Quan họ như làng Diềm. Ở làng Diềm, hội Vua Bà là hội to nhất, ngoài các nghi lễ của hội nói chung thì tất cả hình thức ca hát đều bài bản nhất, lề lối nhất. Ngay cả trong nghi lễ chính của hội hát Quan họ vẫn đóng vai trò chủ yếu mà các nghệ nhân thể hiện ngay cả trong hát thờ, hát cầu đảo… 

Sau Tết Nguyên Đán, từ ngày 9 đến 11 tháng giêng người chơi Quan họ của khắp vùng Kinh Bắc tề tựu ở thị xã Bắc Ninh dự hội thi Quan họ với đủ lề lối, đối đáp, têm trầu, trang phục, ứng xử trong văn hóa Quan họ… để tranh giải truyền thống hàng năm. Tiếp đó là các hội làng mà mở đầu là hội Lim 13 tháng giêng, hội Thổ Hà ngày 21 tháng giêng… đến hội Diềm ngày 4 và 5 tháng hai và nhiều hội khác hết mùa xuân. Ở những hội này, khách từ mọi miền đất nước ta và Việt kiều ở nước ngoài về nghe hát đến hết mùa xuân. Ai đã từng nghe những canh hát đối đáp, đúng lề lối, niêm luật của các bọn và các chạ Quan họ chỉ một mùa thôi, đều bị lời ca giọng hát của các nghệ nhân tuổi từ 60 – 80 hoặc các liền anh liền chị tuổi từ 18 đến 45 quyến rũ đến đam mê, để cứ độ sang xuân lại lặn lội tìm về câu hát giao duyên vì đến hẹn lại lên như lời mời chào nồng hậu của người Quan họ. 

Đến hội Quan họ Diềm hay bất cứ làng nào từ đêm trước đều được nghe những canh hát mừng thọ các cụ cao tuổi từ 65-70-75-80-85-90… và những canh hát đãi khách thập phương tại đình, chùa làng. Điều đáng nói của văn hóa Quan họ là dù khách đến hội lần đầu hay nhiều lần, là khách quen hay khách lạ cũng được gia chủ của bất kỳ nhà nào khoản đãi cơm ăn (không gọi là cỗ dù là mâm cao, cỗ đầy của ngày lễ hội), nơi nghỉ, vì người Quan họ có lệ gói bánh chưng, mổ lợn, gà vào dịp này (lần thứ hai sau Tết) để đón khách thập phương. Nếu khách yêu quý Quan họ mà ở lại hết hội càng quý. Nhà nào nhiều khách thì cả năm sẽ làm ăn hanh thông, phát đạt. Hơn nữa những người nông dân của 49 làng Quan họ quanh năm cần cù chịu khó cấy, cày, gặt hái cũng chỉ mong thóc gạo đầy bồ để mùa xuân họ được hát, được giao duyên với những bọn, chạ mà họ kết nghĩa. 

Làng Diềm có hơn 200 câu hát cổ mẫu mực so với các làng Quan họ khác, những câu hát đối của Diềm khác các làng vài điểm ở điệu thức nhấn nhá, luyến láy cùng ca từ theo lối tự sự với cách dùng ngôn ngữ cổ dân gian. Sự cách điệu ngôn ngữ của Quan họ bao hàm ý nghĩa trữ tình sâu sắc tổng hòa mọi mối quan hệ phu-thê, mẫu-tử, huynh-đệ… dệt nên tinh túy của môn nghệ thuật thuần Việt giàu tính nhân văn. Trong nhiều cuộc thi Quan họ, không phải ngẫu nhiên những người giật giải thường là các liền anh liền chị làng Diềm. Sau hội thi các anh Hai… chị Ba… làng Diềm đều được mời đến hát ở nhiều làng Quan họ trong vùng. Sự sắp đặt ngôi vị Quan họ từ anh (chị) Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu đều được thể hiện tài năng bằng lời ca, giọng hát của nghệ nhân. Thật vui khi chị Ba 45 tuổi vẫn là em chị Hai 25 tuổi, hoặc là cô (bác) phải xưng em với chính con cháu mình (trong sinh hoạt Quan họ) khi trình độ chưa đạt ngôi vị đẳng cấp trong bọn. đến Quan họ không chỉ là nghe hát, mà là được sống với nền văn hóa Quan họ, hiểu được mảng văn học nuột nà, trữ tình, tế nhị, qua câu hát tỏ tình, hoặc kể chuyện lên non, xuống biển của một đời người… Ra giêng - xuân về ấm áp hơn, cả vùng Kinh Bắc đang chờ đón khách về dự hội Quan họ. Bởi người Quan họ đã có lời:

    Xa xôi xin chớ ngại ngùng
    Xa người xa tiếng như lòng không xa.

Và họ đợi khách về để được ân cần

    Đôi tay nâng lấy cơi trầu
    Nâng lên tiếp bạn sau mời đôi bên.

                                                                                      Ðỗ Việt Khuê

 

 

Tạo bởi admin
Cập nhật 17-10-2005
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin