Chợ nổi vùng cuối đất
Đến đây, khách phương xa sẽ cảm thấy ngỡ ngàng đến thích thú khi nhìn những chiếc vỏ lãi gắn máy, những chiếc canô sang trọng phóng như bay qua khắp các nẻo kênh rạch chằng chịt từ nội thành cho đến các vùng quê xa. Vì vậy, việc giao thương ở đây không thể diễn ra trên sông nước, và chợ nổi Cà Mau đã được hình thành không biết tự bao giờ.
Chợ nổi Cà Mau là một "thị tứ" không thua kém gì những chợ trên bờ, với hàng trăm chiếc ghe lớn nhỏ đậu ken dày bên nhau. Trước mũi mỗi ghe đều cắm một cây sào dài, bên trên treo lủng lẳng những gì mà chủ nhân bán. Những trái bí, trái bầu, dưa hấu, những rau cải xanh tươi... hòa cùng màu vàng sậm của bí rợ, khoai tây và màu đỏ của cà rốt, cà chua... đu đưa vì sóng của những chiếc vỏ lãi, canô phóng qua, như vẫy mời khách. Hình thức "bẹo hàng" này là một nét văn hóa giao thương độc đáo, không ồn ào mời chào, nhờ thế, chủ nhân cứ nhẩn nha ngồi uống trà, hút thuốc lá đợi khách hàng. Chợ nhóm trên sông từ ba giờ khuya cho đến khi trời sắp tối. Cả một khúc sông rộn rịp tiếng trả giá, tiếng cân và chuyển hàng từ ghe này sang ghe nọ. Những chiếc ghe khẳm lừ hàng hóa vừa cặp bến đã có vài ba chiếc ghe "nổi lườn" nhẹ nhàng tách bến ra đi... Chủ ghe không bán một thứ hàng "chết" nào, mà bán bất cứ thứ gì mình mua được.
Không giống như chợ trên bờ, những ghe hàng trên chợ nổi không nhất thiết phải quy tập từng khu chuyên bán một mặt hàng, nên khách mua phải "lượn lờ" trên sông nhìn cây bẹo mà tìm.
Giống như các chợ nổi khác của khu vực ĐBSCL, chợ nổi vùng cuối đất cũng chỉ bán toàn nông sản. Hàng được bán cho các thương lái chở về các vùng quê sâu Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Cái Nước, Thới Bình, Rạch Tàu... Điều thích thú ở đây mà các chợ nổi khác không có là thỉnh thoảng có một vài chiếc ghe bán chiếu rong. Những chiếc chiếu Tân Thành nhiều màu sắc ấy là loại chiếu đẹp, bền, nổi tiếng như bài vọng cổ làm nên "danh phận" của nó qua bài "Tình anh bán chiếu" của soạn giả Viễn Châu với giọng ca điêu luyện Út Trà Ôn. Bơi len lỏi trong chợ nổi còn thường là những chiếc ghe hàng rong, phục vụ cho mọi người từ điếu thuốc lá thơm đến những thức ăn sáng, ăn trưa... Cũng giống như ghe thương hồ, ghe hàng rong không hề cất tiếng rao như những người bán hàng rong trên các ngõ phố.
Chợ nổi vùng cuối đất dài khoảng 500 mét trên con sông Gành Hào, nằm bên trái cách cầu Gành Hào 200 mét, thuộc địa bàn phường 8, thành phố Cà Mau. Trước đây, theo lời kể của những bậc trưởng thượng, chợ nổi Cà Mau (ở ngã ba Chùa Bà, cách địa điểm hiện tại khoảng 1 cây số) bán cả bàn ghế, giường ngủ, tủ thờ... Hiện nay, chợ chỉ bán rặt hàng bông, vừa bán sỉ và cả bán lẻ. Không giống như các chợ trên bờ, người bán ở chợ nổi là dân tứ xứ đến "cắm sào" kiếm sống. Họ đã hình thành tập quán "buôn có bạn bán có hàng" từ hàng trăm năm nay. Chiếc ghe với họ là căn nhà di động. Dù cuộc sống chật hẹp trên sông nước nhưng họ cũng trồng nhúm bẹ, chút rau xanh, cây ớt... trên mui ghe. Những thứ lặt vặt này chợ nổi bán ê hề chỉ cần bỏ vài trăm bạc đã có trong tay, nhưng cái họ cần là ngoài việc ăn thứ rau cải do chính tay mình trồng, đó còn là cách nhắc nhở họ về mảnh "đất liền" mến yêu. Để rồi những chiều tối nhàn nhã, thả khói thuốc mơ màng, ca vài ba câu vọng cổ cảm khái trong tiếng đàn ghi-ta phím lõm trầm buồn ngân vang trên sông nước, họ hít thở mùi đất ruột rà qua các chậu rau xanh... Đó là lúc "thế giới trái cây và rau quả" im ngủ trong từng khoang ghe, để rồi vào khoảng ba giờ sáng hôm sau chúng thức dậy trên những chiếc sào dài, "bẹo" khách đến mua. Chợ nổi tiếp tục một ngày sinh hoạt giao thương sông nước mới. Nhộn nhịp và lạ kỳ một cách lãng mạn với khách nước ngoài.(TTCN)
Các tin liên quan:
- Tết nhớ về tranh Hàng Trống (31-12-2008)
- Tứ quý trong tranh dân gian Đông Hồ (24-12-2008)
- Dải lụa trong hội Dâu (24-12-2008)
- Bánh khúc làng Diềm - Món quà quê đượm tình Quan họ (24-12-2008)
- Không gian xứ Huế (15-12-2008)
- Hội Chen (15-12-2008)
- Tục lệ ăn trầu - nét văn hóa dân tộc (12-12-2008)
- Chốn quê (09-12-2008)
- Gốm Cậy (08-10-2008)
- Làng gốm ven Sông Cầu (01-10-2008)
Cập nhật 20-09-2005