Người Huế vẫn tìm những cái cầu kỳ trong ăn uống để khẳng định sắc thái của mình. Món ngon ở Huế bao gồm cả nghệ thuật "nêm nấu" pha chế, nghệ thuật thưởng thức tinh tế, ẩn chứa những triết lý sâu xa trong bản sắc của văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Huế từng là chốn đế đô, nơi lối sống của tầng lớp quý tộc và thượng lưu luôn được đề cao nên thực đơn và cách chế biến món ăn Huế mang tính công phu, tỉ mỉ.
Đãi ăn bằng mắt
Món ăn của người Huế thường được chế biến cầu kỳ và trình bày nhiều màu sắc. Trong bát phở Hà Nội, nước dùng chan phải trong mới đủ tiêu chuẩn.
Còn phở, bún của người Huế thì có màu đục, vị vàng của mỡ nổi trên bề mặt, màu xanh của ngọn hành tươi, mâu đỏ của vài lát ớt xếp trên bát là một yếu tố thiết yếu về màu sắc trong cách chế biến.
Người Huế đãi "ăn bằng mắt" trước khi ăn bằng miệng. Mặc dù cũng sử dụng các loại gia vị ớt, hành, tỏi, gừng, nghệ... vào chế biến món ăn, nhưng người Huế đã kỳ công hóa việc sử dụng này như một nghệ thuật.
Nấu ăn Huế phải đạt 3 tiêu chuẩn: bổ, thơm, rẻ. Muốn được như thế thì gia vị đóng vai trò rất quan trọng. Người Huế thường ăn chua, ăn đắng nên không dùng nhiều đường và nước dừa như người miền Nam. Một món ăn dù với những loại thực phẩm bình thường nhưng được chế biến thơm ngon, bày biện đẹp mắt luôn hấp dẫn và kích thích khẩu vị thực khách. Để tạo ra sự hài hòa về mùi và vị, người Huế thường mất nhiều công và chú trọng chọn gia vị nêm hơn là các vật liệu chế biến. Món le le thường phải sử dụng đến một danh sách dài những đồ phụ gia như rượu, xì dầu, tỏi, gừng, tương, đường, ngũ vị hương, măng, sen, nấm, táo, đậu...
Cơm vua
Cơm cung đình: là tập hợp các món ăn được chế biến công phu tỉ mỉ theo các món ăn của hoàng tộc xưa. Trong bữa cơm tất cả đồ dùng như chén, bát, tô, đĩa ... đều là đồ men đẹp nổi tiếng. Thực khách như một vị vua, khoác các bộ y phục của triều đình, dùng bữa trong khung cảnh cung đình xưa với tiếng nhạc cung đình, dưới lọng che của lính canh và sự phục vụ tận tình của các cung nữ...
Thực khách chủ yếu của loại dịch vụ này là khách du lịch nước ngoài. Trong các nhà hàng hay khách sạn, những món ăn cung đình được chế biến để phục vụ cho các thực khách -như phượng hoàng khai vị, súp cua nóng, nem rán, tôm phích, gà -nấu đậu, cơm Hương Giang... tất cả đều là những sản vật nổi tiếng tươi ngon và nhiều chất dinh dưỡng của xứ Huế thơ mộng và hiếu khách.
Đặc sản bình dân
Bánh bột lọc: Làm theo 2 kiểu, lọc gói và lọc trần. Nguyên liệu làm bánh bột lọc là từ sắn tươi được xay nhuyễn, lắng bột rồi đem phơi khô. Thứ hai, bột sắn được nhào và lọc bằng nước sôi, rồi nặn bột thành hình tròn và mỏng. Bỏ nhân vào, ép lại thành hình bán nguyệt nhỏ.
Nhân bánh thường là tôm và thịt mỡ kho rim với nước mắm, muối tiêu, hành, đường, ớt. Sau đó, bỏ vào nước sôi luộc khoảng 15 - 20 phút. Khi nào thấy bánh trong suốt là được. Với bánh lọc gói, thay vì nhồi bột thì người nội trợ thường giáo bột, cho nước lạnh vào với tỷ lệ vừa phải, đặt lên xửng hấp. Bánh lọc gói khác bánh lọc trần ở chỗ người ăn không thấy ngay được nhân tôm thịt hấp dẫn ở bên trong. Tuy nhiên cái thú được bóc lá, được đụng tay vào chiếc bánh thường tạo cho thực khách cảm giác ăn thú vị hơn.
Cả hai loại bánh được ăn chung với nước chấm pha chế khá khéo, mùi thơm của tỏi và chanh, mùi cay nồng của ớt và vị ngọt thoảng qua của đường...
Bánh bèo Huế: Gạo được xay nhuyễn, khuấy đều cho thêm muối và mỡ rồi bắc lên bếp, phải luôn tay đảo để bột khỏi vón cục, sau đó múc đầy khuôn rồi hấp cách thủy khoảng 15 - 20 phút. Khuôn bánh bèo có thể là những ô gỗ hay là những chén nhỏ. Nhân bánh làm từ tôm giã nhuyễn sau đó rang trên chảo mở nóng, phi hành thật thơm với hỗn hợp muối, bột ngọt, tiêu... nhờ tài chế nước chấm nhạt bằng tỏi, ớt nên bánh càng thêm ngon.
Cơm hến: khách đến Huế thường rất thích cách làm cơm hến Huế. Đây là món ăn đòi hỏi sự khéo léo và công phu của người nội trợ.
Cơm hến có 21 chất liệu như: hến, ớt tương, ớt màu, ớt dầm nước mắm, ruốc sống, bánh tráng nướng bóp vụn, muối rang, đậu phụng hay mè rang, dạ dày heo rán, mỡ và tóp mỡ, bột ngọt cuối cùng là cơm, các loại rau thơm, bắp chuối, cọng môn bạc hà xắt nhỏ, khế chua, tỏi, đường, hành khô chiên mỡ, gừng. Nguyên tắc là tất cả chất liệu trên đều phải để nguội nhưng nước hến thì luôn luôn giữ nóng trên bếp than. Cơm hến Huế là món thể hiện cách ăn với năm giác quan: nghe, nhai, nếm, chạm và ngửi đặc trưng nhất của người Huế.
Bánh khoái: là loại bánh chuẩn bị cần sự kỹ càng, khéo léo. Bánh được làm từ bột gạo, khuấy cùng nước lạnh pha thêm ít muối, đường. Nhân bánh được làm bằng tôm, thịt nạc, nấm xào chung với nhau.
Khi khuôn bánh trên lò nóng tráng dầu cho sôi rồi múc bột rải đều nhân bánh lên trên và đậy nắp đợi chín, sau đó mở ra cho thêm giá và rải tráng một lớp lòng đỏ trứng gà trên mặt bánh.
Vài phút sau, gấp đôi bánh, lật lại mặt cho chín giòn rồi bày ra đĩa. Bánh khoái nóng được ăn kèm với rau sống và nước lèo. Nước lèo phải làm từ bột xúp sền sệt đầy hương vị, nấu từ gan lợn băm nhỏ, tương đậu nành, đậu phụng, mè và muối, ớt, tỏi, đường... Rau sống để ăn kèm với bánh thường rất đa dạng với các loại vả, chuối chát, khế, rau thơm, cải con.
Bún bò, giò heo Huế: bún là thứ hàng ăn nơi nào cũng có như bún riêu, bún ốc, bún thang, bún chả cá, chứ không riêng gì Huế. Nhưng Huế vẫn nổi tiếng với món bún bò giò heo không nơi nào bắt chước được. Bún bò giò Huế thường là sự tổng hợp của rất nhiều chất liệu chế biến như sợi bún trắng, bò nhúng vừa chín tái, chả cua, chả thịt giò heo, thịt nạc, thịt gân hầm mềm rục... Với các thực khách sành ăn, bún bò giò heo Huế thường để lại trong họ vị cay xè của ớt, vị ngọt lịm của nước hầm, vị béo của miếng thịt bò và vị nóng hổi của nước bún đang bốc khói.
Nem, tré: để cho ra đời một lọn nem nhỏ bằng bốn ngón tay, những người nội trợ Huế phải qua nhiều công đoạn như quết thịt heo nhuyễn rồi đem trộn với da heo thái mỏng cộng thêm hỗn hợp gia vị: mè, đường, muối, bột ngọt, tiêu; sau đó gói chặt và đóng thành một xâu dài. Muốn cho nem cứng, chặt, ăn giòn và ngon, người ta thường phải cho vào nhiều lớp lá, nếu ít lá lọn nem sẽ mềm và ăn không ngon. Thông thường trời nắng, nem để khoảng 2 ngày là chín, còn trời lạnh để khoảng 3 ngày mới ăn được. Cùng với nem là tré, nem - tré đi đôi với nhau, tré Huế trong cuốn "Thực phổ bách thiên" của bà Trương Thị Bích - con dâu ngài Tùng Thiện Vương có cách dạy làm tré theo bài thơ sau:
“Thịt này làm tré phải rau da
Tỏi cựu, gừng non xắt rối ra
Thính muối mè, đường, đều trộn bóp
Gói bằng lá ổi, bó thanh tra"
Các món chay: Huế là trung tâm phật giáo nên việc chế biến các món chay Huế được phát triển và nâng lên đến hàng nghệ thuật.
Du khách đến đây thường rất kinh ngạc trước khả năng chế biến món chay của người Huế. Món chay không chỉ thể hiện cái lạ, cái ngon ở món ăn mà còn thông qua đó thể hiện khả năng sáng tạo, quan niệm sống hài hòa của người Huế. Nguyên liệu vẫn là của thực phẩm chay, nhưng thực khách được nếm các món ăn với hình thức hấp dẫn như trong đời sống dân dã như mì xào thập cẩm, hoành thánh, thịt heo quay kho, gà xé phay, bít tết, nem nướng, chả lụa hoặc tôm kho tàu, cháo gà... Đây thực sự là những món ăn luôn mang lại sự ngạc nhiên và niềm thích thú của thực khách trước tài sáng tạo của đầu bếp Huế.